Trụ cổng trường bất ngờ đổ sập ở Đắk Nông.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Thống kê của Bộ GDĐT năm học 2019-2020 cho thấy, trường, lớp học ở một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Trong đó, tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các địa bàn miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, số phòng học tạm vẫn còn nhiều.
Hiện số phòng học ở các cơ sở giáo dục công lập là hơn 584.000 phòng nhưng trong số này chỉ có gần 75% là phòng học kiên cố, vẫn còn hơn 19% phòng học bán kiên cố và hơn 5% phòng học nhờ, phòng học tạm. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố ở mức rất thấp là: Hà Giang 53,2%; Tuyên Quang 51,1%; Cao Bằng 51,2%; Đắk Nông 54,7%; Bình Phước 52,5%...
Như vậy, nguy cơ mất an toàn từ những phòng học tạm, phòng học bán kiên cố thực sự vẫn là nỗi ám ảnh của ngành giáo dục các địa phương. Đó là chưa kể, nhiều công trình mới được xây dựng hoặc sửa chữa, chỉnh trang rất sạch đẹp nhưng trên thực tế, khi thi công chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng mất an toàn khi đưa vào sử dụng.
Vụ việc cánh cổng trường sập ở Đắk Nông vừa qua khiến một học sinh lớp 4 tử vong khi nhìn lại mới thấy là việc tất sẽ xảy ra khi xây trụ cột mà không thấy móng, chân đế dưới mặt đất, sắt giằng, cốt thép…. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng nhận thấy những bất cập này. Nhiều ý kiến cho rằng cần truy cứu trách nhiệm của đơn vị thiết kế, thi công cũng như đơn vị giám sát…
Trước đó, hồi tháng 9, cổng trường mầm non xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) cũng bất ngờ đổ sập, đè 3 học sinh tử vong, 3 học sinh khác bị thương nặng. Được biết, chiếc cổng này được dựng từ nguồn tiền xã hội hóa, chứ không phải từ nguồn ngân sách nhà nước. Khi xây dựng, có hồ sơ, bản vẽ thiết kế đều thuê tư vấn làm. Và theo thiết kế, việc xây dựng bằng cách đào 2 hố và xây gạch và vữa lên. Điều đáng nói, theo lãnh đạo xã này, nếu như đây là quy định chung thì các điểm trường tạm, các phân hiệu đều như thế chứ không chỉ mỗi điểm trường này. Như vậy, liệu còn bao nhiêu cánh cổng trường chờ sập nữa?
Các ban, ngành liên quan phải vào cuộc
Mỗi mùa mưa bão, nguy cơ trường đổ, trường sập hay cây đổ ở các vùng đồi núi cao càng đáng báo động hơn nữa. Và học sinh, dù đã được cảnh báo nhiều bởi nhà trường, phụ huynh nhưng với sự đùa nghịch của tuổi nhỏ, nguy cơ mất an toàn là rất cao. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh, sự cảnh giác từ người lớn thì quan trọng hơn là việc cần cấp thiết rà soát lại các công trình trường học, từ cánh cổng trường, phòng học, hàng rào bao quanh đến nhà vệ sinh, cây xanh trong và ngoài sân trường…
Đơn cử như phòng vệ sinh của nhiều trường học vẫn là một câu chuyện buồn ở nhiều nơi khi thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh chưa đạt chuẩn của trường học trên cả nước là hơn 30%, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh chưa kiên cố hoá là gần 30%. Ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trường học thiếu nhà vệ sinh như: Nhận thức các cơ sở giáo dục chưa cao, chỉ coi nhà vệ sinh là “công trình phụ”, giống như nhà vệ sinh dân dụng dẫn đến công tác tham mưu, tổ chức, quản lý sử dụng không đáp ứng nhu cầu.
Thiếu kinh phí cũng là tình trạng xảy ra ở nhiều nơi khiến các cơ sở giáo dục chưa có điều kiện duy trì bảo dưỡng các công trình. Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho rằng để thực hiện hiệu quả, kinh phí là một vấn đề rất quan trọng, mấu chốt. Các giải pháp phải hướng đến đảm bảo phát triển một cách tổng thể, đồng bộ, bền vững trong đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cao nhận thức…
Quan tâm và sát sao với an toàn trường học không chỉ là câu chuyện riêng của ngành giáo dục mà đòi hỏi tất cả các ban ngành chức năng phải vào cuộc, bởi đây chính là an toàn của tất cả con em chúng ta. Không thể để nguy hiểm rình rập ở ngay chính nơi an toàn nhất đối với mỗi đứa trẻ - trường học!
THU HƯƠNG
Theo daidoanket.vn
Link gốc: http://daidoanket.vn/nhung-canh-cong-truong-cho-sap-can-su-ra-soat-tong-the-548782.html