Nhưng ít ai ngờ, người hùng trong trận lũ lịch sử năm 2010 giờ nằm một chỗ, bị liệt 2 chân sau một tai nạn.
Người hùng trong lũ dữ năm 2010, Phạm Văn Thuận nằm một chỗ trên giường vì tai nạn. Ảnh: Văn Được.
Sáu năm trước, trận lũ lớn nhất trong vòng 100 năm tràn qua xã Hưng Trạch khiến nhiều gia đình chơi vơi, nhiều người mắc kẹt dòng nước chảy xiết.
"Trận lũ năm ấy khiến nhiều nhà bị ngập sâu. Tôi cùng hai người khác nghe các cô giáo ở trường tiểu học Hưng Trạch bị mắc kẹt , kêu cứu nên xung phong bơi vào", Thuận kể.
Thuận cùng 2 thanh niên lao vào dòng nước xiết, bám vào đường dây điện để bơi vào ngôi trường đã bị nước ngập gần hết tầng một. Sáu giáo viên nữ cùng 2 học sinh tiểu học lần lượt được đưa đến chỗ cao. Riêng Thuận một mình đưa được 4 người ra khỏi nơi nguy hiểm.
"Năm đó, lực lượng cứu hộ của xã phải phân tán về các thôn nên không thể cứu viện kịp cho trường tiểu học. Hành động cứu người trong lũ của Thuận được người dân, các giáo viên đánh giá rất cao. Xã đã đề nghị tỉnh cấp bằng khen biểu dương cho anh ấy", ông Trần Văn Thái (60 tuổi), nguyên Chủ tịch xã Hưng Trạch nói.
Mồ côi cha khi chưa lọt lòng, nhà nghèo, phải bỏ học từ sớm, Thuận trở thành lao động chính trong gia đình. Nhưng cuộc đời lại tiếp tục thử thách người con trai chăm chỉ này. Thuận liên tục gặp phải những tai nạn chí mạng.
"Năm 12 tuổi, nó đã không may bị ngã trên đường đi học về. Cú ngã mạnh khiến thằng bé bị dập lá lách, phải vào viện phẫu thuật để giữ mạng sống. Bác sĩ buộc phải cắt hết lá lách bị dập nát nên mọi người mới gọi là là Thuận lách", bà Ngô Thị Vinh (56 tuổi, mẹ Thuận) kể.
Sau khi con trai bị tai nạn, bà Vinh phải thường xuyên túc trực chăm sóc, phục vụ. Ảnh:Văn Được.
Năm 2012, Thuận lại gặp tai nạn trong lúc đi bốc xếp gỗ thuê. Ôtô chất đầy gỗ bị lật bất ngờ đè lên 3 thanh niên đang làm việc khiến 2 người chết. Thuận may mắn thoát nạn nhưng bị gãy chân và xương vai.
Tai họa lại tiếp tục ập đến với cuộc đời chàng trai nghèo vào đầu năm nay trong một chuyến xúc cát thuê. Khi đang trú mưa bên bờ sông, Thuận bị đống cát lớn đổ ập lên người nhưng không có ai đến cứu.
"Không có ai bới cát giúp nên tôi phải tự mình vùng vẫy, chui ra khỏi đống cát để khỏi bị chết ngạt. Vừa thoát chết thì lưng tôi đau nhói, hai chân tê dại mất hết cảm giác", Thuận nhớ lại.
Được đưa vào viện chữa trị nhưng một đốt xương sống của Thuận bị gãy vỡ gây chèn ép tủy dẫn đến liệt 2 chân. Gia đình khó khăn, không có tiền chi trả viện phí và phẫu thuật nên bà Vinh phải đưa Thuận về nhà.
Từ sau khi Thuận trở thành "phế nhân" chỉ nằm một chỗ, bà Vinh phải dành thời gian chăm sóc, phục vụ con trai nên không thể lao động kiếm sống. Cuộc sống của gia đình này ngày càng rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu mọi bề. Em gái Thuận là Ngô Thị Kiều Loan nhiều lần có ý định bỏ học vì không có tiền đóng các khoản, mua sách vở.
Ông Trần Văn Diên, Phó chủ tịch xã Hưng Trạch cho biết Thuận là trường hợp có hoàn cảnh đáng thương. Gia đình thuộc diện khó khăn đặc biệt nhưng chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ động viên gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán chứ không thể giúp đỡ nhiều hơn.
Bà Ngô Thị Vinh có gia cảnh rất khó khăn khi sớm mồ côi cha từ nhỏ. Người phụ nữ này lấy chồng lúc chưa tròn 17 tuổi và chỉ chung sống với chồng chưa đầy 3 năm. Khi con gái đầu lòng vừa tròn một tuổi thì chồng bà Vinh bị hổ vồ, tha mất xác trong một chuyến đi rừng. Khi nhận tin mất chồng, bà Vinh đồng thời cũng biết mình mang thai Thuận hơn 2 tháng. |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn