Sáng 29/1, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức Hội thảo Tác hại của Rượu, bia đối với người tham gia giao thông tại Hà Nội.
Năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp người điều khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn, (tính trung bình mỗi ngày CSGT phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công An
Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp)
Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, toàn quốc xảy ra gần 5.890 vụ TNGT có liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia, số người chết và bị thương do TNGT đường bộ liên quan đến rượu bia chiếm 50%.
Nghiên cứu có thấy, những lái xe có nồng độ cồn trong máu ở mức 1.5mg/ml, tỷ lệ va chạm cao hơn 22 lần, tỷ lệ thiệt mạng tăng lên 200 lần so với lái xe không uống rượu. Nồng độ cồn trong máu càng cao, độ rủi ro càng lớn, bởi vậy, một số ý kiến đề xuất cần tăng nặng mức xử lý vi phạm theo mức độ nồng độ cồn ở mức kịch khung.
Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia
Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, với cùng một người, số lượng bia rượu sử dụng khác nhau sẽ có những tác động đến nhận thức và hành vi khác nhau.
Tuy nhiên, hiện Nghị định 100 mới chỉ đang quy định mức xử lý vi phạm hành chính theo 3 mức: dưới 50mg/100ml máu, từ 50 mg đến 80mg/100ml máu và trên 80mg/100ml máu. Do vậy, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hiện hành theo hướng tăng mức xử lý vi phạm hành chính theo mức độ nồng độ cồn trong máu.
"Hiện nay, mức xử lý vi phạm hành chính đã ở mức tương đối cao và tạo được sự răn đe rất là tốt. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào mức vi phạm ở trên mức 3 thì hiện nay các mức vi phạm đều xử phạt như nhau. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp. Một nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính là xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm. Bởi vậy, trên mức 3 chúng ta có thể tách ra với mức vi phạm cụ thể hơn, từ 80-160mg/100ml, thì có mức phạt cao hơn mức 3, mức từ 160-240mg/100ml chúng ta lại có mức phạt cao hơn nữa", TS Trần Hữu Minh nêu ý kiến.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phòng chống chấn thương, Trường Đại học y tế cộng đồng
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phòng chống chấn thương, Trường Đại học y tế cộng đồng cho rằng, hiện nay mức xử lý vi phạm hành chính đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu tại Việt Nam cũng khá cao so với mức thu nhập của người dân. Tuy nhiên, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao vẫn xảy ra và những trường hợp như vậy đa phần ngộ độc và dẫn đến mất kiểm soát hành vi. Các nước khác đã đưa vào các khung như cấm vĩnh viễn lái xe, hoặc có thể truy tố.
"Tôi hy vọng trong Luật Trật tự an toàn đường bộ mới đây chúng ta nên cân nhắc và chia tiếp các khoảng vi phạm và có cơ chế để chúng ta theo dõi mức độ vi phạm. Nếu hành vi vi phạm lặp đi lặp lại thì hoàn toàn có thể truy tố được vì hành vi lặp lại đều có thể dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào", PGS.TS Phạm Việt Cường cho biết.
TS Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật Tổ chức y thế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra, 5-35% số người tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu có liên quan đến rượu bia, và ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, có từ 33-69% lái xe bị thương nặng có sử dụng rượu bia. Hiện nay có rất nhiều quốc gia nghiêm cấm lái xe sau khi sử dụng rượu bia, tăng nặng mức xử phạt nếu có nồng độ cồn cao:
"Cần phải có chế tài gia tăng theo mức độ vi phạm, nồng độ cồn càng cao xử lý càng cao hơn nhiều và đặc biệt phải nhấn mạnh có những chế tài xử lý đặc biệt cho những trường hợp tái phạm nhiều lần. Ngoài phạt tiền, có thể có những hình thức khác như khóa cồn trên xe máy, giữ bằng lái xe. Rất nhiều quốc gia đã hình sự hóa về Luật định khi uống rượu bia khi lái xe như Trung Quốc", TS Dương Khánh Vân nói.
Một số chuyên gia kỳ vọng, đề xuất tăng mức phạt theo mức độ vi phạm nồng độ cồn sớm được các cơ quan chức năng bổ sung xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh trong thời gian tới.