Bóng đá châu Âu: Đang tồn tại một hệ thống rửa tiền bí mật?

Chủ nhật - 04/06/2017 21:53
Khi bóng đá không còn là một trò tiêu khiển mà trở thành ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ, tội phạm rửa tiền bắt đầu len lỏi kiểm soát, sử dụng bóng đá như một công cụ. Và vào mùa hè, khi thị trường chuyển nhượng sôi động nhất, cũng là lúc tội phạm rửa tiền hoạt động. Vậy có một hệ thống rửa tiền nấp phía sau trái bóng?

1.FIFA đã thống kê rằng, trên thế giới có khoảng 265 triệu cầu thủ, trong đó có 38 triệu cầu thủ đăng ký chuyên nghiệp, 5 triệu trọng tài, 301.000 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Có lẽ không có ngành công nghiệp nào giàu nhân công, nhiều "nhà xưởng", nhiều cơ hội kinh doanh và lắm lợi nhuận như bóng đá. Trong một thế giới hào nhoáng diệu kỳ như thế, tiền trở thành một dạng quyền năng tối thượng, có thể mua được mọi thứ. Nguồn tiền đổ vào bóng đá tăng lên hàng năm theo cấp số nhân.

Theo hãng thống kê tài chính Deloitte (năm 2008), giá trị của 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu (Bundesliga-Đức, La Liga-Tây Ban Nha, Premier League-Anh, Serie A-Italia, Ligue 1-Pháp) có tổng giá trị 7,5 tỷ euro, chiếm 52% tổng giá trị kinh tế của bóng đá châu Âu, bao gồm cả UEFA, FIFA và các Liên đoàn quốc gia thành viên (tổng giá trị 13 tỷ euro). Ngành công nghiệp bóng đá châu Âu mỗi năm chiếm từ 0,5 (bóng đá đơn thuần) đến 3,7% (giá trị gia tăng gồm cả du lịch, dịch vụ) tổng GDP của khối EU. Mỗi năm, các con số tài chính kia tăng dần đều khoảng từ 4 đến 8%.

Những con số khủng khiếp ấy cho thấy nguồn lợi ghê gớm mà bóng đá châu Âu mang lại. Và đương nhiên, nó nhanh chóng trở thành mục tiêu của tội phạm. Đến mức, mới đây "Lực lượng đặc nhiệm tài chính" (FATF-Financial Action Task Force) đã có riêng một bản báo cáo với gần 50 trang mang tính cảnh báo về nguy cơ thế giới bóng đá sẽ tràn ngập tội phạm rửa tiền. Ở đó, bóng đá được xếp là mục tiêu số 1 trong mọi môn thể thao, đứng trên các môn criket, bóng bầu dục, đua ngựa, đua xe công thức 1… Có nhiều cách để tham gia hoạt động rửa tiền trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng: từ đường cá cược, đầu tư, mua tài sản…

Ví dụ năm 2001, cảnh sát New York đã phá một đường dây rửa tiền của một băng đảng Jamaica tham gia cá cược, mua lại ngựa đua bằng tiền bất hợp pháp để thuận tiện cho việc đưa tiền bẩn ra nước ngoài, biến nó thành tiền sạch. Hay ở Nga, Séc, các nước Đông Âu, các băng đảng mafia thâu tóm các đội khúc côn cầu, rửa tiền bất hợp pháp hàng triệu USD mà không gặp bất kỳ nghi ngờ nào.

Kẽ hở trong hệ thống bóng đá châu Âu đó là nguồn chi rất lớn, chủ yếu là từ trả lương cầu thủ (chiếm khoảng 42% doanh thu) và mua bán cầu thủ. Tội phạm rửa tiền sẽ tập trung đánh vào điểm yếu này bằng 20 phương thức, trong đó có những phương thức phổ biến như sau:

- Thành lập một CLB nghiệp dư với những khoản đầu tư không rõ ràng.

- Đầu tư vào một CLB đang gặp khó khăn tài chính. Nguồn gốc khoản tiền đó sẽ bị bịt kín, mà nếu ngân hàng có điều tra thì họ sẽ rút khỏi cuộc chơi. Hoặc bằng cách nào đó, một công ty ở xa lắc xa lơ, một vùng không ai biết đến tham gia vào việc giúp CLB. Bằng cách đó, các tổ chức tội phạm có thể nhập cảnh vào địa phương có CLB.

- Tham nhũng, trốn thuế.

Sở dĩ FATF nhấn mạnh rất nhiều đến hai trường hợp đầu tiên, bởi nó là những phương pháp phổ biến nhất. Họ cũng hoàn toàn có lý khi đưa ra những ví dụ từ Nga, Mỹ… những nơi có rất nhiều tỷ phú đang tham gia đầu tư và mua lại các CLB lớn của châu Âu. Và những câu chuyện được phơi bày, dù cho đó chỉ là những nghi án mà có lẽ sẽ không bao giờ được phơi này.

2.Hơn 1 năm trước, các nhà điều tra Pháp đã đột nhập căn biệt thự sang trọng ở Anh. Máy bay trực thăng, đội đặc nhiệm với mặt nạ hạ cánh xuống bãi cỏ. Họ lao vào ngôi nhà rộng lớn rồi đi ra với khuôn mặt ủ rũ đến thiểu não. Đó là cuộc đột kích dinh cơ của tỷ phú Nga Boris Berezovsky, người bạn, đối tác của tỷ phú Roman Abramovich - ông chủ của CLB Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh. Tất cả những điều tra đều có cơ sở, và trong hệ thống đầy phức tạp ấy, Abramovich nắm mắt xích quan trọng, với 2 lần chuyển quyền sở hữu 2 công ty lớn. Người ta còn nghi ngờ một phần nhỏ tài sản trong số tài sản hơn một chục tỷ bảng của Abramovich được ném vào đội bóng Chelsea. Tuy nhiên, những dấu vết đã bị xóa sạch.

Chỉ biết rằng, một lượng tiền khổng lồ đã được đầu tư vào Chelsea một cách bất thường: 140 triệu bảng mua lại quyền sở hữu CLB năm 2003 trong một cuộc thương lượng nhanh kỷ lục, chỉ mất có 107 tiếng đồng hồ để hoàn tất; 150 triệu bảng chi cho chuyển nhượng; hàng chục triệu bảng trả nợ cho CLB, đầu tư sân bãi, học viện… Sự đầu tư "bất thường" ấy đã xoay chuyển hoàn toàn nền bóng đá Anh nói riêng và cả nền bóng đá châu Âu. Và Abramovich vẫn là vị Thánh của Chelsea, là người cứu rỗi và đưa đội bóng lên đỉnh cao bằng niềm đam mê bóng đá. Chính Abramovich còn được coi là người mở ra một trang mới cho lịch sử bóng đá thế giới, với sự kết hợp hoàn hảo giữa một tỷ phú và trái bóng.

Tiếp theo Abramovich, hàng chục tỷ phú đã tìm đến các CLB bóng đá lớn, chi tiền vô tội vạ vào chuyển nhượng, phá tan hàng rào lương bổng, chi phí trong các vụ chuyển nhượng. Đỉnh cao là vụ Real Madrid mua tiền đạo C.Ronaldo từ Manchester Utd với giá lên đến 85 triệu bảng (gần 100 triệu euro). Hiện nay, từ Anh, Tây Ban Nha, Italia, Pháp đều đã có những tỷ phú sở hữu các đội bóng hùng mạnh nhất (duy nhất ở Đức không có hiện tượng này do các CLB không cho phép sở hữu tư nhân). Và một cuộc chạy đua chuyển nhượng diễn ra với những con số ngày càng cao.

Ngay mùa hè năm nay, hàng loạt CLB có sự đỡ đầu của các tỷ phú như Manchester City, PSG, Monaco, Chelsea… đang lao vào một cuộc đấu giá cầu thủ vô tiền khoáng hậu. Và đó sẽ là cơ sở để tạo ra những nguồn tiền hợp pháp một cách bất thường. Những gì mà ta nhìn thấy sẽ chỉ là hàng loạt con số dài vô tận, và nó đến từ túi của những tỷ phú. Chấm hết!

Những nhà tài phiệt giàu có đủ thông minh để xóa đi dấu vết. Ví dụ như tỷ phú Carson Yeung người Hong Kong, từng là chủ sở hữu của CLB Birmingham (Anh). Doanh nhân này thôn tính hoàn toàn Birmingham khi chi 81 triệu bảng vào năm 2009. Nhưng chẳng bao lâu sau, cảnh sát đột nhập văn phòng của ông, mang đi 12kg tài liệu, hàng ngàn dữ liệu và đưa Carson Yeung ra hầu tòa ở Hong Kong vì tội rửa khoản tiền lên đến 60 triệu bảng. Trong số đó, phần lớn đã từng trôi qua tài khoản của CLB Birmingham. Dù vậy, Carson Yeung vẫn đảo ngược phán quyết và hiện vẫn đang là chủ tịch CLB.

