Miếng "đất vàng" đối diện UBND xã được chủ tịch xã bán cho chính mình...!
Những miếng “đất vàng” có vị trí nằm ngay đối diện UBND xã Kroong (TP. Kon Tum) được lãnh đạo tự ý phân lô rồi đem bán. Trong danh sách mua có cả các lãnh đạo xã và những người thân trong gia đình.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Văn Mười (nguyên là Chủ tịch UBND xã Kroong năm 2002 và hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Kroong) giải thích: “Từ năm 1997, Ban quản lý dự án thủy điện 4 thực hiện di dân lòng hồ thủy điện Ialy cho những hộ bị ảnh hưởng trên địa bàn xã Kroong. Lúc này, còn một số diện tích đất dôi dư tại làng Kroong Klah và đối diện UBND xã Kroong nên giao lại cho UBND xã Kroong quản lý để cấp cho các hộ không nằm trong diện di dân. Đến năm 2002, để có kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ làm việc trong cơ quan nên xã đã phân lô phần đất dư này để bán cho các hộ dân trên địa bàn.”.
“Trong cuộc họp với lãnh đạo thị xã Kon Tum năm đó, chúng tôi có xin đồng chí chủ tịch về việc bán đất. Nhưng nếu theo quy định phải tổ chức đấu giá thì xã chỉ nhận được 20% số tiền, không đáng là bao nên lãnh đạo đã cho phép “bằng miệng” để xã tự bán không cần đấu giá. Sau khi bán đất chúng tôi đã mua sắm các trang thiết bị… Hiện tại, khu đất đó đã có 5 nhà xây kiên cố và vẫn đang là đất nông nghiệp và chưa được cấp giấy CNQSDĐ”, ông Mười giãi bày thêm.
Cụ thể, năm 2002, chính quyền xã Kroong đã chia 2 diện tích đất trên thành 20 lô đất. Trong đó, diện tích đất trước cổng UBND xã Kroong được 16 lô, trung bình mỗi lô hơn 300m2 và bán thanh lý với giá từ 6-8 triệu/lô và bán cho 12 hộ dân. Theo kết quả Thanh tra của UBND TP. Kon Tum nêu rõ việc UBND xã Kroong quy hoạch, phân lô, giao đất thu tiền sử dụng đất là trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi UBND TP Kon Tum yêu cầu thì UBND xã Kroong cũng chưa báo cáo rõ hồ sơ liên quan đến việc giao đất trái thẩm quyền cho các hộ dân; số tiền thu được, sử dụng vào mục đích gì và trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan đến vụ việc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND TP. Kon Tum cho biết: “Sự việc xảy ra vào năm 2002 khi đó lãnh đạo xã Krong đã tự ý bán hơn 20 lô đất. Về vấn đề này thì thành phố cũng chưa có chủ trương hay chỉ đạo gì.Việc xã bán đất để mua cơ sở trang thiết bị cũng không hề có hóa đơn chứng từ nào. Hiện chúng tôi cũng đã kiến nghị để thanh tra toàn diện về đất đai trên địa bàn xã Kroong này.”.
Lãnh đạo xã và người thân có tên trong danh sách mua Cũng theo ông Mười: “Các lô đất khi thanh lý đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của xã, trong nhiều ngày liên tục. Trong đó 16 lô đất trước cửa trụ sở UBND xã khi đó địa hình dốc, hố sâu nên ít người đăng ký mua. Sau đó, phần lớn số đất này được bán đa số cho các cán bộ xã nhưng nhờ người thân đứng tên. Bản thân tôi cũng mua 1 lô. Em của ông Nguyễn Thành Đức chủ tịch xã đương nhiệm cũng có 1 lô.". |
Tác giả bài viết: Phạm Hoàng
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn