Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa phá đường dây làm giả bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng... Sự việc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng học giả, bằng thật và làm bằng giả trắng trợn hiện nay.
Chỉ mát 15 triệu đã thành... tiến sĩ
Điều đáng nói, các đối tượng bị bắt giữ đều là những người đã tốt nghiệp và đang là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại Cơ quan công an các đối tượng Vũ Đình Quyền (SN 1983, quê Thanh Hóa); Đào Anh Tuấn (SN 1984, quê Thái Bình) và Nguyễn Đăng Đức (SN 1987, ở Hà Nội) đã cúi đầu nhận tội về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để làm giả bằng cho các đối tượng có nhu cầu.
Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, ngày 13/6, Nguyễn Văn Bắc (SN 1979, trú tại Đống Đa, Hà Nội) thuê Vũ Đình Quyền làm giả 1 bằng cử nhân kinh tế do Trường ĐH Ngoại Thương cấp cho Nguyễn Văn Bắc sinh ngày 13/2/1983, với giá 8,5 triệu đồng, có đặt trước 1 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Quyền đã đưa thông tin và thuê đối tượng Quang (hiện chưa xác định được lai lịch) làm giả chiếc bằng trên với giá 5,5 triệu đồng. Đến khoảng 8h30 ngày 20/6, khi Vũ Đình Quyền đang giao chiếc bằng cử nhân kinh tế cho Nguyễn Văn Bắc tại một quán cafe trên phố Xã Đàn, Hà Nội thì bị Công an quận Đống Đa bắt quả tang.
Tại cơ quan công an, Quyền khai, ngoài chiếc bằng giả Quyền làm cho Bắc, anh ta còn làm khoảng 20 bằng tốt nghiệp các loại bán cho những người có nhu cầu, trong đó có 1 bằng tiến sĩ với giá 15 triệu đồng và 1 bằng thạc sĩ giá 12 triệu đồng. Thanh niên này cũng khai, đa số những người đặt mua bằng giả của anh ta đều mua bằng thuộc khối kinh tế của các trường như Kinh Tế, Ngoại Thương... Tùy độ "hot" của trường mà cậu ta "hét" giá khác nhau.
Theo lời khai của Quyền, anh ta lên mạng rao bán loại bằng, ghi rõ: "Dịch vụ bằng ĐH, CĐ..., kèm số điện thoại liên hệ. Sau đó người có nhu cầu sẽ liên hệ với anh ta rồi hai bên ngã giá”. Nguyên tắc làm việc của Quyền là không bán bằng giả cho người quen, chỉ bán cho những người xa lạ. Mỗi tháng anh ta cũng bán được từ 4- 5 chiếc bằng giả. Quá trình mua bán bằng giả, cậu ta thu lời từ 1 - 1,5 triệu/bằng.
Cũng theo lời khai của Quyền, khách hàng tìm đến anh ta thường là những người đã hoặc sắp làm việc ở các công ty tư nhân. Họ là những sinh viên lười học, nợ môn, mãi không thể tốt nghiệp, hoặc những người chỉ tốt nghiệp CĐ, Trung cấp nhưng lại muốn có tấm bằng tốt nghiệp ĐH nên đã tìm đến Quyền như một cứu cánh cho tương lai của mình. Và chỉ sau 3- 10 ngày trao tiền, khách hàng của Quyền đã có trong tay tấm bằng đỏ.
Trước đó, Công an TP.Cần Thơ đã triệt phá đường dây làm bằng giả với quy mô lớn. Bằng giả được ngã giá tùy theo độ "hot" của từng trường. Bằng ĐH giá trung bình từ 11 - 20 triệu đồng/bằng. Riêng bằng dược sĩ nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất và có giá cao nhất, đến 90 triệu đồng/bằng.
Trả lời báo chí, thượng tá Trần Quang Thắng, phó thủ trưởng Cơ quan ANĐT, Công an TP.Cần Thơ, cho biết: "Những đối tượng rao bán các loại bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng của các trường đại học trong và ngoài nước (kể cả rao trên mạng), điều kiện chỉ cần 2 tấm ảnh 2x3 và giấy CMND. Đặc biệt, đối với bằng tốt nghiệp THPT để đi du học nước ngoài, trong vòng 3 ngày là có thể nhận bằng. Tại CQĐT, các đối tượng thừa nhận trong hơn 1 năm đã sản xuất ít nhất 30 văn bằng các loại mỗi tháng theo đơn đặt hàng".
Liên quan đến việc phá đường dây làm bằng giả, PV Người đưa tin đã từng đóng vai một người có nhu cầu mua bằng ĐH trực tiếp ngã giá với "cò", cũng là người trực tiếp trong đường dây làm bằng giả ở Sóc Sơn, Hà Nội. Giá tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ được rao từ 10 - 12 triệu đồng/bằng. Sau quá trình điều tra, tìm hiểu thông tin về đường dây chuyên sản xuất mua bán bằng giả, PV Người đưa tin đã phối hợp với công an huyện Sóc Sơn lên phương án tác chiến, bóc gỡ đường dây buôn bán này nhằm ngăn chặn triệt để những hành vi gây nguy hại tới xã hội.
Lọt lưới nhiều "quan" xài bằng giả
Chuyện "bằng giả" hay "bằng thật, học giả" không mới, nhưng đáng kinh ngạc là nó được tổ chức rất quy mô và công khai. Không ít trường hợp chỉ cần nộp đơn, đi thi (nhưng trên thực tế không phải thi gì), cùng với chi vài trăm ngàn đồng là có ngay bằng tin học hay Anh văn do Bộ GD-ĐT cấp hẳn hoi.
Còn nhớ trong phiên chất vấn Quốc hội vừa qua, ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đã nhắc đến việc các cơ quan chức năng phát hiện trên 200 cán bộ thuê người học hộ, thi hộ dẫn đến bằng thật chất lượng giả. Theo đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII có đại biểu nhận định chỉ 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ phải cầm tay chỉ việc, hơn 30% cán bộ chỉ việc nhưng không biết làm. Nhiều ý kiến cho rằng, có phải áp lực bằng cấp hiện nay đã khiến cán bộ chạy điểm, thuê thi, thuê bằng?.
Từ dẫn chứng của ĐB Lê Như Tiến cho thấy thực trạng có cầu ắt có cung- đó là quy luật. Ngay cả những cán bộ còn thuê người học thì những người có nhu cầu muốn kiếm một công việc tốt nhờ vào bằng cấp cũng là điều dễ hiểu. Có tấm bằng đại học có thể kiếm được một công việc ổn định. Vì vậy, có bằng tiến sỹ chắc chắn sẽ được trọng vọng, thu nhập tốt hơn.
Trước thực trạng bằng giả tràn lan, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 27 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, trong đó nhấn mạnh quy định viên chức quản lý dùng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm sẽ bị cách chức. Nghị định vừa được ký ráo mực đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Bà Nguyễn Thị Lụa, cán bộ hưu trí phân trần: "Cán bộ là công chức của Đảng, của Nhà nước. Việc bổ nhiệm cán bộ là một quy trình mà những ai từng kinh qua công tác tổ chức hoặc trực tiếp là đối tượng của quy trình này sẽ hiểu độ chặt chẽ của nó như thế nào. Vậy mà vẫn có thể lọt lưới không chỉ một "quan" mà là rất nhiều quan xài bằng giả thì quả là khó hiểu?". Tuy nhiên, việc mua bằng giữ ghế khi bị phát hiện lại nhận được cách giải thích lòng vòng của người trong cuộc. Có trường hợp chỉ cho đó là cách "bổ sung bằng cấp" chứ không phải khai man, dùng bằng giả.
Dư luận đặt câu hỏi, việc ra đời Nghị định mới, Thủ tướng yêu cầu "trảm" những cán bộ, công chức vi phạm trong việc dùng bằng giả để thăng tiến liệu có phải cuộc cải cách mang tính đột phá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể "diệt tận gốc" nạn bằng giả khi xã hội vẫn còn quá coi trọng bằng cấp trong tuyển dụng.
Theo Nguoiduatin.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn