Ngập lụt ở Hà Tĩnh: Tỉnh trả lời nhiều nhưng dân vẫn nghĩ do hồ Kẻ Gỗ

Thứ tư - 09/12/2020 08:11
Rất nhiều câu hỏi của các đại biểu chất vấn giám đốc sở NN&PTNT về nguyên nhân đợt lũ lịch sử vừa qua có phải do quy trình xả lũ của hồ Kẻ Gỗ hay không?

Mở màn phiên chất vấn ngày họp thứ 2, kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII vào chiều 7/12, tư lệnh ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNN) nhận được rất nhiều câu hỏi của các đại biểu xoay quanh nguyên nhân đợt lũ lịch sử vừa qua có phải do quy trình xả lũ hồ Kẻ Gỗ hay không? Có những nguyên nhân chủ quan, khách quan nào?

Xả lũ đúng quy trình

Báo cáo tại kì họp, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc sở NN&PTNT cho biết, từ 15/10 - 21/10 trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa to và rất to. Tại hồ Kẻ Gỗ, tổng lượng mưa từ 7h ngày 15/10 - 7h ngày 21/10 là 1.249 mm, lưu lượng nước về hồ thời điểm lớn nhất là 2.539m3/s.
 
T2020120903 1
Ông Nguyễn Văn Việt, giám đốc sở NN&PTNN trả lời chất vấn.

Theo thiết kế, mực nước xả tràn hồ Kẻ Gỗ là 26,50m. Lúc 7h ngày 15/10 mực nước trong hồ Kẻ Gỗ ở cao trình 25,80m thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,7m. Lúc 6h ngày 17/10 mực nước trong hồ ở cao trình 26,62m cao hơn ngưỡng xả lũ 0,12m. Đến 6h ngày 18/10 mực nước trong hồ ở cao trình 29,13m cao hơn ngưỡng xả lũ 2,62m; đến 13h cùng ngày, mực nước trong hồ lên ở cao trình 30,70m.

Sáng 18/10, phát thông báo xả lũ, đến 13h ngày 18/10, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả lũ với lưu lượng từ 30m3/s, 50m3/s, 200m3/s và tăng dần. 9h - 10h ngày 19/10 xả với lưu lượng 1.060 m3/s, sau đó giảm xuống.
 
T2020120903 2
Toàn cảnh kỳ họp.

Giám đốc sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt khẳng định, việc tổ chức vận hành điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ trong đợt lũ vừa qua là đúng quy định, quy trình. Quá trình điều hành có sự chỉ đạo, thống nhất từ bộ NN&PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và UBND tỉnh. Hồ đã cắt lũ cho hạ du 200 triệu m3 nước.

Ông Việt cũng cho hay, có 4 nguyên nhân chủ yếu khiến hạ du ngập sâu: Do mưa lớn cực đoan; ảnh hưởng của thủy triều; hệ thống tiêu thoát lũ chưa đáp ứng yêu cầu; hồ Kẻ Gỗ phải điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình khi mực nước hồ đang lên nhanh và ở thượng nguồn đang có mưa rất to.

Tỉnh trả lời nhiều nhưng dân băn khoăn

Trước báo cáo của tư lệnh ngành nông nghệp, đại biểu Nguyễn Văn Hổ (tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh) đặt câu hỏi: “Theo đồng chí Việt thì xả lũ đúng quy trình, đúng quy định. Tôi muốn hỏi, qua tìm hiểu người dân, đợt lũ vừa qua có những nơi ngập cao hơn 1,5m so với những đợt lũ lịch sử trước đây. Vậy cơ quan chức năng có tính toán được khi xả lưu lượng như thế thì hạ lưu sẽ dâng bao nhiêu không? Vì như đợt vừa rồi người dân không hề biết và không hề nghĩ nước dâng cao đến như thế, tài sản kê kích như vậy rồi vẫn ngập”.
 
T2020120903 3
Đại biểu Nguyễn Văn Hổ chất vấn giám đốc sở NN&PTNN về quy trình xả lũ hồ Kẻ Gỗ.

Đại biểu Bùi Nhân Sâm (tổ đại biểu huyện Can Lộc): “Sau lũ, tỉnh đã nhiều lần trả lời các nội dung nhưng dư luận nhân dân vẫn đang băn khoăn, cho rằng 1 trong những nguyên nhân chủ yếu là do hồ Kẻ Gỗ xả lũ. Tại sao từ 15/10 – 18/10, mưa to và rất to, bắt đầu ngập lụt nhiều nơi nhưng đến trưa 18/10 mới bắt đầu xả lũ và xả vào ban đêm khiến hạ du đã mưa, đã ngập càng nặng thêm, đề nghị giám đốc sở trả lời”.

“Từ ngày 15 - 18/10, các thông tin của trung tâm Khí tượng thủy văn đã được xử lý và áp dụng vào quy trình xả lũ như thế nào? Dự báo tôi thấy trên đài báo rất lâu, tại sao xả lúc đầu rất nhỏ, không xả tăng tốc xả trước đó. Trong 4 nguyên nhân giám đốc nói, tôi hoàn toàn tán thành. Tuy nhiên, đợt mưa thứ 2 chúng ta cũng xả và xả rất bài bản. Lúc thủy triều lên ta xả, thủy triều xuống ta đóng đã giảm được ngập dưới hạ du rất nhiều, dù đợt 2 mưa không lớn, vậy có nguyên nhân từ quy trình ko?”, đại biểu Đoàn Đình Anh (tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) chất vấn.
 
T2020120903 4
Hình ảnh ngập lụt ở TP.Hà Tĩnh trong đợt lũ lịch sử vừa qua.

Trả lời các câu hỏi, giám đốc sở NN&PTNN cho hay, thiết kế hồ Kẻ Gỗ không có xả đáy mà chỉ xả tràn. Vào ngày 15/10, mức nước hồ Kẻ Gỗ đang ở mức 25,8m cao trình không thể xả lũ được. Bắt đầu từ sáng 18/10, nước về hồ lớn, vượt ngưỡng xả tràn mới bắt đầu thông báo xả lũ. Việc xả ban đêm cũng đã được tính toán, lượng xả cũng thấp hơn so với ban ngày, quá trình xả có nhật ký cụ thể, đầy đủ, theo dõi từng giờ một...

“Đây là sự cố chưa từng xảy ra, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo mưa trên 700mm nhưng lượng mưa đã lên đến gấp đôi 1.338mm. Nước đến hồ khẩn cấp nếu không xả để chậm thì sẽ vỡ tràn... Đây là tình huống thiên tai bất thường, trong vòng 2 ngày nước lên 3m, nước lên quá nhanh. Đây là tình huống chưa từng có, khẩn cấp phải thực hiện", ông Việt nói.
 
T2020120903 5
Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh - 3 địa phương hạ du hồ Kẻ Gỗ thiệt hại nặng nề.

Khi giám đốc sở NN&PTNN vừa kết thúc trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu giám đốc sở trả lời rõ hơn về nguyên nhân chủ quan.

Tư lệnh ngành nông nghiệp tiếp tục phân tích nhưng vẫn không nêu ra được nguyên nhân chủ quan khiến hạ du ngập sâu, không thỏa mãn được những câu hỏi của các đại biểu.

"Tôi thấy trong nguyên nhân đồng chí Việt trả lời chưa có nguyên nhân chủ quan. Xả lũ đúng quy trình nhưng thông báo, báo động sớm cho người dân như thế nào. Giám đốc sở xem có nguyên nhân chủ quan không, hay do khách quan cả? Nếu do khách quan cả thì chúng ta chịu thôi", đại biểu Trần Hậu Tám (tổ đại biểu huyện Thạch Hà) nói.
 
T2020120903 7
Đại biểu Trần Hậu Tám.

Tiếp lời, Giám đốc sở NN&PTNN nói: “Về mặt chủ quan như tôi đã nêu là có sự chủ quan là bất thường nên mình có sự chủ quan về cả chỉ đạo lẫn người dân đều không lường đến mức độ này”.

“Giám đốc sở trả lời như vậy là chưa đúng, chưa đi vào ý tôi muốn hỏi. Quá trình xả như thế có tính toán được dưới hạ du nước sẽ dâng bao nhiêu để người dân biết được không? Ta có biết không? biết thì sao không thông báo cho người dân được biết, ý tôi là thế. Chứ nếu nói tại trời thì không phải nói nữa rồi, vấn đề là chúng ta vận hành”, Đại biểu Hổ tiếp tục chất vấn.

"Tôi cũng muốn hỏi như ý của đại biểu Hổ. Nguyên nhân chủ quan ở đây đại biểu và nhân dân muốn biết là chủ quan của ngành. Ví dụ xả 1000m3/s sẽ được tính toán là vùng hạ du sẽ ngập bao nhiêu mét để người dân biết di dời, kê kích đồ đạc, vật nuôi. Chứ chỉ có thông báo như vậy thì dân có biết đâu mà nói dân chủ quan”, đại biểu Nguyễn Thế Hoàn (tổ đại biểu huyện Lộc Hà) nhấn mạnh.

Đợt mưa lũ lịch sử chưa từng có tại Hà Tĩnh vừa qua đã làm 6 người chết; trên 3.700 nhà ở bị hư hỏng; phần lớn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 7 ngàn ha diện tích lúa mùa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh bị hư hỏng nặng... ước tính tổng thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng.
 
Theo Ngân Hà Người đưa tin

https://www.nguoiduatin.vn/ngap-lut-o-ha-tinh-tinh-tra-loi-nhieu-nhung-dan-van-nghi-do-ho-ke-go-a499018.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây