Ngư dân đưa hải sản lên bờ tại cảng Sa Kỳ. Ảnh: C.X
“Cực chẳng đã mới bán cho đầu nậu, chứ giá ở đây họ mua thấp hơn ở thị trường 2.000 - 4.000 đồng/kg. Vài kg thì không sao, chứ số lượng cả tấn thì tiền chênh lệch “khổng lồ”. Mình không bán cho họ (đầu nậu) thì lần sau họ không cho vay tiền, lấy đâu ra chi phí để mua dầu, lương thực... ra khơi. Bởi lẽ với các chủ tàu có công suất lớn, chi phí các loại cho mỗi chuyến ra khơi lên đến 500 - 800 triệu đồng.
Trong khi đó, các bạn tàu (thuyền viên) chỉ góp trên dưới 100 - 200 triệu đồng, còn lại chủ tàu phải bỏ hết. Ai vay xuể một lúc hàng trăm triệu đồng như thế. Lụy “đầu nậu” là điều khó tránh” - chủ tàu Nguyễn H thở dài.
Cùng cảnh ngộ, ông Lê T (40 tuổi) ở cùng xã, chủ tàu QNg 359… tiếc ngẩn số tiền chịu “lãi” từ các đầu nậu sau mỗi chuyến ra khơi trở về. Theo chủ tàu cá này tính, 1kg mực bán cho đầu nậu thấp hơn 2.000 - 4.000 đồng so với mặt bằng giá thị trường. Trong khi đó, sản lượng mỗi chuyến ra khơi đạt trung bình 40 - 50 tấn mực, tính ra khoản thua thiệt rất lớn. Khi giá mực cao thì ngư dân còn cầm cự được, chứ mực xuống giá thì bằng phí tổn đã là may.
Gần 30 năm đi biển, nhưng chuyến đi biển nào ông Lê T cùng nhiều ngư dân cũng phải tìm đến đầu nậu. Thiên tai, sự khắc nghiệt của biển cả khiến hiệu suất khai thác bấp bênh, ngư dân chưa đủ tích góp nguồn vốn cần thiết cho các chuyến đi biển kế tiếp.
Còn chủ tàu cá Võ T ở huyện Đức Phổ cho hay: “Năm 2010, 1 trong 2 chiếc tàu của gia đình bị nạn và chìm ngoài biển, còn 1 chiếc hư hỏng khá nặng nhưng may mắn lai dắt được về cảng. Để sửa chữa, tôi phải thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng. Sửa xong tàu, tôi lại phải vay thêm 400 triệu đồng từ chủ nậu để mua ngư lưới cụ. Sau đó phải vay tiếp chủ nậu để mua nhiên liệu, lương thực thực phẩm... Nên giờ đánh bắt về phải bán hải sản cho chủ nậu, họ trả giá thế nào và thấp hơn thị trường bao nhiêu cũng phải chấp nhận”.
Theo ngư dân trong vùng, thì riêng khu vực cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn hiện có hơn chục “đầu nậu”. Họ vừa là đại lý thu mua hải sản, vừa là trung gian cho vay tiền trước mỗi chuyến ra khơi.
Ông Nguyễn Hùng - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho hay: “Toàn xã có hàng trăm tàu thuyền xa bờ, chủ yếu đánh bắt khu vực Hoàng Sa, Trường Sa. Giá xăng dầu tăng nhanh, phí tổn cao, ngư dân lại thiếu vốn nên phần lớn đều phải phụ thuộc vào đầu nậu. Chưa có thống kê cụ thể nhưng hiện địa phương ước có hàng chục đầu nậu hoạt động. Mỗi nậu có liên hệ với vài ba chục tàu thuyền”.
Theo các ngư dân phụ thuộc vào đầu nậu, họ phải chịu nhiều hệ lụy từ “luật” riêng của giới trung gian này. Không yêu cầu thế chấp như ngân hàng, các đầu nậu chỉ cần chủ tàu cam kết bằng “niềm tin” (nói miệng) và vay bao nhiêu tùy khả năng. Càng vay nhiều, mức ép giá bán hải sản của các đầu nậu càng cao. Điều quan trọng, sau mỗi chuyến đi biển, chủ tàu và các bạn thuyền không thể chào bán tôm, cá cho ai khác ngoài đầu nậu.
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn