Để chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1393/CĐ-TTg ngày 12/10/2020.
Bão số 7 đang tiến thẳng vào đất liền nước ta
Trong đó ưu tiên cao nhất là tìm kiếm người mất tích, động viên, thăm hỏi gia đình có người chết, mất tích, bị thương, đồng thời khẩn trương rà soát để ứng cứu kịp thời những hộ dân bị hoạn nạn, không để bất cứu người dân nào bị đói, khát. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần nhanh chóng gia cố, bảo vệ các công trình quan trọng, xung yếu, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh.
Nghệ An được xem là tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An- Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa ban hành Công điện 35/CĐ-UBND ngày 13/10, yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Thị xã Hoàng Mai; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan khẩn trương sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại Cửa Lò, cây cối cũng đã được chặt tỉa, tàu thuyền neo đậu được chằng néo trước khi bão vào
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương và người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 15 giờ ngày 13/10/2020. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 20 giờ ngày 13/10/2020. Thường xuyên Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin cho các thuê bao vùng bị ngập lũ, các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Thuyền nhỏ đã được người dân đưa lên bờ tránh bị sóng đánh chìm
Hiện tại các cơ quan cứu hộ, cứu nạn của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cũng đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo báo cáo của các địa phương và các ngành trong tỉnh, Nghệ An có 3.485 phương tiện với 17.473 lao động đánh bắt hải sản trên biển. Đến chiều 13/10, có 120 phương tiện với 366 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển; 2 phương tiện với 12 lao động hoạt động ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ; có 26 phương tiện với 150 lao động đã vào tránh trú bão ở các tỉnh; 3.337 phương tiện với 16.945 lao động đang neo đậu tại bến.
Toàn tỉnh có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ. Các đơn vị, địa phương đang vận hành theo phương án phòng, chống lụt bão được phê duyệt; các hồ chứa hiện đang đảm bảo an toàn. 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong số đó có 8 hồ chứa đang vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (sông Lam) và các hồ còn lại theo quy trình đơn hồ. Tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng chống thiên tai và an toàn đập.
Nhiều trường học vùng biển đã được gia cố chắc chắn hơn
Chiều 13/10, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Do bão số 7 đang có diễn biến rất phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có thông báo gửi tới các đơn vị trường học và lãnh đạo của 21 phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh yêu cầu các đơn vị bám sát tình hình diễn biến của cơn bão và chủ động cho học sinh nghỉ học, nếu bão đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An.
Tại Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành công điện khẩn gửi các ban cán sự Đảng, đảng đoàn, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các đồng chí Trưởng đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tại địa phương, cơ sở.
Bộ đội cùng người dân chung tay neo đậu tàu thuyền
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Tất cả lãnh đạo, cán bộ từ tỉnh đến cơ sở (trừ các đồng chí đại biểu và các bộ phận phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX) trực tiếp xuống tận địa bàn hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tàu thuyền cập bến và được neo trú an toàn tại cảng cá Thạch Kim
Về các biện pháp phòng, chống mưa bão: Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống mưa bão theo các công điện của Trung ương, của tỉnh. Yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm túc, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống mưa bão tại địa phương, đơn vị mình.
Link gốc: https://doanhnhanvn.vn/nghe-an-ha-tinh-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-7-21584.html?fbclid=IwAR2tKS_ukOly_BFScLUNv4Yggh3Nb4ZtS8PB0QlshhxPter8adDO0hvq0Qw