Những cái đã mất, liệu có lấy lại được không?

Thứ ba - 27/10/2020 07:10
Câu trả lời là được, nếu mỗi chúng ta biết “giật mình”, để dừng lại và bắt đầu lại. Đừng dùng gỗ thiêng của rừng. Đừng phá rừng làm kinh tế.
Chưa bao giờ miền Trung phải gánh chịu những mất mát, đớn đau như lúc này, khi chỉ trong vòng 2 tuần, liên tiếp phải hứng chịu mấy cơn bão, lũ khủng khiếp. Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mưa giăng trắng trời, nước dâng tận mái. Hơn 130 người chết và mất tích, thiệt hại về tính mạng, tài sản của dân là không thể đo đếm hết.

Miền Trung bây giờ không còn mùa mưa, không còn nước lụt mà là bão lũ, là núi lở sông trôi.

Câu hỏi day dứt lòng người: ‘Vì sao?’

Tôi sinh ra  ở miền Trung - vùng đất ngày xưa chỉ có lụt. Mà lụt lại là mùa rất vui. Mỗi năm một lần, người dân quê tôi chờ lụt để thấy nước sông tràn lên đồng tưới tắm phù sa. Lụt là mùa để cá tôm sinh sôi nảy nở.

Những con cá rô đồng tháng 10 no mồi, con nào cũng béo nung núc, xương đầu mềm xụp. Chờ cơm cạn, má tôi mới cời ít than ra bên bếp, nướng qua cho cá vừa chín tới rồi mới đem kho. Bữa cơm ngày lạnh giá thường được anh em tôi vét đến tận đáy nồi.

Người dân quê tôi bây giờ cũng không ai còn tâm trạng chờ mùa lụt về để bếp lửa thơm mùi cốm dẻo, để mùi bánh xèo ngày rằm tháng 10 thơm nức mũi lan khắp xóm. Thay vào đó là tâm trạng thấp thỏm lo âu.
 
B202020102703 1
Thân nhân, bệnh nhân trong bệnh viện Lệ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình nhận đồ cứu trợ. Ảnh: Thanh Tùng

Hai mươi năm xa quê cũng là chừng ấy lần tôi phải dầm mình với bão lũ khắp các địa phương từ Bình Định, Phú Yên, ra đến Nghệ An, Thanh Hóa... từ đồng bằng sông Hồng đến tận các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc... mà trận lũ năm sau, dường như dữ tợn hơn năm trước. Dẫu bây giờ, thông tin, hậu cần đã tốt hơn nhiều, nhưng sao thân phận con người vẫn quá mong manh trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Không khuất phục, không quỵ ngã, người dân miền Trung quê tôi rồi sẽ đứng lên trong sự chung tay chia sẻ của cộng đồng. Những cơn bão rồi cũng sẽ đi qua, những trận lũ rồi sẽ rút cạn, cho dù có hung bạo đến dường nào. Chỉ nỗi đau mất mát là ở lại cùng câu hỏi day dứt lòng người: “Vì sao?”.     

Đành rằng, thiên tai thì thời nào cũng có, nhưng có ai thử đặt câu hỏi: “Vì sao” vài chục năm trở lại đây, bão lũ năm sau luôn dữ dội hơn năm trước. Người ta thường biện minh rằng, do “biến đổi khí hậu”. Nhưng biến đổi khí hậu là do đâu? Chả phải chính con người chúng ta gây ra đó hay sao!

Không thấy nước lụt, mà là lũ ống, lũ quét

Dải đất hẹp miền Trung bao đời nay nép mình dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, là chốn mưu sinh, là nơi ghi dấu bao thế hệ người Việt Nam tự hào mang gươm mở đất. Tất cả những con sông, dòng suối lớn nhỏ, hai mùa nắng - mưa, khô - đầy đều nhờ vào tấm áo Trường Sơn, mạch nguồn Trường Sơn.

Những cánh rừng đại ngàn từ hàng triệu năm nay, như một người Mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả nguồn nước của đất trời, rồi cất lấy làm của để dành, từng ngày chắt chiu cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn trên dải đất hẹp ven biển đầy khắc nghiệt kia.

Vậy mà bây giờ, vẫn sừng sững mái nhà Trường Sơn ấy, vẫn những dòng sông con suối ấy, sao cứ hễ có mưa là cuồn cuộn nước dâng. Không thấy nước lụt, mà là lũ ống, lũ quét với sức tàn phá kinh hoàng.

Lũ rất khác với lụt. Lũ là nước như trên trời đổ ập xuống, hung bạo, dữ dằn, không ai kịp trở tay. Lũ không mang phù sa đến mà quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi; lũ kéo đất đá từ trên núi xuống lấp hết ruộng đồng. Lũ qua đi là làng mạc xác xơ.

Đã có nhiều lời giải thích cho tình trạng tàn phá của lũ lụt, sạt lở núi mấy năm gần đây ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng dù là giải thích hay biện hộ thế nào thì có một thực tế không ai có thể phủ nhận là Mẹ Rừng đã không còn đủ sức chở che cho đứa con Đồng bằng nữa rồi, khi mà tấm áo trên lưng mẹ đã mỏng, đã sờn và đã rách bởi lòng tham vô độ của con người.
 
B202020102703 2
Lũ quét từ thượng nguồn đổ về làm sạt lở nghiêm trọng tuyến quốc lộ 49 nối TP Đông Hà với huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Đình Thành

Theo số liệu của Sở Kiểm lâm Đông Dương, năm 1930, nước ta có 14,2 triệu ha rừng. 13 năm sau, cả nước chỉ còn 13,5 triệu ha, nghĩa là mỗi năm mất đi 5 vạn ha rừng. Thế nhưng đến năm 1980, thống kê của ngành Lâm nghiệp cho biết cả nước chỉ còn 9,9 triệu ha rừng. Vậy là trong 37 năm, chúng ta đã mất 3,6 triệu ha. Bình quân mỗi năm, 10 vạn ha rừng đã bị hủy diệt.

Làm sao có thể yên tâm về tỉ lệ che phủ rừng

Kết thúc Chương trình trồng 5 triệu ha rừng, Bộ NN&PTNT đánh giá là chương trình đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Quốc hội khóa 12 cũng đã ra nghị quyết giao cho Chính phủ tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đảm bảo liên tục trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng lên 42-43% vào năm 2015 và 44% vào năm 2020.

Tuy nhiên, tháng 4 năm nay, Bộ NN&PTNT công bố hiện trạng rừng cho biết, đến cuối năm 2019, diện tích đất có rừng cả nước gần 14,61 triệu ha. Trong đó, rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha; rừng trồng hơn 4,3 triệu ha; Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13,86 triệu ha với tỷ lệ che phủ là 41,89%, chưa đạt mục tiêu 44% Quốc hội giao.

Làm sao có thể yên tâm về tỉ lệ che phủ rừng gần 42%, mà 1/3 trong số ấy đã là rừng nguyên liệu giấy với chu kỳ khai thác chỉ 5-7 năm. Khai thác xong là núi đồi trọc lốc. Liệu rằng, 5-10 ha rừng như vậy có giá trị bằng 1ha rừng tự nhiên! Khi thảm thực bì của rừng trồng hầu như chẳng có gì, 95% lượng nước mưa sẽ chảy tràn trên mặt, là nguyên nhân của những trận lũ ống lũ quét kinh hoàng.

Năm 2016, Thủ tướng đã ra lệnh "đóng cửa rừng”, hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác (trừ các dự án liên quan đến quốc phòng - an ninh). Sau 4 năm, có ai đã kiểm đếm có bao nhiêu diện tích rừng tự nhiên bị mất?

Hãy giật mình dừng lại, bắt đầu lại

Dẫu biết rằng, trên đường phát triển, hầu như quốc gia nào cũng đều đi qua “con đường đau khổ” này. Nhưng sao cứ phải vội vã, tham lam, để rồi bị cái lợi ngắn hạn che mắt mình.

Hãy nhìn lên mái nhà chung trên cao xa kia mà bao nhiêu thế hệ đã trao truyền cho chúng ta đã mất dần màu xanh của sự sống, để biết giật mình không để những cái lợi cỏn con che mắt chúng ta nữa.

Những cái đã mất, liệu có lấy lại được không? Câu trả lời là được, khi mỗi người chúng ta hôm nay biết “giật mình”. Giật mình để dừng lại và bắt đầu lại. Xin hãy giữ chặt những mảnh rừng còn sót lại. Đừng dùng gỗ thiêng của rừng. Đừng phá rừng làm kinh tế bằng các loại cây công nghiệp ngắn ngày mà không tính đến hậu quả lâu dài về môi trường.

Không thể cứ để cho rừng đầu nguồn bị tàn phá vô tội vạ, lòng sông bị đào bới không thương tiếc, rồi năm nào cũng phải lo cứu trợ cho dân. Tiền thì có thể làm ra, nhưng sinh mạng con người thì không thể!

Lưu Hương
Theo vietnamnet.vn


Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/rung-dau-nguon-phong-ho-lu-lut-mat-roi-lieu-co-lay-lai-duoc-683929.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây