Một góc TP. Hà Tĩnh (Ảnh Thanh Hải)
Diện mạo đô thị từ những công trình dự án lớn
Trong những năm trở lại đây, với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên mọi lĩnh vực, Hà Tĩnh đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn, tạo bước chuyển biến tích cực cho bộ mặt kiến trúc đô thị.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tiện ích và hiện đại. Hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ phát triển nhanh. Nếp sống văn hóa văn minh đô thị ngày được đầu tư và phát huy hiệu quả. Trong đó, ghi nhận nhiều công trình, dự án hoàn thành và đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Nhiều khu đô thị mới với quy mô lớn ra đời, những công trình kiến trúc theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đông bộ tiêu biểu như: Khu trung tâm thương mại và nhà ở Vincom; Khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh, Khu Resort và công viên nước Vinpearl Cửa Sót; Khách sạn BMC; Khách sạn Mường Thanh, nhà ở xã hội… Hệ thống đô thị đã có sự chuyển biến tích cực cả về lượng cũng như về chất.
Với tổ hợp Trung tâm thương mại và nhà ở Vincom trải dài trên hai cung đường trọng điểm là Hàm Nghi và Hà Huy Tập với khả năng kết nối với các địa điểm trung tâm TP Hà Tĩnh như: Bến xe, bệnh viện, trung tâm văn hóa, khu biệt thự, liền kề cũng những tiện ích đẳng cấp, thiết kế hiện đại đã mang đến diện mạo mới con đường hình thành đô thị văn minh, hiện đại của Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, dự án Tòa nhà Trung tâm Thương mại và Dịch vụ tổng hợp, căn hộ, chung cư Winhouse Hàm Nghi hứa hẹn sẽ là cú hích cho sự phát triển căn hộ chung cư của Hà Tĩnh.
Đặc biệt, thời gian qua, Hà Tĩnh thực sự đã trở thành “đất địa linh” cho các nhà đầu tư với những dự án giáo dục chất lượng cao như: Trường phổ thông Albert Einstein, trường Mầm non tư thục Nguyễn Du Plus, trường quốc tế Ischool… và đang đốc thúc Tập đoàn Nguyễn Hoàng sớm triển khai dự án Thành phố giáo dục quốc tế có quy mô 2.000 tỷ đồng.
Các dự án lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân Hà Tĩnh mà đồng thời còn tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hiện đại, là điểm nhấn cho khu vực.
Cùng với các dự án khu đô thị, khu dân cư, những dự án xây dựng hạ tầng tại các địa phương trong địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành và đang triển khai cũng tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị nhanh và bền vững.
Hà Tĩnh hiện có 16 đô thị gồm: 1 đô thị loại III (TP Hà Tĩnh), 2 đô thị loại IV (TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh) và 13 đô thị loại V. Diện mạo các đô thị ngày càng thay đổi, chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng quy mô đô thị.
HTTV Hà Tĩnh soi bóng. (Ảnh Thanh Hải)
Phát triển đô thị cần sự đồng bộ hơn nữa
Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển đô thị, ông Phạm Văn Tình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho biết: “Tốc độ đô thị hóa diễn ra chưa đồng đều, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chưa được quan tâm đúng mức, việc đầu tư các dự án dân cư đô thị còn dàn trải, chưa tập trung dẫn đến việc chưa đồng bộ ở các khung, nhất là hệ thống thoát nước nên đôi khi dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, phối hợp cùng các Sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển đô thị, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững”.
Thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn vốn khác nhau, từ nhân dân đóng góp, từ khai thác quỹ đất nhằm đẩy nhanh, mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, mạng lưới điện, các công trình công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông, các thiết chế văn hóa, nhất là các dự án về giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm… cũng đã được xây dựng và phát huy hiệu quả.
Những bước chuyển trong quy hoạch giúp Hà Tĩnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển đô thị, phát triển kinh tế. Song có thể nhận thấy, tỉ lệ đô thị hóa của Hà Tĩnh còn thấp so với cả nước.
Xây dựng TP Hà Tĩnh theo hướng thân thiện, bền vững. (Ảnh Thanh Hải)
Hầu hết các đô thị vẫn còn một số tồn tại như: Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị còn chậm; nguồn vốn đầu tư hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị chưa xứng tầm với quy mô đô thị; chưa đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn…
Tin rằng, với mục tiêu đảm bảo quy hoạch đồng bộ, tập trung hoàn thiện các tiêu chí để đưa TP Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II vào năm 2018 và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.