Đọc kỹ bản báo cáo dài dằng dặc, phân tích chi tiết hệ thống hoạt động của các tổ chức, cá nhân tội phạm rửa tiền mà FATF đưa ra, có thể hình dung ngay ra rằng, toàn bộ hoạt động tài chính, đầu tư, mua lại các CLB bóng đá ở khắp châu Âu đều có biểu hiện của hành vi rửa tiền, đặc biệt là trong hoạt động chuyển nhượng, mua bán cầu thủ. Chính vì đối tượng là những tỷ phú nắm trong tay quyền lực tiền bạc, việc phanh phui một Carson Yeung tiếp theo không hề dễ dàng. Vì thế, FATF chỉ có thể cảnh báo để UEFA, FIFA vào cuộc. Song, chính các cơ quan bóng đá tối cao cũng không thể làm gì khác, vì cách cuối cùng là họ đề ra quy tắc: Cân bằng tài chính, nhằm hạn chế chi tiêu của các CLB lớn. Nhưng đến nay nó vẫn tỏ ra… vô hại!

3.Tại sao Manchester City với tỷ phú Mansour đến từ Ả Rập, thông qua một tập đoàn đầu tư tài chính, có thể chi trên 1 tỷ bảng cho CLB Anh này trong 5 năm qua, mà đến nay chưa có đồng lãi nào? Tại sao Abramovich cũng bỏ ra ngót 1 tỷ bảng mà năm ngoái ông mới thu lãi… hơn 1 triệu bảng? Tại sao một tập đoàn đầu tư tài chính của Qatar có thể bỏ trên 500 triệu bảng đầu tư cho PSG (Pháp) từ năm 2011 mà chưa thấy khả năng lãi? Tại sao hàng loạt CLB Anh liên tục phá sản (Portsmouth, Birmingham, Leeds…) dù đã có các ông chủ tỷ phú đỡ đầu? Không bao giờ có doanh nhân nào lao vào đầu tư thứ gì đắt đỏ, nhiều tiền mà không nhìn thấy lợi nhuận. Tình yêu ư? Lời giải đáp duy nhất có thể vin vào. Nhưng đó cũng là câu trả lời ngây ngô nhất mà người ta có thể tin được.

Và để xóa đi cái sự ngây ngô cho chính mình, các CĐV, người hâm mộ chỉ hiểu được rằng, vài trăm triệu bảng chẳng thấm vào đâu so với khối tài sản  hàng chục tỷ bảng mà các tỷ phú đang có. Vấn đề không nằm ở số tiền ném ra là bao nhiêu mà nằm ở chỗ: nó đến từ đâu và nguồn tiền đó đang bí mật thu lợi cho chủ nhân của nó ở đâu đó phía sau két sắt, sau lưng các ngân hàng.

Có như vậy, những cuộc đấu giá cầu thủ mới bắt đầu leo thang. Tiền vệ của Tottenham, Gareth Bale từ 20 triệu bảng, nay đã thành 85 triệu bảng. PSG từng nói sẵn sàng mua Rooney của Manchester Utd với giá 100 triệu bảng. Manchester City có thể mua tiền đạo Cavani của Napoli với giá 70 triệu bảng… Trong khi thu nhập của một CLB không bạo chi, không có tỷ phú đỡ đầu như Bayern Munich, vô địch 3 giải đấu lớn mùa giải vừa qua, nhà Vua mới của châu Âu, cũng chỉ ở mức 100 triệu bảng.

Những câu hỏi đó tạo ra sự hỗn loạn tiền tệ ở bóng đá châu Âu, một nền bóng đá bị bủa vây bởi nguồn tiền vô tận, những nguồn tiền mà không ai kiểm chứng được chính xác nó đến từ đâu, nó sạch hay bẩn. Chỉ biết những dòng tiền khổng lồ vẫn cứ được bơm vào bóng đá châu Âu trong mỗi kỳ chuyển nhượng mùa hè.

Argentina cũng có rửa tiền?

Năm ngoái, Argentina, nền bóng đá Nam Mỹ không có những ông tỷ phú như ở Anh, Tây Ban Nha, Pháp cũng đã rúng động vì nghi án rửa tiền. Cơ quan điều tra phát hiện 2 vụ chuyển nhượng Jonathan Bottinelli của River Plate và Ignacio Piatti của San Lorenzo có dấu hiệu rửa tiền. Bottinelli được River Plate mua về từ CLB Union San Felipe (Chile), nhưng thực tế chưa bao giờ cầu thủ này chơi cho CLB Chile này. Piatti thì trên hồ sơ ghi mua từ đội Sud America nhưng đội bóng sở hữu cầu thủ này khi đó là Lecce (Italia). Nhiều CLB Argentina đang ngập trong nợ, và các nhà điều tra nghi ngờ rằng việc chuyển nhượng cầu thủ kiểu này sẽ tạo ra những giao dịch ảo, che đi những khoản chi phí giao dịch thực tế nhằm trốn thuế và rửa tiền.

 

Theo Lê Giang  (Cảnh Sát Toàn Cầu)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây