Không mời được thì... túm cổ
19h30’ tối thứ 7, nhân “đại tiệc” sinh nhật ông bạn cùng cơ quan, anh em chúng tôi lại rồng rắn kéo nhau đến mấy quán nhậu trên phố Đặng Văn Ngữ, đoạn chạy qua hồ Xã Đàn để “thác loạn”. Đã lâu không có dịp tụ họp hàn huyên, anh em cao giọng thề thốt “chuyến này không say không về”. Vừa đến đầu phố, chưa kịp xác định mục tiêu, bỗng ki…ít, chiếc xe khựng lại.Một cậu bé trạc 15-16 tuổi lao đến chặn đầu xe, lòng bàn tay tì vào cần ga, ngón tay bóp nhanh phanh trước.
Chúng tôi chưa kịp hoàn hồn, một cậu khác từ phía trong lao ra yểm trợ. Cậu này dùng cả hai tay đẩy ngược chúng tôi lại khi chỉ một tích tắc nữa là sang “địa giới” khác. Phía trong, mấy cậu thanh niên choai choai miệng liến thoắng: “Lẩu đủ món anh ơi! Lẩu 24 anh ơi!...”.
“Luật ở đây là khách ở cửa quán nào thì quán ấy “bắt”. Nếu ở ranh giới, ai nhanh nhà ấy được. Có khi cãi nhau như chém chả hoặc đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì một ông khách đấy anh ạ”, hào hứng với việc vừa “bắt” được khách mới, cậu bé trên chia sẻ. Vừa chuyển chiếc xe cho một đồng nghiệp phục sẵn, cậu tiếp tục dạt ra lề đường căng mắt “săn” những “con mồi” mới, không quên tự thưởng cho mình một điếu thuốc lá. Chúng tôi đành “nhắm mắt xuôi tay” bước vào quán…
Một lần khác, trong chuyến du hí sau buổi làm, chúng tôi “dạt” đến phố Phùng Hưng vốn được mệnh danh là “con đường nhậu” của đất Thủ đô. Vừa đến địa bàn, dù đang “đóng” với tốc độ 40km/h nhưng hai thanh niên tóc xanh tóc đỏ vẫn lao ra “sống chết mặc bay” lao ra túm lấy xe.
Anh chàng chặn xe tôi nhảy ngoắt một chân tránh bánh xe trước rất điệu nghệ rồi làm một vòng tay kéo phanh cái kít. Xe dừng hẳn, cậu ta đứng dạng luôn hai chân qua bánh xe, tì cả tay lên ghi đông, một tay vòng lên sờ sờ định tắt chìa khóa điện. Dù tôi đã trình bày là không có nhu cầu ăn lẩu nhưng cậu này vẫn bám dai như đỉa: “Nhà em giá phải chăng, hôm nay uống hai cốc bia tặng một anh ạ!”.
Phía đằng sau, một cậu kéo ngược xe lại: “Anh sang quán em đi. Bên em lẩu đủ món đây…”. Hóa ra mình vô tình rơi vào ranh giới giữa hai quán nên không ai chịu buông tha. Nhích lên một bước lại bị kéo lại một bước. Thế là tôi cứ ngồi trên xe, chân chống xuống đất mặc cho hai bên giằng co.
Nhân viên hai quán dường như không chịu nhường “miếng mồi”, cãi nhau ỏm tỏi cả một góc phố. “Mày mù à?. Khách chưa sang nhà mày vẫn còn bên nhà tao. Làm ăn kiểu chụp giật như mày có mà ma nó vào…”. Được khoảng 10 phút, tôi bị một chủ quán phía trên “túm cổ” lôi vào quán với lời trấn an: “Vào đây cho an toàn em ạ!”. Một thân một mình giữa “vòng vây” của đội ngũ “vẫy”, tôi đành tặc lưỡi: “Thôi đành vào ăn cho xong…”.
Theo khảo sát của PV Người đưa tin, dãy phố Đặng Văn Ngữ dài chưa tới 200m nhưng có tới vài chục quán cà phê đủ màu sắc. Đặc điểm chung dễ nhận thấy là các quán đều tận dụng khéo vỉa hè làm chỗ để xe hoặc kê bàn ghế cho khách ngồi. Phía ngoài cùng gần lề đường, 3 - 4 chiếc ghế nhựa được kê thêm làm chỗ “ngự” cho những người hành nghề “vẫy khách”. Lúc vắng người, họ ngồi ngả ngớn, phì phèo điếu thuốc. Nhưng thoáng có người đi qua là hàng mấy chục thanh niên lại ùa ra một lúc như con thiêu thân. Người chặn đầu, người kéo đuôi, kẻ bóp phanh…
“Bắt” khách cũng cần độc chiêu
Dũng “râu” quê Thạch Thất (Hà Nội), vốn là một tay “vẫy” lành nghề ở quán A.H caffe tự hào khoe cậu có thể phân biệt được đâu là khách, đâu là người đi đường. Đặc biệt, cậu có thể đoán biết đâu là người cầm đầu nhóm ăn uống. “Trong một đám khách rất đông, cần tìm ra ai là người chủ trì và chủ chi để vồ lấy mà lôi kéo. Kéo được người này vào rồi thì những người còn lại ắt sẽ vào theo”.
Kỹ năng vẫy chẳng có gì ngoài phải nhanh mắt, nhanh chân. Vẫy thì sao cũng được, đưa tay lên ngoáy ngoáy, có thể cả bàn tay, hoặc hai ba ngón tay… nhưng cánh tay dứt khoát phải giang thẳng, chụp xuống đầu xe người ta thật chính xác. Theo quán tính, cứ có người lao ra, khách thế nào cũng phanh lại. Thời điểm này, phải dứt khoát luôn, vừa chặn vừa tắt khóa điện”.
Tại các điểm ăn nhậu trên phố Phùng Hưng, Tống Duy Tân, Cát Linh... hay các cửa hàng karaoke trên Đê La Thành, Bùi Thị Xuân…vẫn luôn có đông đảo đội quân “vẫy” hành nghề. Với mật độ dày đặc và sự cạnh tranh khốc liệt, việc áp dụng “độc chiêu” này đôi khi là nước cờ sống còn của quán. Bằng sức mạnh, sự lỳ lợm, đôi khi tinh quái và cả những câu mời chào nghe rất hài hước như: “Quán em có máy lạnh này. Quán em có ti vi to này anh chị ơi. Quán em không mất điện anh chị ơi…”, không ít người đi đường dù chưa cho nhu cầu cũng đành tặc lưỡi vào cho xong.
Chưa kịp “hoàn hồn” sau lần bị đội nhân viên quán vịt nướng trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài dọa xanh mắt mèo, chị Nguyễn Hải Yến (Văn Quán, Hà Đông) kể lại: “Đang lang thang cùng nhóm bạn tìm quán, tôi bị một đám nhân viên lao ra chặn xe. Phía sau, có một tên tóc xanh, tóc vàng hùng hùng hổ hổ như đánh trận, vỗ vai một cái đánh “đét”, mời ghé thăm quán.
Chẳng kịp thanh minh, tôi bị hai gã xốc nách “dí” vào quán kèm lời nhắn xanh rờn: “Chị cứ để xe đấy bọn em dắt cho”. Lúc đó tôi vừa sợ vừa bực mình nhưng vì đi một nhóm toàn con gái nên sợ chẳng dám to tiếng. Nếu quán làm thức ăn ngon, biết cách phục vụ thì khách sẽ đến đông. Không nhất thiết họ phải làm phiền người khác như vậy”.
Đối với những người làm nghề “vẫy khách”, nỗi sợ thường trực nhất có lẽ là vẫy nhầm... “đầu gấu”. Theo lời kể của một nhân viên trên phố Cát Linh, có lần bị xơi trọn cái mũ bảo hiểm vào mặt. Lần khác, người ta quất cả túi đồ ăn rau dưa vào đầu, mùi mắm tôm nồng nặc. Lần nào vô phúc vẫy phải mấy anh đầu gấu thì cả chủ hàng có khi cũng phải ra mà “khóc lóc”. Còn bị chửi thì vô số kể. Khách chửi rát tai nhưng có lẽ vẫn không sợ bằng bị bà chủ chửi.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn