Cuộc chạy đua về tàu sân bay

Thứ bảy - 03/06/2017 18:48
(Hatinhnews) - Hôm 25/9/2012 Trung Quốc đã chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông đang sôi sùng sục.

Hành động phô diễn sức mạnh hải quân này của Trung Quốc được dư luận quốc tế đánh giá là nhằm thị uy các nước láng giềng, tỏ ra cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền trên biển.

Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó.

Nhân dịp Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động, nhiều tập san quốc phòng và báo chí các nước đã có các bài viết bàn về lịch sử hình thành và cuộc chạy đua giữa các cường quốc hải quân trong việc trang bị loại tàu chiến hiện đại này.

Tàu sân bay là một loại tàu chiến được thiết kế với nhiệm vụ chủ yếu là điều động máy bay tác chiến, có chức năng như một căn cứ không quân trên biển, nhờ đó cho phép một lực lượng hải quân triển khai không lực khắp thế giới mà không phải lệ thuộc vào các căn cứ gần đó. Các tàu sân bay thường được hộ tống bởi nhiều tàu khác trong một hạm đội, cung cấp hậu cần, tăng khả năng phòng thủ cũng như tấn công.

Các nước lớn đã từng sử dụng tàu sân bay trong nhiều cuộc chiến trước đây. Đầu Thế chiến thứ hai, Hải quân Anh có ưu thế do sở hữu tàu sân bay trong khi Đức và Ý không có chiếc nào. Hay Nhật Bản đã có thể tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng của Mỹ cũng là nhờ có một lực lượng tàu sân bay hiện đại.

Lịch sử tàu sân bay và cuộc chạy đua

Mấy ai biết rằng bước khởi đầu cho ý tưởng tàu sân bay lại từ một thử nghiệm trên chiếc tuần dương hạm của Mỹ.

Tháng 10/1910, Eugene Ely là phi công đầu tiên cất cánh từ một kết cấu được gắn chặt vào phần sàn ở mũi tàu chiếc tuần dương hạm USS Birmingham của Mỹ tại Hampton Roads (Virginia) và hạ cánh ở gần đó trên Mũi Willoughby sau vài phút bay trên không. Tiếp theo, vào ngày 18/1/1911, ông cất cánh từ đường đua Tanforan và hạ cánh trên đuôi chiếc USS Pennsylvania bỏ neo tại San Francisco và trở thành phi công đầu tiên hạ cánh trên một tàu đứng yên.

Nhưng người đầu tiên lái máy bay cất cánh từ một tàu tuần dương đang chạy lại là phi công của Hải quân Hoàng gia Anh. Vào ngày 2/5/1912, trong cuộc thao diễn của Hạm đội Hoàng gia ở Weymouth, sĩ quan chỉ huy Charles Samson đã cất cánh từ tàu chiến HMS Hibernia khi nó đang chạy với tốc độ 19km/g.

HMS Ark Royal là chiếc tàu sân bay đầu tiên do Anh sản xuất, vốn là một chiếc tàu buôn được hoán cải lại để chở máy bay. Hàng không mẫu hạm này được đưa vào sử dụng năm 1914, phục vụ trong chiến dịch Dardanelles cho đến hết Thế chiến thứ nhất.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên có sàn phẳng trên toàn bộ chiều dài là chiếc HMS Argus của Hải quân Hoàng gia Anh, mà việc hoán cải từ một tàu chiến đã hoàn thành vào tháng 9/1918.

Hải quân Hoa Kỳ nối gót vào năm 1920, khi hoán cải chiếc USS Langley và phải tám năm sau hạm đội có chiếc tàu sân bay cải tiến này mới được đưa vào hoạt động.

Thế nhưng chiếc tàu sân bay thực sự đầu tiên được sản xuất là chiếc HMS Hermes, tuy vậy ngôi vị đầu tiên được biên chế vào hạm đội lại thuộc về Hải quân Nhật với chiếc Hosho được biên chế vào tháng

12/1922, trước chiếc HMS Hermes gần một năm (tháng 7/1923). Lý do là tuy việc sản xuất chiếc Hermes trên thực tế được bắt đầu sớm hơn, nhưng nhiều cuộc kiểm tra, thực nghiệm và chờ đợi ngân sách đã làm chậm thời gian hoàn thành.

Tới cuối thập niên 1930, các tàu sân bay trên thế giới thường mang ba loại phi cơ: máy bay phóng ngư lôi, máy bay chiến đấu để bảo vệ hạm đội và máy bay hộ tống các phi cơ ném bom đi làm nhiệm vụ. Do khoảng không trên tàu sân bay rất hạn chế, tất cả các máy bay đó đều nhỏ, có một động cơ và thường có cánh gấp lại.

Trong Thế chiến thứ hai, các tàu sân bay đóng một vai trò quan trọng. Với bảy tàu hoạt động, Hải quân Hoàng gia Anh có ưu thế ở đầu cuộc chiến khi cả Đức và Ý đều không có tàu sân bay.

Vào tháng 10/1940, tàu sân bay HMS Illustrious tung ra một cuộc tấn công tầm xa vào hạm đội Ý trong trận Taranto. Chiến dịch này đã làm mất khả năng chiến đấu của ba trong sáu tàu chiến tại cảng và Anh chỉ mất hai trong số 21 chiếc máy bay tấn công Fairey Swordfish. Việc phe Đồng minh sử dụng các tàu sân bay đã làm cho hải quân của Ý và Đức vốn chỉ có căn cứ sân bay trên đất liền không thể thống trị trên vùng Địa Trung Hải. Tuy nhiên, điểm yếu dễ bị tấn công của các tàu sân bay trước các tàu chiến truyền thống đã nhanh chóng lộ ra khi tàu HMS Glorious bị tuần dương hạm Đức đánh đắm trong chiến dịch Na Uy cũng vào năm này.

Trong khi đó ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật Bản bắt đầu cuộc chiến với mười chiếc tàu sân bay được xem là hạm đội lớn nhất và hiện đại nhất thế giới ở thời điểm ấy. Vụ tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng là một minh chứng rõ ràng sức mạnh trên biển khi sở hữu một lực lượng lớn những tàu sân bay hiện đại. Vào thời điểm này Mỹ có sáu chiếc tàu sân bay nhưng chỉ có ba chiếc hoạt động ở Thái Bình Dương.

Tháng 4/1942, lực lượng tàu sân bay tấn công nhanh của Nhật Bản chạy vào Ấn Độ Dương và đánh chìm các tàu, gồm cả chiếc tàu sân bay của Anh đang được sửa chữa. Trong trận chiến biển San Hô, các hạm đội Mỹ và hạm đội Nhật Bản lần đầu tiên có những trận tấn công bằng máy bay xuất phát từ các tàu sân bay. Trong trận Midway vào tháng 7/1942, bốn tàu sân bay Nhật bị đánh chìm trong một cuộc tấn công bất ngờ bởi những chiếc máy bay từ ba tàu sân bay của Hoa Kỳ lúc ấy đang ở Thái Bình Dương.

Bao nhiêu nước có tàu sân bay?

Hiện trên thế giới chỉ có 22 tàu sân bay đang được biên chế trong hải quân mười quốc gia, dẫn đầu là Mỹ về cả số lượng và chất lượng.

1. Hải quân Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay đang hoạt động trong đó lớn nhất là chiếc USS Enterprise có độ choán nước 90.000 tấn và cũng là tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Tàu USS George Washington (Hoa Kỳ)

Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn được biên chế thêm 10 tàu sân bay hạt nhân thuộc lớp Nimitz bao gồm USS Nimitz; USS Dwight D. Eisenhower; USS Carl Vinson; USS Theodore Roosevelt; USS Abraham Lincoln; USS George Washington; USS John
C. Stennis; USS Harry S. Truman; USS Ronald Reagan và USS George H.W. Bush.

Mười một tàu sân bay mà Mỹ có chính là những hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới. Mười tàu sân bay thuộc lớp Nimitz đều dài 333m và thể tích choán nước trên 100.000 tấn. Tốc độ tối đa của các tàu sân bay thuộc lớp này có thể lên tới 56km/g, công suất cực đại đạt 190 triệu mã lực. Lò phản ứng hạt nhân trên tàu cho phép các tàu sân bay Hoa Kỳ hoạt động liên tiếp 20 năm mà không cần tiếp nhiên liệu. Tuổi thọ của loại tàu này lên tới 50 năm.

Kể từ khi hàng không mẫu hạm ra đời, Mỹ sở hữu 67 tàu sân bay, trong đó 56 chiếc đã "nghỉ hưu", ngoài ra còn một chiếc đang được đóng.

2. Hải quân Hoàng gia Anh hiện chỉ sở hữu một tàu sân bay duy nhất mang tên HMS Illustrious với độ choán nước đạt 22.000 tấn. Được hạ thủy vào đầu những năm 1980, HMS Illustrious (R06) là tàu chiến thứ năm và tàu sân bay thứ hai mang tên này.

Tàu HMS Illustrious (Anh)

Là tàu chiến lâu đời nhất của Hải quân Hoàng gia Anh đang trong biên chế, HMS Illustrious hiện chỉ làm nơi dừng đỗ các loại trực thăng sẽ chính thức ngừng hoạt động năm 2014 sau 32 năm phục vụ.

Thay vào đó, một siêu tàu sân bay đang được đóng mang tên Queen Elizabeth dự kiến bàn giao cho Hải quân Anh vào năm 2015 sẽ đảm đương trọng trách của HMS Illustrious. Ngoài ra còn chiếc thứ hai mang tên Prince of Wales sẽ được hoàn thành vào năm 2018.

3. Hải quân Pháp có một tàu sân bay duy nhất sử dụng năng lượng hạt nhân mang tên cố Tổng thống Charles de Gaulle, là tàu sân bay hạt nhân lớn nhất châu Âu với chiều dài 261m, nơi rộng nhất 64,36m, lượng choán nước tối đa 42.000 tấn.

Tàu Charles de Gaulle (Pháp)

Charles de Gaulle được hạ thủy tháng 5-1994 và tiếp tục hoàn tất các thử nghiệm cho tới năm 2000. Tàu chính thức được biên chế trong Hải quân Pháp vào tháng 5-2001. Tuy là tàu sân bay lớn nhất của châu Âu nhưng sức chở của Charles de Gaulle còn thua kém nhiều so với những tàu sân bay đang biên chế trong Hải quân Mỹ.

4. Hải quân Ý đang sở hữu hai tàu sân bay, một là chiếc Giuseppe Garibaldi với độ choán nước đạt 14.000 tấn được hạ thủy tháng 6-1983 và chính thức gia nhập Hải quân ngày 30-9-1985. Mục đích sử dụng của hàng không mẫu hạm này là chuyên chở trực thăng. Chiếc thứ hai mang tên Cavour (cả hai chiếc đều có trọng tải 27.000 tấn) được hạ thủy tháng 6-2003 và bàn giao cho Hải quân năm 2008, có chiều dài 244m, rộng 29m và đường băng dài 186m.

Tàu Giuseppe Garibaldi (Ý)

5. Tây Ban Nha cũng nằm trong số ít các quốc gia sở hữu tàu sân bay. Chiếc Principe de Asturias với độ choán nước 17.000 tấn và chiếc thứ hai là Juan Carlos I với độ choán nước 27.000 tấn. Đây là hai hàng không mẫu hạm đưa Hải quân Tây Ban Nha vào hàng ngũ các cường quốc sở hữu nhiều hơn một tàu sân bay.

Principe de Asturias được bàn giao cho Hải quân Tây Ban Nha ngày 30-5-1988, với sức chứa 29 máy bay cánh thẳng và 12-17 máy bay cánh quạt trên boong. Hàng không mẫu hạm này có chiều dài 176m và được đánh giá là khá hiện đại vào thời điểm đó.

Tàu Principe de Asturias  (Tây Ban Nha)

6. Hải quân Nga hiện chỉ sở hữu một tàu sân bay duy nhất mang tên Đô đốc Kuznetsov được sản xuất tại một xưởng đóng tàu ở Ukraina từ năm 1985 nhưng phải đến năm 1995 mới đi vào hoạt động bởi những biến động trên chính trường Nga.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dài 306m, rộng 37m, có thể mang 51 máy bay các loại. Chạy bằng năng lượng thông thường, tàu sân bay này có khả năng hoạt động độc lập trong vòng 45 ngày trước khi phải tiếp nhiên liệu. Các động cơ công suất lớn cho phép tàu sân bay này di chuyển với vận tốc 59km/g trong một hải trình lên tới 15.700km.

Tàu Đô đốc Kuznetsov (Nga)

7.  Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai châu Á, hiện sở hữu một tàu sân bay duy nhất mang tên INS Viraat, nguyên là chiếc HMS Hermes của Hải quân Hoàng gia Anh. Sau 28 năm phục vụ trong quân đội Anh, con tàu sau khi bán cho Ấn Độ vào năm 1986 đã được sửa chữa và tân trang để có thể phục vụ trong Hải quân tới năm 2020, nhiều hơn 25 năm so với ước tính ban đầu.

INS Viraat có chiều dài 226,5m, nơi rộng nhất 48,78m và có thể di chuyển với vận tốc tối đa 52km/g. INS Viraat có thể chở 30 máy bay bao gồm cả chiến đấu cơ phản lực và máy bay trực thăng chuyên dụng.

Tàu INS Viraat (Ấn Độ)

Tính tới thời điểm hiện tại, INS Viraat là tàu sân bay lâu đời nhất thế giới còn hoạt động.

Ấn Độ mới đây đã mua thêm tàu sân bay hạng nặng INS Vikramaditya của Nga được nâng cấp và đang chạy thử nghiệm toàn diện tại Severodvink (Nga) để kịp bàn giao vào năm 2013.

8. Hải quân Hoàng gia Thái Lan cũng có một tàu sân bay mang tên HTMS Chakri Naruebet, dài 174,1m, tốc độ tối đa
47km/g đặt mua tại nhà máy đóng tàu Izar, Tây Ban Nha với giá 336 triệu USD. Được bàn giao cuối tháng 3-1997, HTMS Chakri Naruebet hiện vẫn là hàng không mẫu hạm duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Tàu HTMS Chakri Naruebet (Thái Lan)

9. Sao Paulo là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Brazil cũng như khu vực Nam Mỹ. Chiếc tàu được chính phủ Brazil mua lại của Pháp năm 2000 với giá 12 triệu USD nhưng không có máy bay đi kèm.

Sao Paulo được hạ thủy năm 1963 với tên gọi Foch, chiều dài 265m, nơi rộng nhất đạt 31,7m và vận tốc tối đa lên tới 59km/g. Con tàu có sức chứa 39 máy bay trong đó có 22 máy bay phản lực và 17 trực thăng.

Tàu Sao Paulo (Brazil)

10. Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc dựa theo mô hình Varyag do Liên bang Xô viết đóng vào thập niên 1980, sau đó được chuyển giao cho Ukraina. Vào năm 1998 Trung Quốc mua lại tàu này của Ukraina, khi ấy chỉ còn vỏ tàu, không có cả động cơ lẫn thiết bị điện tử nào. Thoạt đầu Trung Quốc cho biết sẽ cải biến thành một sòng bạc nổi, nhưng sau đó tàu được đưa đến Liêu Ninh để tân trang nhằm thực hiện khao khát của Trung Quốc là sở hữu một tàu sân bay đúng nghĩa. Tàu được đặt tên Liêu Ninh và sau một thời gian chạy thử đã được chính thức đưa vào hoạt động cách đây hơn một tuần. Với chiều dài 300m, vận tốc tối đa 56km/g, tàu sân bay của Trung Quốc chở được 50 máy bay gồm máy bay chiến đấu và trực thăng.

Trong khi Trung Quốc tỏ ra rất tự hào về chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình thì nhiều nhà phân tích lại không đánh giá cao về sức mạnh của con tàu này.

Tàu Liêu Ninh (Trung Quốc)

Chính các sĩ quan cấp cao của Trung Quốc cũng đã thừa nhận chiếc tàu có trọng tải 60.000 tấn của họ cần phải trải qua những cuộc thử nghiệm và huấn luyện ở mức cao nữa.

Hiện nay một số nước như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pakistan, Chilê, New Zealand, Singapore đang sở hữu nhiều tàu lớn mang trực thăng, nhưng những tàu này không được xếp vào loại tàu sân bay.


Theo DNSG cuối tuần

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây