Truy quét tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp ở Hà Tĩnh: Chế tài chưa đủ mạnh

Thứ hai - 05/11/2018 13:57
Khoảng 5 năm trở lại đây thực trạng ngư dân khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Hà Tĩnh trở thành vấn nạn nhức nhối. Các lực lượng chức năng đã xây dựng rất nhiều kế hoạch truy quét, tuy nhiên triển khai biện pháp nào cũng gặp phải muôn kiểu chống đối của tàu vi phạm.

Thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá

Chiều cuối tháng 10 biển động. Hàng chục chiếc tàu từ lớn đến bé vào trú bão tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Ngư dân Nguyễn Văn T, xã Thạch Kim sở hữu chiếc tàu công suất 45CV thở dài cho biết, cá tôm ven bờ đã cạn kiệt gần hết vì tàu dã cào và tàu đánh bắt bằng thuốc nổ, kích điện. Trước đây chỉ cần đánh bắt nửa ngày là tiền lãi đã được mấy triệu bạc, thế nhưng bây giờ nhiều hôm đánh cả ngày tiền bán cá, bán tôm không đủ bù chi phí tiền dầu và tiền công cho thuyền viên. “Trước chúng tôi khai thác ốc hương chỉ lựa những con to bằng ngón chân cái, con nào nhỏ thả xuống biển trở lại, còn bây giờ rất nhiều tàu sử dụng lưới mắt nhỏ khai thác cả những con chưa kịp “khai sinh”. Đánh bắt kiểu tận diệt như thế thì lấy đâu ra nguồn lợi mà khai thác nữa”, ông T buồn rầu.

08-06-49_2
Lực lược chức năng, kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm

Ngư dân này cũng cho hay, hầu hết tàu cá vi phạm là tàu ngoại tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi. Không ít lần ông phát hiện, trình báo cơ quan chức năng bắt giữ, xử phạt các tàu dã cào đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Từ thực trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ suy giảm, thậm chí đang rơi vào thế dần cạn kiệt, tháng 2/2018 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch số 40 về việc “Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tổng thể nghề cá và tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2018”. Tiếp sau đó là hàng loạt văn bản chi tiết khác: Chỉ thị số 11 ngày 6/7/2018 về việc “Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy trên địa bàn tỉnh”. Kế hoạch 328 ngày 11/10/2018, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, bao gồm: Sở NN-PTNT; Sở Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, hội ngành nghề liên quan.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 4/2018 tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập bộ phận để thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá). Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh được phân công làm Trưởng văn phòng đại diện.

08-06-49_1
Một cặp tàu dã cào vi phạm vùng khai thác

“Việc thành lập Văn phòng cũng như ban hành các kế hoạch trên là những giải pháp đồng bộ, quy mô nhất từ trước tới nay Hà Tĩnh triển khai nhằm khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Qua đánh giá bước đầu, hiệu quả của các giải pháp trên khá tốt”, ông Bùi Tuấn Sơn nói.

Tuy nhiên, với vai trò là Trưởng văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá, ông Sơn thừa nhận việc thực thi nhiệm vụ của Văn phòng đang có một số khó khăn và còn nhiều lúng túng.

Thực trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Hà Tĩnh chủ yếu diễn ra vào vụ cá Nam (từ tháng tư đến tháng mười hàng năm). Đây là thời điểm đàn cá nổi di cư vào khu vực ven bờ để sinh sản nên nhiều tàu dã cào công suất lớn ở các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An lén lút vào bờ để khai thác. Bên cạnh đội tàu dã cào này, hơn 4.000 trên tổng số 6.000 tàu cá của tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu đánh bắt ven bờ đã khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ tổn thương nghiêm trọng.

Trước hết là khó khăn trong việc yêu cầu chủ tàu ghi nhật ký khai thác. Theo đó, trình độ của ngư dân có hạn trong khi biểu mẫu theo chuẩn Châu Âu khá rườm rà, hơn nữa khi triển khai trên biển gặp sóng gió, mưa lớn rất khó để ghi chép đầy đủ. Tiếp đến là quy định lắp định vị đối với tàu cá dài trên 24m. Trong một thời gian ngắn nếu yêu cầu các chủ tàu bỏ ra 30 – 40 triệu đồng mua máy định vị là vấn đề không dễ, bên cạnh đó là bất cập của việc đặt trạm bờ ở… thành phố Hà Tĩnh. Khi muốn truy xuất nguồn gốc hải sản, Văn phòng phải thực hiện thêm một bước là gọi điện thoại về thành phố xin kết quả định vị.

Khó khăn thứ 3 là nguồn nhân lực. Theo quyết định thành lập, toàn Văn phòng có 7 người nhưng tất cả đều là cán bộ kiêm nhiệm nên rất khó để kiểm soát hết 100% tàu thuyền ra vào cảng…  

“Tay không bắt giặc”

Theo tìm hiểu của NNVN, khi Kế hoạch 328 chưa được hiện thực hóa thì mấy năm nay việc ngăn chặn tàu thuyền đánh bắt bất hợp pháp trên biển của ngành NN-PTNT gặp vô vàn khó khăn, nếu không muốn nói là bất lực trong nhiều vụ việc.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, thi thoảng ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói vui: “Chúng tôi bắt tàu cá vi phạm kiểu… tay không bắt giặc”. Sở dĩ ông Thắng nói như vậy bởi nhân lực, vật lực phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý tàu vi phạm đều thiếu và yếu. Theo đó, đoàn Thanh tra, kiểm soát chỉ có 7 người, trong khi để đáp ứng nhiệm vụ, trên tàu lực lượng chức năng phải có ít nhất 8 – 11 người. Chính vì nhân lực mỏng nên khi tiếp cận tàu vi phạm lực lượng chức năng không chỉ bị lép vế, không trấn áp được mà thậm chí còn bị chủ tàu đe dọa lại, có những lời lẽ, hành vi thách thức lực lượng thực thi nhiệm vụ.

08-06-49_5
Ông Nguyễn Tông Thắng cho biết, 90% tàu dã cào khai thác sai vùng, sai tuyến là tàu ngoại tỉnh Hà Tĩnh

Thực tế, lâu nay việc thanh, kiểm tra trên biển chủ yếu các vụ việc thuần túy, đơn giản về hồ sơ tàu cá; an toàn kỹ thuật (phao cứu sinh, đèn tín hiệu, thiết bị phòng cháy…). Còn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc nổ, xung điện, tàu dã cào vào đánh bắt sai ngư trường… gần như lực lượng chức năng chưa bắt nhịp được.

“Theo tôi Trung ương, tỉnh cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về việc xử lý vi phạm chống khai thác bất hợp pháp này”, ông Thắng nói. Đồng thời phân tích, nếu lực lượng thanh tra không chuyên nghiệp, khi phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm sẽ đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Đơn giản là kỹ năng di chuyển từ tàu cá này sang tàu cá khác. Nếu chỉ chậm một tích tắc lực lượng chức năng rơi xuống biển ngay. Hay việc di chuyển đệm chống va khi hai tàu chạy song song cũng phải thực hiện trong vài giây để đảm bảo an toàn…

Phương tiện được cấp đã 20 năm

Đối với vật lực, hiện Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đang sử dụng tàu kiểm ngư 500CV; xuồng cao tốc 60CV và một số công cụ hỗ trợ như roi điện, súng bắn hơi cay… được cấp cách đây khoảng 20 năm để tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm. Các phương tiện này đều đã quá lạc hậu. Tàu kiểm ngư chỉ chịu được sức gió cấp 5, cấp 6 nên việc thanh, kiểm tra bị động về thời tiết; thậm chí khi phát hiện tàu cá vi phạm, tàu của lực lượng chức năng chỉ có thể “đuổi theo” mà không trấn áp, bắt giữ, xử lý được, vì tàu vi phạm công suất quá lớn. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng không được sử dụng công cụ hỗ trợ như lực lượng kiểm ngư, trong khi hầu hết chủ tàu vi phạm đều rất manh động.


 

Tác giả bài viết: THANH NGA

Nguồn tin: Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây