Nhiều ngày qua, người dân một số khu vực ở Hà Tĩnh đang phải sống trong cảnh vô cùng khó khăn. Đợt mưa lũ lớn nhất chưa từng thấy trong nhiều năm qua gây thiệt hại rất lớn về tài sản, nhiều gia đình mất người thân, nhà cửa hư hỏng, lâm vào cảnh khốn cùng.
Cùng với sự đồng lòng, đồng sức của người dân trong cơn bão lũ, hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách lại được những người dân thể hiện một cách đậm nét nhất. Làn sóng kêu gọi ủng hộ qua mạng xã hội facebook được lan tỏa mạnh mẽ.
Những dòng tin hỗ trợ, giúp đỡ người gặp nạn, cung cấp chỗ ở miễn phí, tìm chỗ nấu ăn cho người sơ tán, lực lượng cứu hộ, cứu hộ xe cộ hay mang đến những chiếc thuyền để tiếp cận vùng bị cô lập… ngay lập tức được nhiều người chia sẻ. Ai cũng thấy ấm tình thương trong lúc mưa lũ này.
Anh Lê Viết Huy (ở thôn 6, xã Cẩm Vịnh) bị gù lưng từ nhỏ nhận quà từ nhóm thiện nguyện
Cùng với những thông điệp trên, các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân, không phân biệt tôn giáo đều kêu gọi chung sức chung lòng cứu trợ người dân vùng lũ. Những phần quà tuy nhỏ nhưng đầy ắp tình cảm, tấm lòng yêu thương, sẻ chia của người dân cả nước hướng về bà con vùng lũ. Mỗi suất quà có khi chỉ là gói bánh, gói xôi, thùng mì tôm, cái bánh chưng hay vài chai nước... cũng đủ làm ấm lòng những người đang gặp khó khăn, chống chọi với dòng nước lũ.
Anh Thái Hoàng Dương kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung
Anh Thái Hoàng Dương, ở phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) những ngày này đứng ngồi không yên vì thấy người dân bị lũ bao vây bốn phía. Anh đứng ra vận động, kết nối mọi người hỗ trợ phương tiện cứu hộ và cứu trợ nhu yếu phẩm giúp bà con vùng bị ngập sâu.
Tại các vùng bị ngập sâu như huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh đã mấy ngày nay bị mất điện, mất nước. Ngoài các mặt hàng cứu trợ thường thấy như mì tôm, nước uống, người dân rất cần những bát cơm nóng. Hiểu được mong muốn ấy, tại những địa phương khác ở Hà Tĩnh nhiều người đã vận động nấu những suất cơm nóng hổi, những gói xôi trứng, gói những chiếc bánh chưng đượm nghĩa đồng bào để nhanh chóng vận chuyển vào vùng rốn lũ.
Hội phụ nữ ở huyện Can Lộc chuẩn bị những suất cơm cứu trợ bà con vùng lũ
Ngày 20/10 năm nay, không như thường lệ - bão số 7 với những cơn mưa không dứt, miền Trung chìm trong biển nước, các hoạt động cứu hộ, cứu trợ, cứu nạn được triển khai quyết liệt. Không mít tinh, gặp mặt, không hoa quà bánh kẹo, không văn nghệ - thể thao, không tung hoa chúc mừng.
“Chị em phụ nữ khắp các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Can Lộc đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về đồng bào bị ngập lụt. Hàng ngàn suất cơm, hàng ngàn chiếc bánh chưng và chuẩn bị hàng trăm thùng mì tôm, quần áo, sách vở và các nhu yếu phẩm khác… gửi đến đồng bào vùng lũ”, chị Phạm Bích Liên chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhóm công đoàn cơ sở ở thị xã Hồng Lĩnh quyên góp ủng hộ
Thấu hiểu khó khăn với các vùng đang bị lũ lụt, đoàn cứu trợ của UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã chia thành nhiều nhóm đến các địa điểm như UBND TP. Hà Tĩnh, Đại học Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà và Cẩm Xuyên.
Hàng cứu trợ của UBND thị xã Hồng Lĩnh mang theo là 2.650 chiếc bánh chưng, 868 thùng mì tôm, 84 két nước khoáng, 200 bánh mỳ, 50 thùng sữa, 100 lọ dầu gió, 100 hộp thuốc berberin, 6 tạ gạo và 13 ngàn bộ quần áo.
Nhóm bạn Nguyễn Nhật Hào trao hàng trăm chiếc áo phao cho đại diện xã Tân Lâm Hương
Ngoài những nhu yếu phẩm thiết yếu mang đến cho bà con vùng lũ, anh Nguyễn Nhật Hào (trú thị xã Hồng Lĩnh) và những người bạn đã vượt mưa lũ trong đêm đến tận nơi trao tặng cho huyện Cẩm Xuyên và xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà)... hơn 1 ngàn chiếc áo phao, thứ giúp người dân di chuyển an toàn hơn trong thời gian bị ngập lụt.
Nắm bắt thuốc chữa bệnh là thứ vô cùng quan trọng lúc này, anh Nguyễn Minh Hiệp (trú ở TP. Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mặc tầng 1 công ty vẫn đang bị ngập và hư hỏng một số tài sản, thuốc chữa bệnh, đường đi một số nơi vẫn chia cắt, lãnh đạo Công ty Dược Thành Sen Hà Tĩnh đã huy động nhân viên, khắc phục khó khăn khẩn trương đóng gói hơn 500 cơ số thuốc thiết yếu chuyển cho các đoàn phát miễn phí cho nhân dân vùng lũ, với hy vọng góp phần nhỏ bé cùng toàn dân vượt qua khốn khó trong giai đoạn hiện nay”.
Công ty Dược Thành Sen Hà Tĩnh chuẩn bị thuốc đóng gói, cấp phát miễn phí cho người dân
Câu chuyện xúc động được nhóm thiện nguyện khác kể lại, khi chúng tôi chèo thuyền đến để trao những phần quà hỗ trợ cho bà con, người dân nơi đây ai nấy cũng đều xúc động thốt lên: “Cảm ơn đoàn, cho chúng tôi miếng ăn lúc này thì còn gì bằng, chúng tôi bị cô lập mấy hôm nay rồi, khổ quá các chú ạ”.
“Bà không lấy thêm đâu, bà xin cảm ơn, các chú để dành cho các nhà khác đi, nhà có hai ông bà cũng đang có điều kiện, cho những ông bà khổ hơn đi”, nhiều thành viên không khỏi xúc động trước câu trả lời cụ bà, bởi hơn hết đó là sự đồng cảm vì trong hoạn nạn mọi người vẫn còn nghĩ đến nhau.
Lực lượng chức năng cùng người dân xếp nhu yếu phẩm vào phát cho bà con
Quần áo và thực phẩm được vận chuyển lên ca nô cứu hộ
Ngoài ra, ở những vùng rốn lũ, phương tiện của lực lượng chức năng chủ yếu là xe và thuyền, ca nô của các đoàn cứu trợ. Họ đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước mang theo nhiều tình cảm, sự sẻ chia đùm bọc đến với người dân đang gặp khó khăn cần sự giúp đỡ.
Đi dọc tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh không khó để nhìn thấy những chuyến xe của nhiều đoàn thiện nguyện được căng băng rôn với thông điệp “Hướng về miền trung”, ”Hỗ trợ người dân lũ lụt miền trung”, “Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt” nối tiếp nhau đến vùng rốn lũ để chia sẻ khó khăn với người dân, động viên họ vượt qua cơn bĩ cực.
Nhiều chuyến xe của các tỉnh thành khác chở theo hàng cứu trợ đến hỗ trợ
Đông đảo bà con thôn Bình Hà và Thôn Bình Tiến B gói bánh chưng cứu trợ bà con vùng lũ
Để động viên bà con vùng lũ lụt vượt qua giai đoạn khó khăn, người dân thôn Bình Hà và Bình Tiến B, xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) đã gói gần 700 bánh chưng xanh, chuẩn hơn 20 thùng mì tôm, 20 két nước khoáng cùng một số tiền mặt vận động được thông qua các mạnh thường quân trong xã.
Một bạn trẻ ở xã Thanh Bình Thịnh chia sẻ: "Đây là quê em! quê e có thể nghèo tiền nghèo bạc chứ chưa bao giờ nghèo tình cảm và tinh thần đoàn kết dân tộc. Những chiếc bánh chưng đầy ắp tình người vì một miền Trung ruột thịt".
Người Việt Nam là vậy, luôn cùng nhau sẻ chia những lúc hoạn nạn, đôi khi chỉ một chút yêu thương cũng đủ để sưởi ấm bao người, dù mất mát quá nhiều nhưng tin rằng bằng tình người, chúng ta sẽ giảm thiểu tối đa những hậu quả đau lòng. Không để ai cô đơn, đói khát trong cơn bão lũ này.