Những mất mát thầm lặng
Khác với nhiều đồng nghiệp nam, các nữ trọng tài trên sân luôn cho thấy sự thân thiện, sẻ chia và dễ gần hơn với các cầu thủ. Nhưng bên trong những nụ cười, sự nhiệt tình trên sân cỏ là những câu chuyện cảm động, những vất vả mà những cô gái chọn nghiệp “cầm cân nảy mực” phải chấp nhận.
Điều dễ nhận thấy nhất, nghề trọng tài nữ phải đánh đổi chính là sắc đẹp. Những hoạt động ngoài trời do đặc thù của môn bóng đá, bất kể thời tiết mưa hay nắng, cũng với cường độ vận động cao đã khiến các trọng tài nữ không thể giữ được sự mềm mại, nét duyên dáng mà “ông trời” ban tặng cho phái đẹp.
Trên sân các cầu thủ luôn cháy hết mình để mang về chiến thắng, cống hiến cho khán giả những trận cầu hấp dẫn, cũng đồng nghĩa các trọng tài cũng phải căng sức theo kịp diễn biến trận đấu.
Sau những trận đấu dưới cơn mưa tầm tã hay thời tiết nắng nóng, các nữ trọng tài trở về phòng trong trạng thái mệt mỏi rã rời và căng thẳng tâm lý, nếu như còn có nhiều tình huống gây tranh cãi. Lúc này các “vua bà” chỉ lo hồi phục thể lực, rút kinh nghiệm cho những trận đấu tiếp theo nên không còn thời gian chăm sóc sắc đẹp.
Mặc dù vậy, họ xác định theo nghiệp trọng tài thì chấp nhận “bán” nhan sắc cho trời. Theo đuổi đam mê là đánh đổi mọi thứ nên các nữ trọng tài luôn sẵn sàng.
Hà Thị Phượng, nữ trọng tài hiếm hoi của Việt Nam đạt chuẩn FIFA năm 2015 mong luôn giữ được sự tươi trẻ, xinh đẹp. Cô gái người Hải Phòng được các đồng nghiệp nhận xét “đánh đổi cả tuổi thanh xuân” để theo đuổi sự nghiệp thể thao nói chung và nghề trọng tài nói riêng.
“Là một nửa của thế giới, cũng như bao chị em phụ nữ khác, mình luôn mong muốn giữ được vẻ tươi trẻ, xinh đẹp và gặp nhiều niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống”, nữ trọng tài sinh năm 1986 chia sẻ.
Cầu thủ Hà Nam bỏ cuộc sau khi trọng tài Trần Thị Thanh thổi penalty ở phút 89 cho CLB TPHCM I.
Những năm gần đây, LĐBĐVN (VFF) cũng như BTC các giải đấu, đơn vị tài trợ cũng dành rất nhiều sự quan tâm cho các nữ trọng tài. Thu nhập tăng lên, những thứ rất “đàn bà” như kem chống nắng, điều kiện ăn ở… đã được cải thiện.
Nhưng trên thực tế, cho đến nay sự quan tâm từ xã hội và các doanh nghiệp cho bóng đá nữ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Ngoài đội tuyển nữ quốc gia, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt nhờ thành tích cao tại SEA Games, thì bóng đá nữ nói chung và trọng tài nữ nói riêng còn rất nhiều khó khăn.
Không chỉ từ chuyện lương, thưởng, mà đến cả các chế độ, phụ cấp, nữ trọng tài luôn là những người “xếp sau”.
Về thu nhập, các trọng tài nam điều hành trong hệ thống chuyên nghiệp có nguồn thu từ chục triệu, thậm chí lên đến vài ba chục triệu đồng/tháng.
Nghề trọng tài với các trọng tài nam không còn nghề “tay trái”. Theo đuổi con đường trọng tài trở thành “nghề chính” giúp họ sống khỏe và tạo dựng danh tiếng. Ngoài ra, các nam trọng tài vẫn thuộc biên chế của Sở VH,TT&DL, trung tâm đào tạo của tỉnh, thành phố hay các trường đại học… Có nghĩa các “vua sân cỏ” có nhiều nguồn thu và được bảo đảm về tương lai sau khi hết tuổi cầm còi, cầm cờ.
Thậm chí, nhiều trọng tài còn nằm trong quy hoạch cho các vị trí lãnh đạo, quản lý trong ngành thể thao.
Trong khi đó, bóng đá nữ Việt Nam vẫn cứ ì ạch suốt gần 20 năm qua. Giải VĐQG không thể nâng cao chất lượng. Số lượng các đội tham dự “ổn định” ở mức cao, cho dù một số địa phương như Hà Nội hay TP.HCM đã cử 2 đội tham dự, đội 1 và đội trẻ.
Không có nhiều “đất diễn” cũng có nghĩa các nữ trọng tài không có nhiều nguồn thu, trong khi chế độ dành cho họ vốn dĩ đã ít và ở mức thấp. Các cô gái theo nghiệp cầm cờ, cầm còi buộc phải làm đủ thứ việc để sống và theo đuổi đam mê.
Một số nữ trọng tài còn là giáo viên thể chất. Mỗi lần nhận nhiệm vụ là một lần họ phải nghỉ đứng lớp dài hạn dẫn đến trừ lương, phụ cấp. Để rồi sau đó thấy rằng đi làm giải chế độ chẳng hơn là bao.
Trợ lý trọng tài Dương Thị Phương Thảo, vốn là cựu cầu thủ của đội Hà Nội 1 chia sẻ: Nghề trọng tài thật sự khắc nghiệt. Nếu hôm nào mình làm đúng, làm chuẩn thì về nhà ăn uống rất ngon. Nhưng khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi thật sự rất bứt rứt. Trọng tài biên luôn phải tập trung 100%, thậm chí là 200% sức lực. Các cầu thủ bây giờ phản ứng nhiều hơn chúng tôi ngày xưa. Thế nên, bắt sai việt vị thôi cũng đã là lỗi lớn.
Trọng tài Lê Thị Ly đã tốt nghiệp kế toán Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Gian nan nghề trọng tài
Cựu trọng tài FIFA của Việt Nam Dương Văn Hiền chia sẻ: “Làm trọng tài, người ngoài nhìn vào tưởng là dễ nhưng không phải đâu. Để có thể cho ra lò một trọng tài phải mất quãng thời gian dài ngang chuyện học lên... thạc sỹ, tiến sỹ”.
Quả thật, để đủ điều kiện đi học những lớp sơ cấp của nghề thông thường nam, nữ học viên phải hội đủ tiêu chuẩn đầu tiên là về sức khỏe. Điều này cũng dễ hiểu, khi các cầu thủ chạy trên sân lên đến 10km mỗi trận đấu thì trọng tài cũng có quãng đường di chuyển tương tự. Thậm chí cường độ vận động của trọng tài còn lớn hơn, bởi họ phải bảo đảm có mặt tại bất cứ điểm nóng nào trên sân.
Quy trình để tuyển sinh các học viên đầu tiên chưa dừng ở lại đó khi còn có những quy định khác về học vấn, lý lịch... mới có thể xét cho theo học lớp sơ cấp đầu tiên của nghề. Trong những khóa đào tạo tạo sơ cấp với cả trăm học viên như thế, đến khi kết thúc khóa học theo được, trụ lại được hoặc có tiềm năng... cũng chỉ còn 20 người là nhiều. Và bắt đầu từ đây, những học viên ưu tú này sẽ bước vào một quy trình đào tạo mới cao hơn, khắt khe hơn nữa trước khi có thể cầm còi, cầm cờ...
“Để có thể tham gia các sân chơi hạng Nhất, V-League hay các giải hạng cao của bóng đá nữ một trọng tài phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện trần ai chẳng kém bất cứ nghề nào.
Sau khi qua được lớp sơ cấp các học viên bắt đầu tập trung vào học luật, rồi nhiều thứ khác nữa chứ không phải cầm còi, cầm cờ luôn được. Luật thì học dễ thôi có 17 điều cơ bản, nhưng mỗi trận đấu, mỗi tình huống sẽ khác nhau rất nhiều nên chuyện học khoảng 6 -7 năm là bình thường.
Học có nghĩa phải cọ xát ở những giải đấu cấp thấp nhất từ các giải đấu phong trào quận, huyện U11, U13... Học xong ở những lớp thực tế như thế này, thường sẽ lại có thêm nhiều đợt...sàng lọc nữa” – ông Hiền cho biết thêm.
Trợ lý trọng tài FIFA Hà Thị Phượng.
Sàng lọc khắt khe qua nhiều quá trình, thế nên nhiều trọng tài phải mất cả chục năm kể từ khi bước vào lớp đầu tiên mới có thể ra nghề là chuyện rất bình thường. Đấy là chưa kể trong quá trình học như thế, việc quá tuổi quy định để trở thành trọng tài cũng là thách thức không nhỏ đối với nhiều người khi học mãi vẫn chưa tiến bộ...
Trần Thị Thanh (TT - Huế) là trọng tài trẻ, giàu tiềm năng trong số các trọng tài nữ của Việt Nam. Nổi tiếng với quyết định đúng đắn trong trận PP Hà Nam gặp TPHCM ở giải VĐQG 2020, Thanh cho rằng, các cô chưa bao giờ hối hận khi theo nghiệp trọng tài.
“Tôi chấp nhận sự hy sinh của mình, thậm chí đánh đổi cả sở thích cá nhân, thu nhập để có được đam mê. Chị em cùng theo nghề luôn động viên, bảo ban nhau, trọng tài là cái nghiệp gắn chặt với mình rồi”, Trần Thị Thanh cho biết.
Trọng tài Lê Thị Ly đã tốt nghiệp ngành kế toán Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Nhưng vì đam mê, cô đã đi ngược mong muốn của gia đình để gia nhập đội quân tóc dài cầm còi. Để có thể sống với nghiệp, cô phải tìm kiếm nguồn thu từ những công việc ngoài sân cỏ. May mắn trọng tài Lê Thị Ly vận hành khá suôn sẻ cửa hàng bán đồ thể thao.
“Lúc thi đại học, tôi đỗ khoa bóng đá Trường ĐH Thể dục thể thao TPHCM bên cạnh thi khối A vào Trường ĐH Công nghiệp. Do gia đình tôi kiên quyết không cho học thể thao nên tôi đành học ngành kế toán theo ý định ba mẹ. Nhưng ra trường rồi, tôi được quyền quyết định công việc của mình”, Lê Thị Ly chia sẻ.
Bên cạnh đó, có rất nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra với các nữ trọng tài, có thể khiến bất cứ ai chùn chân. Những trọng tài kỳ cựu như Phụng Tiên, Kiều Thị Thúy… kể lại trong sự nghiệp của mình cũng có nhiều tình huống oái oăm và trớ trêu, thậm chí còn bị dọa giết.
Nữ trọng tài đẳng cấp FIFA Mai Hoàng Trang từng bị cầu thủ lao vào “dọa đánh”. Các trọng tài nữ bị khán giả quá khích lăng mạ, hay những sức ép từ BHL, cầu thủ các đội bóng bằng những hành động bỏ trận đấu, quây trọng tài.. là chuyện “thường ngày ở huyện”.
“Thực sự có những lúc nghĩ nghề trợ lý trọng tài chỉ như nghề tay trái. Chúng tôi lựa chọn nghề này để có thể theo đuổi đam mê. Có những lúc thấy bạn bè cùng lứa thành đạt, có nhà, có cửa mà chạnh lòng lắm. Trung bình một tháng trợ lý như tôi kiếm được 5 tới 6 triệu đồng. Vậy nên tôi kiếm thêm từ việc dạy bóng đá cộng đồng” - Phương Thảo cho biết.
Nghịch lý ở chỗ, những năm gần đây, trình độ và chuyên môn của các trọng tài nữ Việt Nam có sự phát triển vượt bậc và được đánh giá cao.
Theo đó, có 3/11 trọng tài là Công Thị Dung, Bùi Thị Thu Trang, Lê Thị Ly và 3/16 trợ lý trọng tài là Trương Thị Lệ Trinh, Nguyễn Thị Hằng Nga và Hà Thị Phượng đã đạt cấp Elite. Tỷ lệ này là khá cao so với đội ngũ trọng tài nam khi chỉ có duy nhất trọng tài Ngô Duy Lân đạt cấp Elite. Elite là cấp cao nhất của trọng tài FIFA của một châu lục.
Trọng tài FIFA cấp Elite sẽ được AFC mời tham gia điều khiển trận đấu ở các giải đấu quan trọng, chẳng hạn như vòng loại World Cup hay AFC Champions League, Asian Cup...
Trọng tài Bùi Thu Trang và trợ lý Trương Thị Lệ Trinh được FIFA đưa vào danh sách ứng viên điều hành các trận đấu tại giải vô địch nữ thế giới năm 2023. Danh sách ứng viên của FIFA gồm 750 trọng tài và trợ lý. Sau các cuộc sát hạch, chỉ 56 trọng tài và 100 trợ lý được làm việc tại World Cup 2023 ở Australia và New Zealand.
Theo yêu cầu của FIFA, các ứng viên như Thu Trang và Lệ Trinh cần được bổ nhiệm làm việc ở các trận đấu bóng đá nữ cấp cao nhất quốc gia và các trận đấu bóng đá nam ở cấp cao nhất mà họ có khả năng điều hành trong thời gian tới.
FIFA cũng đề nghị các ứng viên tham gia các chương trình đào tạo trọng tài và trợ lý trọng tài của nam để có cơ hội làm việc với các giảng viên cao cấp của khu vực và thế giới, nhằm nâng cao tay nghề...
|