Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6/2023 đến nay. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê và dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, quý IV/2023 và quý I/2024, nhiều khả năng một số địa phương có nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến kiểm định.
Đơn cử, các tỉnh như Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang, nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm phương tiện rất rõ nét.
Từ tháng 2/2024 sẽ có thêm nhiều quy định thuận lợi hơn cho người dân khi đi đăng kiểm phương tiện xe cơ giới.
Để giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp, Cục Đăng kiểm đề nghị Hiệp hội Vận tải thông báo tới các thành viên của Hiệp hội, Các doanh nghiệp vận tải và người sử dụng xe tận dụng thời điểm tháng 2, tháng 3/2024 khi lượng phương tiện đến kiểm định chưa tăng cao có thể đưa phương tiện đến kiểm định sớm hoặc phối hợp với đơn vị đăng kiểm để thực hiện việc nghiệm thu, kiểm định lại đối với một số trường hợp đã thi công cải tạo hoặc tự ý thi công cải tạo không đúng với Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp trước ngày 15/2/2024. Cùng đó, thông báo, tuyên truyền tới các hiệp hội vận tải ôtô, logistics, chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện thực hiện một số giải pháp tránh ùn tắc và tiết kiệm thời gian. Cụ thể, chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định để tránh phương tiện có kết quả kiểm định không đạt phải khắc phục sửa chữa nhiều lần tạo thêm tình trạng ùn tắc, mất thời gian công sức không đáng có của chủ phương tiện, gây ảnh hưởng đến phương tiện khác và tạo thêm áp lực cho đơn vị đăng kiểm. Khuyến cáo chủ xe nên đưa các phương tiện sắp đến hạn, đã đến hạn hoặc quá hạn đăng kiểm (đặc biệt là các phương tiện thuộc đối tượng đã được gia hạn kiểm định theo quy định tại Thông tư 8/2023) nên lựa chọn thời điểm kiểm định sớm, phù hợp như tháng 2, tháng 3 năm 2024. Chủ động khi trên đường về quê, đi công tác, du lịch, lấy hàng, giao hàng có thể vào bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào tiện đường để kiểm định.
Thông tin thêm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là việc cải tạo xe cơ giới, ngày 29/12/2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 43/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thông tư 43) có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2024. Đáng chú ý, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thông tư sửa đổi quy định 19 trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng chủ xe có thể đưa phương tiện đến đơn vị đăng kiểm để thực hiện ngay việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoặc được thực hiện ngay việc nghiệm thu kết hợp với kiểm định ATKT&BVMT mà không phải thực hiện thủ tục lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo. Trường hợp chủ phương tiện đã thực hiện việc thi công cải tạo xe cơ giới hoặc tự ý thay đổi đặc điểm xe cơ giới khác với Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp trước ngày 15/2/2024 vẫn tiếp tục được nghiệm thu, kiểm định hoặc được lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo để được nghiệm thu, kiểm định theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư 43 thay vì không thể thực hiện như quy định hiện tại.
Theo quy định hiện hành, các phương tiện phải được lập và thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo sau đó mới được tiến hành thi công xe cơ giới. Tuy nhiên, với quy định mới có hiệu lực từ ngày 15/2/2024, các trường hợp chủ phương tiện đã thực hiện việc thi công cải tạo xe cơ giới hoặc tự ý thay đổi đặc điểm xe cơ giới khác với Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp trước ngày 15/2/2024 vẫn tiếp tục được nghiệm thu, kiểm định hoặc được lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo để được nghiệm thu, kiểm định. Ngoài ra, việc thực hiện thẩm định thiết kế được thực hiện tại bất kỳ Sở GTVT địa phương trên toàn quốc, giúp cho người dân, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn để thực hiện. Theo đó, hầu hết các nội dung thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo đã được phân cấp về cho các Sở GTVT thực hiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện một số nội dung cải tạo xe cơ giới phức tạp, đòi hòi cần có chuyên môn sâu như: Cải tạo các loại xe khác thành xe chuyên dùng, ôtô đầu kéo; cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch; cải tạo đối với hệ thống phanh, treo, lái theo đề nghị của nhà sản xuất xe.
Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cán bộ đăng kiểm tư vấn dịch vụ gia hạn, bán bảo hiểm tại nhà
Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng tại một số tỉnh, thành phố, người dân nhận được những số điện thoại lạ mạo danh cán bộ trung tâm đăng kiểm gọi điện “tư vấn” dịch vụ gia hạn đăng kiểm, bán bảo hiểm “đưa đến tận nhà” với số tiền từ 300-500 nghìn đồng. Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, qua rà soát, Cục Đăng kiểm chưa nhận được báo cáo của các trung tâm đăng kiểm về việc thực hiện dịch vụ nêu trên. Do đó, trường hợp nhân danh cán bộ trung tâm đăng kiểm gọi điện để tư vấn dịch vụ, thực hiện việc thu các khoản phí ngoài quy định của đăng kiểm là hành vi mạo danh có dấu hiệu trục lợi cá nhân. Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân và chủ phương tiện nếu có thông tin, nên thông báo tới cơ quan hữu quan để xử lý theo quy định pháp luật.