Hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông Đậu Khắc Mạnh, ở xã Ân Phú, huyện Vũ Quang chưa bao giờ thấy nghề nuôi ong lấy mật phát triển như hiện nay. Ban đầu chỉ nuôi ít đàn nhưng đến nay, gia đình ông đã nuôi 60 đàn, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 700kg mật, thu về khoảng 200 triệu đồng.
Tuổi cao, ông Nguyễn Kim Lan ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang đã chọn cho mình nghề nuôi ong. Với ông, đây là không chỉ là ngành nghề phù hợp mà còn đưa lại thu nhập cao. Giờ đây nuôi ong không chỉ để phát triển kinh tế mà là niềm đam mê. Vì vậy, ông luôn dành thời gian chăm sóc cho đàn ong, bố trí các chuồng nuôi hợp lý, tạo cảnh quan đẹp trong khu vườn của gia đình.
Vụ Xuân hè được xem là vụ mật chính trong năm. Ở vụ này, năng suất, chất lượng mật đạt cao và được giá nên người dân rất phấn khởi. Hiện nay, toàn huyện Vũ Quang có gần 1 ngàn hộ nuôi ong với hơn 6 ngàn đàn. Ước tính bình quân mỗi năm thu nhập từ 7 đến 8 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng mật ong, đáp ứng với yêu cầu thị trường các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi ong đang tập trung phát triển theo hướng VietGAP.
Nuôi ong theo hướng VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ là hướng đi mà người nuôi ong ở huyện Vũ Quang đang tích cực thực hiện, nhằm khai thác tốt tiềm năng của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Tâm – Mạnh Thức – Trường Biên/HTTV
Theo hatinhtv.vn
Link gốc: http://hatinhtv.vn/vi/doi-song/tin-bai/99530?fbclid=IwAR2TbkJQJ5qJLvIja_TjJVbmUi7bQPCw9NjvzutjVouVPw7_oJ-_hIk6XsY