Nguy cơ từ bệnh tay chân miệng

Chủ nhật - 14/03/2021 08:26
Thời tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, dễ bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.
20210314004
Ảnh minh họa.
Có thể gây tử vong

Bệnh viện Nhi đồng TP HCM vừa cứu chữa kịp thời cho một bệnh nhi 15 tháng bị biến chứng bệnh TCM dẫn đến trụy tim mạch, nguy cơ tử vong. Trước đó, bệnh nhi quê ở Bạc Liêu, bị sốt cao 3 ngày liên tục, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay và chân, ói, giật mình chới với, lơ mơ. Phụ huynh đưa bé đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh trong tình trạng tím tái, tay chân lạnh.

Các bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh đã điều trị hạ sốt tích cực và hội chẩn khẩn rồi chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi đồng TP HCM để hỗ trợ lọc máu liên tục. Tại đây, bệnh nhi được tiếp tục thở máy, dùng thuốc vận mạch, truyền huyết thanh miễn dịch. Sau 2 ngày lọc máu, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim trở về bình thường và được cai máy thở. Hiện nay tình trạng bệnh nhi đã ổn định, bé tự bú được và tiếp tục được chăm sóc hồi sức tích cực.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Tại Việt Nam, bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10.

Theo đó, bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong chất thải. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Là người điều trị trực tiếp cho các bệnh nhi mắc bệnh TCM, BS Đỗ Thiện Hải - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: Sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời.

Bệnh TCM xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay (thời tiết giao mùa) là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Bệnh có thể gây thành dịch lớn. Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.

Trẻ càng nhỏ, triệu chứng càng nghiêm trọng

Theo các chuyên gia y tế, cơ chế lây bệnh của TCM thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ. Chỉ cần một trẻ bị bệnh TCM là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.

Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng thường bị nóng gây lở loét miệng, vì vậy rất nhiều phụ huynh nhầm sang bệnh TCM do khi trẻ mắc bệnh này, trong miệng thường có những vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng. Khi phát hiện, cha mẹ cần xem xét những bọng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ hay không. Nếu khó phân biệt được thì tốt nhất nên đưa trẻ đến chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu giúp xác định nguyên nhân và có biện pháp xử trí thích hợp.

Nếu trẻ chỉ bị viêm loét miệng bình thường thì vết loét thường nhỏ, đường kính 1 - 3mm, xuất hiện đơn độc hay thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi, hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng xám hay vàng, với quầng đỏ xung quanh.

Trẻ mắc bệnh TCM có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau sẽ khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Vì vậy, các gia đình nên dùng thuốc sát trùng niêm mạc miệng như nước muối; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…; vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn, tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè; dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, để phòng chống bệnh TCM cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng trẻ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé đặc biệt là sau khi thay tã và đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị TCM. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khỏi bệnh.

Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý, một người có thể nhiễm bệnh TCM nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại.

Chuyên gia y tế khuyến cáo: Các gia đình cần theo dõi nếu trẻ có 1 trong 3 dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng thì đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng nặng nề. Theo đó, 3 dấu hiệu để phát hiện sớm gồm: Thứ nhất là trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài. Trẻ cứ ngủ khoảng 15 đến 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 đến 20 phút rồi lại ngủ tiếp; đây là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm. Thứ hai là trẻ sốt cao không hạ. Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Thứ ba là trẻ bị giật mình; đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Các bậc phụ huynh chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Theo daidoanket.vn

Link gốc: http://daidoanket.vn/nguy-co-tu-benh-tay-chan-mieng-556059.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây