Cuộc “di cư” của các “đại bàng” địa ốc
Những năm gần đây được ví như cuộc “đại di cư” của loạt ông lớn địa ốc đến với Hà Tĩnh, mang đến hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản địa phương, tạo nên những thay đổi chóng mặt về bộ mặt đô thị của tỉnh.
Từ những tháng đầu năm 2020, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hà Tĩnh vẫn liên tiếp đón nhận những thông tin về đầu tư. Trong đó, Vingroup tham gia đấu thầu dự án 1 tỷ đô quy mô 136,8 ha ở phía Tây TP.Hà Tĩnh; Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư dự án 1.500 tỷ tại đường Nguyễn Huy Tự; T&T đầu hơn 3.680 tỷ đồng xây dựng khu đô thị phía Nam thành phố và dự án khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ; Tập đoàn FLC tìm hiểu đầu tư dự án tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển…
Vingroup là một trong những ông lớn tích cực “đổ tiền” vào Hà Tĩnh. Ảnh: Vinpearl Cửa Sót
Đáng chú ý, đến nay Vingroup đã thực hiện không chỉ một mà rất nhiều dự án tại Hà Tĩnh như Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Hà Tĩnh, Khách sạn Vinpearl City Hotel Hà Tĩnh, Vinpearl Ocean Villa, Công viên nước Vinpearl Land Cửa Sót, dự án Vinhomes New Center…., cho thấy “ông lớn” này thực sự đề cao tiềm năng và giá trị của một trong những thị trường màu mỡ nhất Bắc Trung Bộ.
Trong năm 2021, Tập đoàn T&T Group tiếp tục đề xuất “siêu dự án” có quy mô lên đến hơn 50.000 tỷ đồng tại Hà Tĩnh. Trong đề xuất xây dựng dự án, T&T Group cho biết sẽ xây dựng khu nhà ở 117 ha bao gồm đất ở thấp tầng và cao tầng với tổng số khoảng 3.860 căn biệt thự, khu dịch vụ, thương mại cao cấp gồm tổ hợp vui chơi có thưởng, casino và khoảng 100 căn biệt thự siêu cao cấp.
Cùng với T&T Group, Tập đoàn Cá Tầm và các đơn vị thành viên cũng có những động thái đầu tư mạnh vào Hà Tĩnh khi liên tiếp đề xuất hàng loạt dự án “khủng”. Cụ thể, vào tháng 5/2021, CTCP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang – một thành viên của Tập đoàn Cá Tầm đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch xây dựng dự án đầu tư Khu đô thị du lịch Kỳ Nam rộng 330ha với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng tại huyện Kỳ Anh.
Một góc biển Kỳ Anh
Bước vào năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji thực hiện dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh. Dự án có diện tích 66,15ha, tổng mức đầu tư 952 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, ưu thế của du lịch biển, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Mới đây nhất, Công ty CP Tập đoàn Ecopark đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương cho phép tài trợ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch đô thị Xuân Trường – Xuân Hội, đồng thời cho phép nghiên cứu khảo sát, đề xuất định hướng quy hoạch phát triển cho toàn huyện Nghi Xuân, làm cơ sở để địa phương định hướng phát triển, thu hút đầu tư trong dài hạn. Đây được xem là dấu mốc mới cho giai đoạn phát triển của bất động sản Hà Tĩnh, khẳng định sức hút của “mảnh đất vàng” đang được đông đảo chủ đầu tư quan tâm và săn đón.
Lãnh đạo Hà Tĩnh làm việc với đại diện Ecopark
Bất động sản Hà Tĩnh trước cơ hội “hóa Rồng”
Nhìn nhận về câu chuyện hàng loạt ông lớn “đổ tiền” vào Hà Tĩnh, các chuyên gia bất động sản cho rằng: Các doanh nghiệp lớn đã có những tính toán kỹ lưỡng trước khi đổ bộ vào một vùng đất, và thị trường Hà Tĩnh nói chung đang đứng trước cơ hội “hóa Rồng” trước tác động của những siêu dự án nghìn tỷ.
Để nói về lợi thế địa lý, Hà Tĩnh được xem là điểm giao giữa hai đầu cầu kinh tế lớn của cả nước Hà Nội và TP.HCM, nằm trong hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây của tiểu vùng sông Mekong qua cửa khẩu Cầu Treo.
Trong những năm qua, nhờ thế mạnh này, Hà Tĩnh đã không ngừng tập trung xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Đơn cử như quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam hay các tuyến đường trọng điểm QL 15A, QL 18B và dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thuỷ – tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh.
Cùng với đó là đường bờ biển dài 137km, sở hữu nhiều bãi biển đẹp như biển Thiên Cầm, bãi biển Xuân Hải… và hàng chục di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước như Ngã Ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Khu lưu niệm Nguyễn Du… đã thu hút hàng triệu lượt du khách từ mọi miền đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây cũng chính là yếu tố thuận lợi thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ và bất động sản phát triển với nhiều sản phẩm như: nhà hàng, khách sạn, shophouse, resort…
Hà Tĩnh đang ở trong “thời kỳ vàng” để phát triển các dự án gắn với du lịch. Ảnh phối cảnh dự án Thiên Lộc Legend
Về kinh tế, theo mục tiêu phát triển kinh tế của Hà Tĩnh đến năm 2025, tỉnh này phấn đấu GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tới năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000USD, nâng lên 17.700USD vào năm 2045 và 26.000USD vào năm 2050; tầm nhìn 2050, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Sự phát triển các khu kinh tế trọng điểm nơi đây cũng là một tiềm năng lớn làm đòn bẩy cho thị trường Hà Tĩnh hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 khu kinh tế cấp Quốc gia là khu kinh tế Vũng Áng và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; 2 khu công nghiệp Hạ Vàng và Gia Lách thuộc Quy hoạch khu công nghiệp Quốc gia cùng 17 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng sẵn sàng triển khai các dự án.
Việc phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp đã tạo tiền đề phát triển nhiều doanh nghiệp phụ trợ, thu hút số lượng lớn cán bộ, công nhân viên đến lao động sinh sống trên địa bàn tạo cơ hội cho bất động sản nhà ở, nhà cho thuê phát triển để đáp ứng nhu cầu an cư của người dân.
Các chuyên gia đánh giá, Hà Tĩnh có hàng chục ngàn chuyên gia là người nước ngoài đến làm việc, sinh sống và cũng có hàng chục ngàn người đang làm việc và lao động tại nước ngoài nên nguồn ngoại hối đổ về tương đối lớn. Điều đó dẫn đến nhu cầu sở hữu các bất động sản cao cấp, đầy đủ tiện ích, tiện nghi hiện đại đang trở nên cấp thiết, khiến thị trường này “nóng” lên từng ngày.
Hà Tĩnh đang đứng trước cơ hội bùng nổ các dự án nhà ở cao cấp dành cho giới chuyên gia
Ngoài ra, lợi thế về diện tích quỹ đất lớn, đủ để đáp ứng những dự án đồ sộ, đồng bộ về tiện ích, hạ tầng cảnh quan cùng giá đất đang ở mức khởi điểm hợp lý cũng là lý do để Hà Tĩnh trở thành “thỏi nam châm” đầy sức hấp dẫn. Đặc biệt, khi quỹ đất tại các thị trường lớn ngày càng khan hiếm, đắt đỏ thì những “miền đất mới” như Hà Tĩnh lại càng thu hút đông đảo “đại bàng” về “làm tổ”.
Khi đối chiếu với thị trường bất động sản Thanh Hóa, vùng đất có nhiều điểm tương đồng với Hà Tĩnh, có thể thấy Hà Tĩnh đang đứng trước cơ hội “vàng” để “hóa Rồng”. Cụ thể, chỉ trong vòng 5 năm, sự đổ bộ của các tập đoàn lớn như Vingroup, TNR, FLC,… đã khiến mặt bằng giá đất tại Thanh Hóa thay đổi rất lớn với giá tăng từ 5 – 10 lần. Tại những tuyến đường lớn trung tâm TP Thanh Hóa hoặc TP Sầm Sơn, giá đất một số nơi đã lên đến 200 – 300 triệu đồng/m2 thậm chí có nơi lên đến 400 triệu đồng/m2.
Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều tiềm năng, song mặt bằng giá đất hiện đang ở thời điểm 3 – 4 năm về trước của Thanh Hóa. Ngoài những lợi thế sẵn có, chính sự đổ bộ của những “ông lớn” địa ốc sẽ đảm bảo cho chặng đường phát triển rực rỡ sắp tới của Hà Tĩnh, để vùng đất này sớm vươn tầm sát cánh với những thị trường bất động sản hàng đầu cả nước.
Link gốc: https://taichinhvadautu.vn/vi-sao-ha-tinh-duoc-loat-ong-lon-chon-lam-ben-do/?zarsrc=10&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&fbclid=IwAR3lR-3LLespJY466lVOLYjxZJjjnT-e_CLmZdcf7a6Vzvq_o4MOLv5J4do