Vì sao dự án hơn 2.600 tỉ đồng bị “hóa kiếp” thành dự án 254 tỉ đồng?

Thứ ba - 08/12/2020 09:15
Sau khi điều chỉnh quy mô, giảm tổng vốn đầu tư từ hơn 2.600 tỉ đồng xuống còn 100 tỉ đồng, dự án nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vẫn không đạt hiệu quả dẫn đến bị bỏ hoang. Trước tình hình này, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã điều chỉnh dự án Trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú sang Dự án nuôi heo với mức đầu tư 254 tỉ đồng.
Dự án nuôi bò hàng ngàn tỉ đồng thất bại

Theo tìm hiểu, dự án Trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) làm chủ đầu tư tại xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có diện tích 1.500ha với tổng vốn hơn 2.600 tỉ đồng được triển khai từ năm 2015 và được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 14/1/2016.
Dự án nhằm phát triển chăn nuôi tạo thành trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo mô hình trang trại, tập trung; chuyển giao kỹ thuật cho ngành chăn nuôi; cung cấp con giống cao sản cho nông dân, dần thay thế bò con nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện dự án nhưng không mang lại hiệu quả. Ngày 12/10/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định số 1518/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương dự án này sang dự án Trang trại heo giống - Trang trại chăn nuôi Quảng Phú, với mức đầu tư 254 tỉ đồng có diện tích gần 71ha.

Trước đó, theo kế hoạch, diện tích để triển khai dự án nuôi bò công nghệ cao Quảng Phú là 1.500ha, với quy mô khoảng 33.000 con bò, tổng vốn 2.632 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu chiếm 20%, vốn vay, vốn huy động chiếm 80%) và dự án được chia làm 2 giai đoạn. Và đến tháng 10/2018, dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị; xây dựng chuồng trại, nhập bò về và trồng cỏ.
 
20201208001
 Dự án nuôi bò khiến nhiều người dân bị thu hồi đất gặp khó khăn.
 
Thế nhưng, sau đó, chủ đầu tư đề xuất và UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho dự án điều chỉnh giảm từ 33.000 con xuống còn 1.000 con bò mẹ, bò giống. Tổng vốn đầu tư cũng giảm từ hơn 2.600 tỉ đồng xuống còn 100 tỉ đồng, diện tích để triển khai chỉ còn gần 71ha. Mặc dù vậy, dự án nói trên vẫn không thể tiếp tục triển khai mà bị bỏ hoang cho đến nay.

Chia sẻ với chúng tôi, bà H’Joe (trú thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) cho biết, gia đình bà canh tác 2ha đất tại khu vực dự án từ nhiều năm nay. Nguồn gốc đất là do gia đình bà khai phá để trồng hoa màu, cây công nghiệp. Đến khi triển khai dự án, toàn bộ diện tích đất của bà bị thu hồi với mức hỗ trợ về đất 5 triệu đồng/ha. Thế nhưng, nhiều năm nay, dự án đã dừng việc nuôi bò, dẫn đến đất bị bỏ hoang.

 Cùng chung cảnh ngộ, ông Phan Tâm (cùng trú thôn Phú Xuân) cho hay, gia đình ông có 5,7ha đất (trong đó có 3,7ha trồng mì, 2 ha trồng môn) và đã bị thu hồi toàn bộ để phục vụ dự án, được hỗ trợ về đất 5 triệu đồng/ha và sau đó được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/ha. Dự án nuôi bò không khả thi nên Công ty cho người dân thuê đất để trồng mì và trồng khoang lang, tuy nhiên, nhiều hộ đồng bào không có đất để canh tác.

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho hay, ngay từ khi triển khai, dự án đã gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng. Do đó, dự án có quy mô thu hồi đất ban đầu là 1.500ha nhưng thực tế chỉ thu được 71ha. Sau đó, thấy việc thu hồi giải phóng mặt bằng khó khăn nên Công ty đề xuất tỉnh điều chỉnh giảm quy mô dự án.

Liên quan những vấn đề trên, ông Đỗ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, về nguồn gốc đất do Lâm trường quản lý (đất rừng) đã thu hồi được hơn 70ha. Đây là dự án theo chủ trương của tỉnh, về phía địa phương cũng mong muốn dự án đi vào hoạt động để phát triển kinh tế tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng dự án còn có nhiều bất cập như: Nguồn nước thiếu, nguyên liệu trồng cỏ không bảo đảm, bò nhập từ Úc về không phù hợp khí hậu nên dự án hoạt động không hiệu quả..., sau đó bị bỏ hoang một thời gian.
“Do đó, UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh chủ trương chuyển sang dự án nuôi heo. Về phía địa phương, xã đang khó khăn, có nhiều hộ nghèo nên vấn đề tạo công ăn việc làm địa phương rất quan tâm, vì vậy sắp tới mong doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh doanh có hiệu quả để tạo công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt, cần quan tâm những trường hợp đã bị thu hồi đất”, ông Hùng chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quý (cán bộ hỗ trợ pháp lý ở Đắk Nông - thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai) cho hay, dự án Trang trại nuôi bò chất lượng cao Quảng Phú có quy mô ban đầu 1.500ha nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, UBND huyện Krông Nô cưỡng chế một lần nhưng không thành, nên dự án chỉ gói gọn có gần 71ha và không mang lại hiệu quả nên đã được điều chỉnh sang dự án nuôi heo.

Nguyên nhân theo ông Quý là do bò nhập từ Úc về không phù hợp với khí hậu; đất đai không có nhiều; vùng nguyên liệu không có nên... nên việc đầu tư không hiệu quả. Ông Quý cho biết thêm, về chủ trương điều chỉnh dự án, UBND tỉnh đã có quyết định, hiện nhà đầu tư đang thuê tư vấn hoàn chỉnh thiết kế, để trình cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông thẩm định xong mới tiến hành triển khai xây dựng đồng loạt.

Theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông thì Trại heo giống - Trang trại chăn nuôi Quảng Phú dự kiến hoàn thiện thủ tục về đầu tư, xây dựng trong quý III, IV/2020, đến quý III/2022 sẽ hoàn thiện, tiến hành nhập heo và chăn nuôi giai đoạn 1; đến quý III/2024, nhập heo và chăn nuôi tăng đàn giai đoạn 2; đến quý III/2026, nhập heo và chăn nuôi tăng đàn giai đoạn 3. Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ nuôi 2.400 con heo nái sinh sản và 24.000 con heo thịt, hậu bị... Quy mô phát triển đàn heo giống, thịt thương phẩm xuất trại 110.000 con/năm (4.800 heo nái).
 
Nguyễn Chính
Theo baovephapluat.vn
 
Link gốc: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/vi-sao-du-an-hon-2-600-ti-dong-bi-hoa-kiep-thanh-du-an-254-ti-dong-98642.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây