Khi con cái chán học, đây là cách giúp cha mẹ đảo ngược tình thế

Thứ ba - 21/02/2023 14:06
Cách tiếp cận khác đi của mẹ Vương Dĩnh là điều mà hầu hết các bậc phụ huynh có lẽ không dám nghĩ tới và cũng không dám làm.
D20230022106 1

Vương Dĩnh là học sinh một trường Trung học ở Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Nhiều năm liền, nam sinh này có thành tích học tập khá tốt. Tuy nhiên, khi sắp đến kỳ thi tuyển sinh đại học, Vương Dĩnh vẫn không thể tập trung 100% thời gian và sức lực để ôn luyện. Nguyên nhân đơn giản, cậu còn phải thu xếp để chơi game. Đây là trò chơi nhiều năm qua cậu cùng bạn bè giải trí.

Nghe giáo viên nhắc nhở, nhiều lần Vương Dĩnh quyết định ngừng chơi nhưng lần nào cũng không thể "cai" được. Nhìn thấy tình trạng rối rắm của con mình, mẹ của Vương Dĩnh đã nảy ra ý tưởng không giống ai.

Bà khuyến khích con cứ... chơi game, nhưng bên cạnh đó, bà thống nhất với con: Con phải tự sắp xếp thời gian học tập, sao cho đạt được mục tiêu vào đại học yêu thích. Thật bất ngờ, năm đó, Vương Dĩnh quả thật đạt được như ý nguyện. Với 675 điểm, cậu trở thành tân sinh viên ở ngôi trường mơ ước.
 
D20230022106 2
Ảnh minh họa.

Sau khi nghe câu chuyện của Vương Dĩnh, nhiều người vô cùng ghen tị vì anh có một người mẹ tâm lý và hiểu chuyện. Cách tiếp cận khác đi của mẹ Vương Dĩnh là điều mà hầu hết các bậc phụ huynh có lẽ không dám nghĩ tới và cũng không dám làm.

Tất nhiên, không phải cách làm của mẹ Vương Dĩnh sẽ phù hợp cho tất cả mọi gia đình, nhưng trong tình cảnh lúc đó, càng cấm có thể càng khiến con chán học, chống đối. Với mẹ Vương Dĩnh mà nói, đây là hướng giải quyết khá thông minh.

Ngạn ngữ Mỹ có câu: "All work and no play makes Jack a dull boy" -  "Làm việc có giờ, chơi có lúc". Ý muốn nói rằng việc nghỉ ngơi và giải trí thỏa đáng cũng quan trọng không kém việc nỗ lực tích cực làm việc. Đối với trẻ, "chơi" là sự thể hiện bản chất và phản ánh chân thực thế giới tư duy. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội và môi trường giáo dục ngày nay, việc học được cha mẹ đặt lên hàng đầu mà bỏ quên quyền được chơi của trẻ.

Nhiều trẻ vì thế còn chống đối trước áp lực quá lớn của cha mẹ, sinh ra chán học. Một khi tình huống như vậy xảy ra, nếu cha mẹ không có biện pháp đúng đắn mà can thiệp kiểu áp đặt hoặc lơ là cho qua, con cái chắc chắn sẽ đi chệch khỏi quỹ đạo ban đầu.

Khi con chán học, có 3 "vũ khí lợi hại" được các chuyên gia gợi ý, sẽ giúp cha mẹ giải quyết tình trạng này:

1. Giao tiếp hiệu quả trên cơ sở tôn trọng trẻ

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ chán học, những biểu hiện cụ thể khác nhau. Vì vậy, để hiểu được nguyên nhân thực sự, cần tăng cường giao tiếp, lắng nghe tâm sự, thấu hiểu tâm tư của trẻ.

Đối với cha mẹ, khi con tỏ ra chán học không được vội vàng chỉ trích mà nên xử lý bằng sự điềm tĩnh, trên cơ sở tôn trọng con. Bạn không thể chỉ dùng quyền làm cha mẹ và buộc con cái tuyệt đối tuân theo ý kiến của mình, hay tùy tiện bắt con phục tùng bằng "luật gia đình". Điều này làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và hủy hoại hình ảnh của cha mẹ trong tim con cái.

2. Tiếp tục đồng hành

Sự trưởng thành tích cực và lành mạnh của trẻ không thể tách rời công lao giáo dục vất vả của thầy cô, nhưng lại càng không thể thiếu sự đồng hành của cha mẹ. Phụ huynh lơ là dạy con, chỉ phó thác cho nhà trường sẽ kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến sự trưởng thành và phát triển của trẻ về tâm, sinh lý, thậm chí hình thành tính cách thu mình, thói quen xấu.

Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, chúng rất tò mò về mọi thứ bên ngoài nhưng lại thiếu óc phán đoán và khả năng phân biệt tốt xấu, lúc này rất cần sự hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ.

Trẻ con sẽ có xu hướng dành nhiều sự quan tâm hứng thú hơn với những điều cha mẹ cũng quan tâm. Ví dụ cha mẹ thích đọc sách thì khả năng con cũng sẽ như vậy. Nếu chúng ta xem việc học là chuyện chỉ của 1 mình con, không có sự quan tâm, không làm gương thì thật khó để các con có thái độ ham thích việc học. Hãy dành thời gian trò chuyện cùng con về những sở thích, khó khăn con đang gặp phải trong việc học; cùng con đi viện bảo tàng; đọc sách cùng con...

3. Để trẻ tìm thấy niềm vui trong học tập với thói quen sinh hoạt tốt

Việc trau dồi thói quen sinh hoạt tốt, hình thành thời gian làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, kể cả vào cuối tuần, ngày lễ... sẽ giúp trẻ sống có quy tắc và kỷ luật.

Hãy dành thời gian chịu khó tìm hiểu về sở thích sở trường của con, từ đó hướng con đi theo những định hướng học tập thuận lợi hơn, giúp các con hứng thú hơn. Hãy để trẻ làm những gì con có thể làm, miễn trong khuôn khổ. Như vậy, con sẽ dần dần cảm thấy mình đã trưởng thành, được bồi dưỡng lòng tự trọng và sự tự tin, hình thành ý thức tự hoàn thiện và tự lập.

Nói chung, giao tiếp, đồng hành và quan tâm là ba thứ "vũ khí thần kỳ" để cha mẹ giáo dục con cái và giải quyết những mệt mỏi, bế tắc trong việc nuôi dạy con. Dù thương con nhưng cũng không được quá khắt khe, phủ nhận con hoặc chiều chuộng con cái một cách vô nguyên tắc. Và hơn hết, hãy kiên trì đến cùng.
Theo Hiểu Đan phunuvietnam.vn

Link gốc: https://phunuvietnam.vn/khi-con-cai-chan-hoc-day-la-cach-giup-cha-me-dao-nguoc-tinh-the-20230217213726081.htm
 Từ khóa: dạy con

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây