Ông Obama đã vượt qua đối thủ Romney một cách ngoạn mục tại hầu hết các bang chiến địa quan trọng, nơi đáng lẽ ông Romney buộc phải thắng nếu như muốn bước vào tòa Bạch ốc trên đồi Capitol.
Trong lời tri ân đầu tiên gửi đến cử tri cả nước ngay sau khi có kết quả chiến thắng, Tổng thống Obama đã viết trên trang mạng twitter: “Xin cảm ơn. Tôi chiến thắng là nhờ các bạn”. Lời cảm tạ chân tình này của ông càng có thêm ý nghĩa khi đây là kỳ bầu cử có số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu đông kỷ lục và cũng là một cuộc trong những cuộc bầu cử nghẹt thở với các màn rượt đuổi sít sao.
Cuộc rượt đuổi quyết liệt
Hy vọng tái đắc cử của Barack Obama ban đầu những tưởng đã “tan như bong bóng” khi chính khách lão luyện Romney tự tin khai màn chiến thắng với tuyên bố chiếm được phiếu đại cử tri ở hầu hết các bang truyền thống của Đảng Cộng hòa ở miền Nam.
Theo kết quả công bố sau khi các hòm phiếu đóng cửa, ông Romney chiếm thế thượng phong tại cả bốn bang đầu tiên công bố kết quả bầu cử là Indiana, Kentuckey, Tây Virginia và Nam Carolina, xác lập chiến thắng bước đầu cho cựu Thống đốc 65 tuổi của bang Massachussetts.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Khi các kết quả tiếp theo được đưa ra, thế thượng phong của ông Romney dần mất đi để nhường chỗ cho cuộc bứt phá ngoạn mục của Tổng thống Obama.
Từ chỗ chỉ đạt số phiếu thấp hơn đối thủ Romney từ vài đến vài chục, ông Obama đã vượt lên dẫn trước với tỷ lệ 88 phiếu so với 79 phiếu của Romney. Thế thắng này liên tục được giữ vững trong các lần công bố kết quả dồn dập sau đó với các tỷ lệ 153/143, 169/162, 244/203 và cuối cùng là 281/203 (tính trên 46/51 bang được kiểm đến 12h00 ngày 7/11 ở Việt Nam).
Xen giữa những chiến thắng ấn tượng này của ông Obama, cũng có những lúc ứng cử viên Romney vượt lên “cầm chân” đối thủ ở 174 phiếu, song khoảnh khắc hy vọng mong manh đó của vị chính khách – doanh nhân không tồn tại được lâu.
Trên thực tế, kết quả này cũng không quá ngạc nhiên với các cử tri Mỹ, những người đã đồng hành cùng cả hai ứng cử viên trong suốt chặng đường tranh cử Tổng thống đầy cam go kéo dài suốt gần một năm qua.
Mặc dù ở góc độ nào đó, người dân Mỹ vẫn còn thất vọng về cách điều hành kinh tế của ông Obama trong suốt 4 năm qua, song ấn tượng về một chính sách thân thiện, cởi mở, rất quyết đoán và kiên định trong đường lối lãnh đạo đất nước là nhân tố thu hút các cử tri đến với hòm bỏ phiếu để tiếp tục bầu chọn cho Obama
Số cử tri đi bỏ phiếu cao khác thường
Theo thông báo của các nhà tổ chức, số cử tri đi bỏ phiếu trong mùa bầu cử năm nay cao khác thường, với những hàng dài cử tri xếp hàng bên ngoài phòng bỏ phiếu.
Lượng cử tri đi bỏ phiếu cao ngoài dự kiến đã buộc các điểm bầu cử phải mở cửa lâu hơn thời gian dự định. Tại Florida, các điểm bỏ phiếu dự kiến đóng cửa lúc 7h tối, vẫn mở cửa khi hàng trăm người vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt bỏ phiếu
Luật bầu cử của bang ghi rõ những người có mặt để bỏ phiếu sau 7h tối vẫn có đủ tư cách bầu cử và lá phiếu của họ vẫn có giá trị. “Khoảng 70% số khu vực bầu cử vẫn mở cửa, nơi mà cử tri phải chờ tới 7 tiếng để thực hiện quyền lợi của mình”, tờ Miami Herald viết.
Cảnh xếp hàng chờ bỏ phiếu cũng diễn ra ở các bang Virginia và Nam Carolina.
"Các điểm bỏ phiếu đã phải đóng cửa muộn hơn dự định vài tiếng vì có quá nhiều người đến thực hiện nghĩa vụ công dân của mình”, thư ký Ban bầu cử của bang Virginia là Donald Palmer cho biết.
Tại ngoại ô Washington, các cử tri cũng phải xếp hàng chờ gần 3 tiếng.
Và một chương mới đã được viết lên
Theo kế hoạch, kết quả bầu cử cuối cùng sẽ được công bố vào chiều tối nay theo giờ Việt Nam.
Trong bài phát biểu ngắn ngọn trước đám đông tại trung tâm hội nghị và triển lãm Boston, bang Massachusetts, lúc 0h55 sáng ttheo giờ địa phương, ông Mitt Romney đã bình thản nói về thất bại của mình và chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Obama: "Đất nước đã chọn một nhà lãnh đạo khác. Tôi cùng các bạn sẽ cầu nguyện cho ông ấy và cho quốc gia vĩ đại của chúng ta".
Ông cũng cho biết đã gọi điện cho Tổng thống Obama để chúc mừng chiến thắng và bày tỏ tin tưởng ông Obama sẽ dẫn dắt nước Mỹ tốt hơn trong thời gian khó khăn trước mắt.
Những lời nhắn gửi của ông Romney cũng chính là mong ước của người dân xứ sở cờ hoa khi mà họ đã tin tưởng đặt tên cho chương mới trong lịch sử nước Mỹ bằng cái tên “Obama”.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chiến thắng, người đàn ông Mỹ gốc Kenya này cũng sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề khó khăn trước mắt,từ những tranh cãi về chính sách thuế, kế hoạch chi tiêu của chính phủ liên bang đến các vấn đề đối ngoại nhằm duy trì vị thế siêu cường số 1 của nước Mỹ.
Theo luật định, đáng lẽ ông Obama và các nhà lập pháp trong Quốc hội phải đưa ra những quyết định trọng yếu về hai vấn đề thế và chi tiêu ngân sách từ vài tuần trước, song họ đã phải hoãn lại cho đến sau kỳ bầu cử Tổng thống.
Những vấn đề này bao gồm việc gia hạn các loại thuế suất, cân nhắc tỷ lệ cắt giảm chi tiêu đối với các chương trình quốc nội, quốc phòng. Ngoài ra, chính phủ của ông Obama cũng đứng trước sức ép phải đưa ra quyết định về tăng mức trần nợ công lên 16.000 tỷ USD khi bong bóng nợ chính phủ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua.
Ngoài các vấn đề thuế khóa và chi tiêu, cỗ máy Obama cũng phải tìm cách thay đổi phương thức điều hành kinh tế nhằm giúp thúc đẩy tốc độ tăng tiến của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Hiện tại, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhưng rất chậm chạp do vẫn chưa thực sự hồi phục từ sau cuộc suy thoái sâu rộng năm 2008 - 2009, đợt suy thoái tệ tồi tệ nhất của Hoa Kỳ kể từ cuộc Đại Khủng hoảng 1930-1933.
Ở bên ngoài, nước Mỹ dưới sự chèo lái của “thuyền trưởng” Obama sẽ phải đối mặt với việc giảm bớt sự dính líu vào cuộc chiến tranh kéo dài gây hao người tốn của ở chiến trường Afghanistan thông qua kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ chiến đầu vào cuối năm 2014.
Ngoài ra, vai trò của Mỹ trong việc ngăn chặn Iran phát triển chương trình hạt nhân cũng là một trong những hồ sơ nóng trên bàn nghị sự của Tổng thống Obama bên cạnh những vấn đề nan giải khác như bảo vệ an ninh cho đồng minh Israel và chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 19 tháng qua ở Syria.
Và cuối cùng, một nhiệm vụ quan trọng khác không thể không nhắc tới là việc đẩy mạnh kế hoạch tái điều chỉnh chiến lược can dự tại châu Á – Thái Bình Dương. Đây là khu vực được coi là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, cũng là nơi có nhiều nhất các cuộc va chạm giữa các cường quốc, nơi thử thách các mối quan hệ lớn trong một thế giới vừa hợp tác, vừa đấu tranh mà Hoa Kỳ mà một nhân tố chính. Việc đẩy mạnh chiến lược này càng trở nên quan trọng khi chính phủ của ông Obama sẽ phải thích nghi với sự thay đổi thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Theo Dân Trí
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn