Đi học về, Phạm Văn Hoàng (SN 2001) vác cuốc ra vườn làm cỏ chanh. Em không thể là một đứa bé vô lo vô nghĩ như trước đây được nữa, nhất là khi ông bà nội đã quá già yếu. Câu chuyện về gia đình Hoàng khiến người nghe không khỏi rùng mình ớn lạnh.
Bố mẹ Hoàng vốn có tiền sử về thần kinh. Bố đã từng được nhập viện tâm thần điều trị, mẹ bị trầm cảm. Năm 2013 mẹ Hoàng trong một lần đi làm đồng bị rơi xuống ao và chết đuối, phải hơn 1 ngày sau mới tìm thấy xác. Bố Hoàng sau thời gian chữa bệnh, có đỡ hơn nên được về nhà.
Bệnh tình đỡ thì anh Phạm Văn Vinh (SN 1976) theo các tổ thợ sang Hà Tĩnh làm thuê thành ra anh em Hoàng phải tự chăm nhau. Phạm Văn Ngọc Anh (SN 1998) vừa đi học, vừa lo cho em trai vừa chăm sóc vườn tược, ruộng nương. Vất vả thế nhưng Ngọc Anh vẫn cố gắng học tập và thi đậu vào Trường THPT Nam Đàn 2. Từ nhà đến trường gần 10km, buổi sáng Ngọc Anh làm hết việc nhà thì đạp xe đến trường, trưa lại đạp xe về nhà làm thay công việc của cha mẹ.
Tháng 9/2014 anh Vinh trở về sau một thời gian làm thuê ở Hà Tĩnh. Đêm đó, anh em Hoàng đang ngủ thì Hoàng tỉnh giấc vì có tiếng động mạnh. Cậu bé mở choàng mắt và hốt hoảng khi thấy bố đang dùng gậy đánh vào đầu anh trai. Hoàng phi xuống giường, chạy thật lực sang nhà bác để kêu cứu nhưng không kịp cứu anh trai.
Sau cái chết của Ngọc Anh, ông Vinh bị công an bắt giữ để điều tra nhưng xác định do bệnh tâm thần bộc phát nên ông được đưa đi chữa bệnh. “Cuối năm 2014 thằng Vinh được bệnh viện cho về nhà. Thấy nó tỉnh táo hơn nên ai cũng mừng. Cứ nghĩ thằng Hoàng có chỗ mà bấu víu, ai ngờ”, bà Võ Thị Phượng – bà nội Hoàng chấm nước mắt.
Tỉnh táo hơn cũng là khi ông Vinh biết bi kịch mình gây ra cho con. “Bố khóc nhiều lắm, bố cứ ngồi nhìn bàn thờ anh Ngọc Anh mà khóc. Bố ôm em vào lòng rồi dặn cố gắng học hành, chăm ngoan”, Hoàng kể lại.
Chỉ hai tuần sau khi được trở về nhà, anh Vinh tìm cách giải thoát mình trước những đau đớn của kẻ tước đoạt mạng sống của con trai bằng một sợi dây thòng lọng. Chỉ trong vòng mấy tháng, Hoàng 2 lần đội lên mình chiếc khăn tang, dọn bàn thờ của anh để đặt di ảnh bố bên cạnh.
Thương đứa cháu khốn khổ, ông bà nội chuyển về sống với Hoàng. Ông bà cũng già lắm rồi nhưng có hơi người trong nhà Hoàng cũng đỡ sợ. Hiện Hoàng đang học lớp 9A, Trường THCS Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An). Mỗi sáng, ăn vội bát cơm nguội bà chuẩn bị, Hoàng thắp hương lên bàn thờ bố và anh rồi đạp xe đi học. Buổi nào không đến trường Hoàng cùng ông bà chăm sóc vườn chanh – nguồn thu nhập chính của ba ông bà cháu bây giờ.
“Nỗi đau liên tiếp giáng xuống đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý cũng như sức học của Hoàng. Hoàn cảnh của em ai cũng thương, các thầy cô giáo, bạn bè trong trường cũng quyên góp giúp đỡ em trong phạm vi có thể, mong em có thể vượt qua nỗi đau để tiếp tục con đường học hành, ít nhất cũng hết cấp 3”, thầy Sơn – giáo viên chủ nhiệm của Hoàng cho biết.
Hỏi ước mơ, Hoàng lắc đầu. Đối với em ước mơ bây giờ chỉ là thứ gì đó xa vời huyễn hoặc khi bố, mẹ, anh trai đều không còn.
Cậu học trò và nỗi đau 1 năm 3 cái tang
Rời nhà Hoàng, chúng tôi đến thăm em Đặng Thành Sơn (SN 2001, hiện đang học lớp 9A, Trường THCS Phúc – Cường, Nam Đàn). Thầy Nguyễn Văn Tân – Hiệu trưởng Trường THCS Phúc – Cường tâm sự: “Hoàn cảnh của Sơn đặc biệt lắm. Chỉ trong 1 thời gian ngắn em mất gần hết những người ruột thịt. Tôi sợ nỗi đau quá lớn khiến em chai sạn cảm xúc, tâm lý bất ổn ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như học tập”.
Sơn 15 tuổi nhưng nhìn không được nhanh nhẹn lắm. Có lẽ những gì em đã trải qua đã tác động lớn đến tâm lý, khiến em khó mở lòng để tâm sự với người khác. “Thỉnh thoảng đêm em mơ thấy bố mẹ còn sống. Bố mẹ ôm em khóc. Tỉnh dậy em thấy mình đang khóc nhưng xung quanh không có ai, em không dám ngủ nữa”, hai giọt nước rơi ra từ khóe mắt buồn bã của cậu bé.
Sơn được 2 tuổi thì bố mất, mẹ tần tảo nuôi hai chị em và thay chồng chăm sóc bố mẹ già. Năm 2010 mẹ Sơn đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Mấy tháng sau chị gái cũng qua đời sau một vụ tai nạn trên đường đi học về. Cuối năm 2010 bà nội cũng bỏ ông cháu Sơn mà đi. Sơn với ông nội nương tựa vào nhau để sống.
Ông ngoại có lương hưu nên hai ông cháu cũng không đến nỗi chật vật lắm. Hàng ngày ông đan mấy dụng cụ bằng tre, nứa bán kiếm thêm đồng mua rau. Trước Tết vừa rồi, một buổi sớm mai Sơn dậy đi học, gọi mãi không thấy ông trả lời. Ông đã đi với bà! Sơn bơ vơ ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Một người cô ở mãi trong Nam, không thể đón Sơn vào được vì Sơn còn phải lo hương khói cho ông bà, bố mẹ. Người cô thứ 2 ở Tp Vinh, sống bằng cái quán nước vỉa hè đón Sơn về dưới đấy cơm nước. Mỗi sáng cô chở Sơn vượt 15km từ Vinh về Nam Cường đề đi học rồi lo cơm nước, cúng đơm cho ông. Trưa hai cô cháu lại chở nhau về.
“Để Sơn một thân một mình tôi không yên tâm, mà đón cháu xuống ở cùng thì không ai hương khói cho bố tôi. Chuyển về đây chăm sóc cháu và hương khói cho bố thì hai cô cháu không biết lấy gì mà sống trong khi ruộng nương không có. Thôi thì trước mắt phải chịu khó vậy, đợi Sơn học hết THCS, cũng qua trăm ngày của bố tôi mới tính tiếp được”, chị Đặng Thị Minh – cô của Sơn tâm sự.
Chiều về, ngôi nhà hướng mặt ra đồng hun hút gió. Đặng Thành Sơn ngồi bất động, nỗi mất mát hằn lên đôi mắt đờ đẫn không được vô tư, nhanh nhẹn như các bạn cùng lứa tuổi.
“Vừa rồi, sau khi ông Đặng Văn Đức – ông nội Sơn mất, trước hoàn cảnh thương tâm của Sơn, nhà trường và bản thân tôi cũng vận động các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ em một phần nào về vật chất để em có thể tiếp tục đi học. Hoàn cảnh bi đát khiến Sơn không tiếp thu tốt như các bạn. Nếu Sơn ở đây thì chúng tôi sẽ cắt cử giáo viên đến nhà phụ đạo thêm cho em tiến bộ, trước hết là học xong chương trình THCS. Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo và các bạn học cũng thường xuyên quan tâm, động viên giúp em nguôi ngoai được phần nào để có thể hoàn thành chương trình học”, thầy Nguyễn Văn Tân cho biết thêm.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn