Tại Cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà, vùng quay trở tàu và khu nước trước bến được thiết kế với diện tích 6,1ha, đáp ứng cho tàu có công suất đến 500CV ra vào. Tuy nhiên, luồng vào cảng và vùng nước trước bến đã bị bồi lắng nghiêm trọng, không còn bảo đảm cho tàu cá có công suất từ 90CV trở lên ra vào cảng, nhất là ở những thời điểm thủy triều xuống. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tàu ra vào Cảng cá Cửa Sót ngày càng giảm. Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (Lộc Hà) chia sẻ: “Đã có nhiều tàu cá bị mắc cạn ở luồng ra vào dẫn đến hư hỏng chân vịt, tài sản.
Hầu hết các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên khi vào cảng lên hàng phải neo đậu ở ngoài cửa biển và thuê thuyền nhỏ vận chuyển tăng bo thủy sản vào bán rồi lấy vật chất, hàng hóa khi đi biển. Một số tàu sau khi vào bốc hàng thường xuyên bị mắc cạn, nghiêng khi cập cảng, phải chờ lúc thủy triều lên mới di chuyển được”.
Cảng cá Cửa Sót (Lộc Hà, Hà Tĩnh) không đáp ứng được cho tàu thuyền trên 90CV cập cảng.
Thực trạng bồi lắng diễn ra nghiêm trọng hơn tại Cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Cảng thiết kế cho tàu có công suất đến 250CV ra vào, cầu cảng có tổng chiều dài 120m, gồm 4 phân đoạn. Từ năm 2014 đưa vào hoạt động khai thác đến nay, Cảng cá Xuân Hội chưa được duy tu nạo vét lần nào. Hiện tại, cảng chỉ còn sử dụng được một cầu cảng, còn 3 cầu cảng bị cạn hoàn toàn. Tàu cá có công suất từ 90CV trở lên muốn vào cảng để vận chuyển hải sản, hàng hóa phải chờ đỉnh triều lên mới ra vào được.
Ông Thân Quốc Tế, Phó giám đốc Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cho biết: “Với điều kiện hiện tại, luồng và vùng nước trước bến của Cảng cá Cửa Sót và Cảng cá Xuân Hội không bảo đảm chiều sâu tối thiểu mớn nước chạy tàu, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào cảng đối với tàu cá có công suất 90CV trở lên. Chúng tôi đã đề xuất giải pháp xã hội hóa công tác nạo vét, duy tu cảng cá nhưng hiện nay chưa có chủ trương, chỉ đạo của cấp trên”.
Thực trạng các cảng cá tại Hà Tĩnh bị bồi lắng đã diễn ra nhiều năm nay, gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Nguyên nhân là kinh phí nạo vét, duy tu cảng cá rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Một trong những giải pháp được các ban quản lý cảng cá đề xuất, đó là xã hội hóa việc nạo vét cảng cá theo hình thức thu hồi sản phẩm nạo vét. Tuy nhiên, việc này đang trì trệ bởi các sở, ngành liên quan chưa có sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt để giải quyết những vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Thiết nghĩ, công tác xã hội hóa nạo vét cảng cá là việc “lợi đơn lợi kép”, vừa giải quyết triệt để được bài toán bồi lắng cảng cá, vừa giảm áp lực tài chính cho Nhà nước. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh cần có chỉ đạo quyết liệt để việc xã hội hóa nạo vét cảng cá sớm được triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản.
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ
Theo qdnd.vn
Link gốc: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhieu-cang-ca-o-ha-tinh-bi-boi-lang-nghiem-trong-725542