Không ngừng cố gắng vượt qua nghịch cảnh
Lúc chào đời, chị Trịnh Thị Phước (sinh năm 1990, quê Bắc Giang) là một đứa trẻ xinh xắn, khỏe mạnh. Tuy nhiên số phận trớ trêu, năm lên 9 tuổi chị sốt cao, lúc đưa tới bệnh viện được bác sỹ chẩn đoán bị ép xe cột sống. Kể từ đó việc đi lại trở nên khó khăn, mỗi bước đi là một áp lực đè lên cột sống đã mất tác dụng. Và cũng kể từ đây, ước mơ về một ngôi nhà hạnh phúc trong tương lai không còn nhen nhóm trong suy nghĩ của chị nữa.
“Vì sức khỏe của mình yếu, không đi lại được cũng không có công việc ổn định, bản thân tôi nghĩ rằng nếu không lấy chồng cũng không sao. Tôi có thể xin lấy một đứa con để nuôi, làm mẹ đơn thân cũng được”, chị Phước tâm sự.
Hằng ngày, chị Phước chở anh Bình trên con xe mô tô 3 bánh tự chế đi làm.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, qua mối quan hệ bạn bè, chị Phước biết đến anh Lê Văn Bình (Mỹ Đức, Hà Nội) vào năm 2015. “Lúc đầu 2 đứa là bạn bè bình thường, cùng hoàn cảnh dễ dàng cảm thông và chia sẻ với nhau. Có một lần anh ấy bị ốm, tôi là người bên cạnh và chăm sóc, từ đó tình yêu bắt đầu nhen nhóm”.
Anh Bình bị khiếm thị bẩm sinh. Công việc chủ yếu làm tẩm quất cho hội người mù. Gia cảnh cũng chẳng có gì làm khá giả. Ngày anh chào đời cũng là ngày bố anh bỏ gia đình vì ông không thể chấp nhận được đứa con tật nguyền. Từ đó, mẹ anh một mình vất vả lo cho 2 chị em.
Ngày hai anh chị đến với nhau, gia đình 2 bên có ý phản đối bởi cha mẹ nào mà chẳng thương con. Gia đình chị Phước tỏ ý không bằng lòng vì anh Bình không nhìn thấy được, ai sẽ là người lo cho chị và cuộc sống sau này sẽ ra sao. Mặc dù vậy, chị vẫn theo anh lên Hà Nội sống và làm việc cùng nhau.
“Cha mẹ nào cũng vậy, phản đối cũng có lúc thôi. Khi tôi mang bầu con đầu lòng được 5 tháng, hai đứa quyết định từ Mỹ Đức về Bắc Giang để chuẩn bị mọi thủ tục kết hôn và các công việc khác trong vòng 1 tuần. Tất cả mọi thứ đều diễn ra trong sự vội vàng, chúng tôi chẳng có lấy một chiếc ảnh cưới tử tế để làm kỷ niệm. Hoàn cảnh 2 bên khó khăn nên cỗ bàn cũng đơn giản, bình dị trước sự chứng kiến của 2 bên gia đình và cả sự tò mò của hàng xóm, láng giềng”.
Sau ngày cưới, cặp đôi sống trong căn nhà chỉ có 7m2. Trời mưa, nhà bị dột nặng, dù căng bạt cũng chẳng tránh được nước mưa xối xả. Trên chiếc giường cưới 1m6 có 2 cái chậu và 3 cái xô để hứng mưa. Gạt nước mắt, hai anh chị chỉ biết động viên nhau, bám vào nhau cùng cố gắng “Em sẽ là đôi mắt cho anh, anh sẽ là đôi chân cho em. Hai vợ chồng cộng lại thành một người hoàn hảo. Hai đứa luôn phải cố gắng bởi thứ nhất vì gia đình nhỏ, thứ 2 là đỡ đần mẹ, nếu như 2 vợ chồng chùn bước thì bà cũng khổ lắm”.
Cũng từ đó, người dân xã Hùng Tiến đã quen với hình ảnh người vợ đèo chồng đi làm. 4h sáng chị Phước chở anh Bình trên con xe mô tô 3 bánh tự chế ra chợ. Vợ bán tăm bông, chồng hát rong. Hết giờ chợ, chị lại đưa anh về tiếp tục công việc tẩm quất, chị về nhà sửa quần áo thuê. Đến 3h chiều chị lại đón anh và hai vợ chồng làm việc như vậy cho đến 8h tối mới về.
Năm 2017, nhờ có Nhà nước hỗ trợ cộng với vay mượn thêm, anh chị đã có một căn nhà nhỏ. Đây là tổ ấm để đôi vợ chồng trẻ ổn định cuộc sống, tiếp tục cố gắng làm việc nuôi dạy 2 đứa con.
“Mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều gian nan và thử thách, nhưng đến bây giờ khi đã có con và hai đứa cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhất định, chúng tôi lại càng có động lực để vượt qua số phận, vượt qua hoàn cảnh để sống tốt hơn và làm việc chăm chỉ hơn”.
Vui vẻ với những gì mình đang có
Quen nhau qua Hội người khuyết tật Việt Nam (năm 2010), chị Trần Thị Sinh (1987, quê Nghệ An) và anh Nguyễn Văn Công (1989, Bắc Giang) đã nên duyên vợ chồng (năm 2012).
Sức khỏe vốn đã yếu, năm 12 tuổi, chị Sinh mắc phải chứng đau lưng kinh niên. Ngày đó gia đình chủ quan và điều kiện thăm khám không có. Đến lúc cơn đau trở nặng hơn, chị mới ra Hà Nội kiểm tra, lúc đó tình trạng thoái hóa đã quá nặng, cột sống dần biến dạng. Phần cột sống cổ đến đốt sống lưng không còn tác dụng. Tất cả mọi vận động như quay cóp, đi lại cũng trở nên khó khăn. Chưa kể ngày mưa, hay khi trời trở lạnh, lưng của chị trở nên đau nhức, khó chịu.
“Bản thân tôi là người không có kinh tế, nghề nghiệp lại không ổn định nên dường như chẳng bao giờ nghĩ tới việc lập gia đình và chẳng mong có được cuộc sống như bao người khác. Với tôi, được đi làm cùng các anh chị trong hội, có môi trường hòa nhập vui vẻ là được rồi”.
Chị Sinh và anh Công có một đám cưới đúng nghĩa trong chương trình Giấc mơ có thật lần 3.
Anh Nguyễn Văn Công bị hỏng mắt từ nhỏ. Hai người cùng sinh hoạt ở cùng một hội. Nếu như trước đó, chị Sinh chỉ xem đây là một mối quan hệ bình thường “hai đứa chỉ xưng hô là bạn thôi”, thì trong những lần đi biểu diễn cùng đoàn, tình cảm của hai người lại càng thêm sâu đậm. “Mắt anh kém nên tôi thường hỗ trợ, chăm sóc cho anh ấy. Dần dần, 2 đứa đem lòng cảm mến nhau. Được sự vun vén thêm và động viên của mọi người trong đoàn, thôi thì chồng không nhìn thấy thì vợ là đôi mắt cho chồng là được”, chị Sinh vui vẻ tâm sự.
Từ ngày quyết định đến với nhau, anh chị cũng vấp phải sự ngăn cấm của gia đình 2 bên, mặc dù không phải quá kịch liệt. “Bố mẹ nào mà chẳng thương con. Hai đứa bệnh tật, nếu đến với nhau sẽ khổ nhiều, rồi bố mẹ cũng già đi, hai đứa phải suy nghĩ thật kỹ vấn đề này. Về phía gia đình anh Công, mẹ chồng bảo thôi thì các con có mưu cầu hạnh phúc riêng, mẹ chỉ biết động viên các con cố gắng. Đến năm 2012, sau vài năm cuộc sống dần ổn định, tôi và anh quyết định để 2 bên gia đình gặp nhau. Bởi quãng đường khá xa, chồng miền Bắc, vợ miền Trung mà kinh tế cũng eo hẹp nên đám cưới được tổ chức ở nhà vợ. Ngày cưới chỉ làm 9 mâm cỗ liên hoan, không mặc áo cô dâu, cũng không có ảnh cưới”.
Sau đám cưới nho nhỏ ra mắt họ hàng, hai vợ chồng chị lại tiếp tục cuộc sống cày cuốc. Anh Công làm nghề tẩm quất mát xa của hội người mù kiêm nhạc công organ, còn chị Sinh là “tài xế” cho chồng. Ở trong làng, thôn có hội nghị, văn nghệ là anh lại có mặt. Khi mang thai đứa con đầu năm 2013, chị Sinh ở nhà, anh Công đi làm lo cho 2 mẹ con.
“Người ta nói rằng “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, tôi không may mắn khi có một đôi mắt bị mù, nhưng đổi lại tôi có đầy đủ tay chân, còn sức khỏe là còn làm việc và còn cố gắng. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, hai vợ chồng chúng tôi cũng chỉ biết bằng lòng với hiện tại. Giờ đây con cái mạnh khỏe là động lực cố gắng lớn nhất của cả hai rồi”, anh Công tâm sự./.
Link gốc: https://vov.vn/xa-hoi/em-se-la-doi-mat-cho-anh-anh-se-la-doi-chan-cho-em-822809.vov