Mặc dù được giới thiệu là hàng xách tay nhưng thật giả như thế nào thì người tiêu dùng khó phân biệt
Chính vì nhu cầu tiêu thụ xì gà đang tăng vọt trong khoảng 1-2 năm qua, lượng xì gà đưa về Việt Nam đã gia tăng rất mạnh. Trung tâm Thông tin- Thương mại công nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương) cho biết, hàng tháng, Trung tâm này cũng thống kê hầu hết các mặt hàng xuất, nhập khẩu nhưng xì gà hiện nay chưa được thống kê vì số lượng nhập chính thức rất thấp (gần như 100% là hàng xách tay).
Xì gà “xách tay”, thật giả lẫn lộn
Những ngày cuối tháng 6/2018, trong vai khách hàng có nhu cầu mua xì gà, nhóm phóng viên tìm đến một số cửa hàng bán mặt hàng này ở các con phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Giới thiệu với khách hàng, nhân viên cửa hàng HA HANOI CIGAR STORE (28 Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Xì gà bên em có rất nhiều loại từ các hãng nổi tiếng đều là loại hàng tốt nhất hiện nay trên thị trường, nếu anh mới chơi thì cứ yên tâm vì bên em là cửa hàng lớn nên không lo về chất lượng và những vấn đề khác”. Thế nhưng, khi hỏi về loại xì gà này nhập và nguồn gốc ở đâu thì nhân viên chỉ mập mờ rằng đây là hàng xách tay và nghiễm nhiên cũng không có bất kì hóa đơn, tem nhập khẩu của Bộ Tài Chính hay giấy tờ đảm bảo nào!
Tại khu vực Trung tâm Thương mại Hàng Da, phóng viên được một người làm xe ôm tại khu vực cổng chợ dắt vào. Tại đây một ki ốt chỉ chừng 20m2, nhân viên tại cửa hàng giới thiệu: “Có rất nhiều chủng loại từ hàng đắt tiền lẫn rẻ tiền, nếu khách hàng mua loại Cohiba Behike là dòng hàng cao cấp nhất của hãng Habanos có giá 15tr/hộp 10 điếu nhưng phải đặt trước nửa tháng vì do nguồn hàng khan hiếm còn nếu mua những loại rẻ thì phải lấy từ nơi khác”.
Nhân viên ở cửa hàng này cũng cho biết: “Do hầu hết là hàng xách tay nên khách hàng phải đợi chứ bên em không có sẵn tại cửa hàng”.
Cũng tương tự các cửa hàng trên, tại cửa hàng Thế Giới Cigar 51A Hàng Bài và cửa hàng Cigar & Wine 1973 Lounge số 36 Bà Triệu, rất nhiều các loại xì gà nổi tiếng được bày trong hộp gỗ nhưng đều không có tem mác rõ ràng, các nhân viên cũng tư vấn cho khách hàng xì gà của bên mình đều là hàng xách tay nên cứ yên tâm về giá cả cũng như chất lượng và “nếu có lỗi gì về chất lượng anh cứ mang qua”… Giới thiệu là vậy, thế nhưng xuất xứ, nguồn gốc và nhập khẩu ra sao từ đâu mà có vẫn đang là câu hỏi lớn được đặt ra ?
Anh Hoàng Long - một người chơi có thâm niên về xì gà chia sẻ: “Hiện nay, có rất nhiều các loại xì gà đắt tiền và hiếm mua được tại Cuba nhưng chẳng hiểu vì sao mà ra các cửa hàng ngoài thị trường Hà Nội lại được bày bán nhan nhản. Hàng xách tay không thể nào kiếm được nhiều như vậy, khả năng hàng giả hoặc hàng Trung Quốc”.
Theo anh Long, “Vì nhu cầu sử dụng tại Việt Nam vài năm trở lại đây đang tăng dần, nên hiện nay trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện các loại xì gà Trung Quốc nhập qua đường biên giới rồi xâm nhập vào thị trường, nếu không phải người sành chơi sẽ rất khó nhận biết trong khi đó cơ quan chức năng cũng không thường xuyên kiểm tra nên việc các cửa hàng bán hàng kém chất lượng hay hàng giả thì không có gì lạ”.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán xì gà
Theo quy định hiện tại, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu và phân phối, bán sản phẩm xì gà nhập khẩu chính ngạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng vẫn rất khó tiếp cận với các sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch để có thể yên tâm sử dụng. Trong khi đó, thực tế quản lý cho thấy nhiều vấn đề và nếu không giám sát chặt chẽ thì xì gà không rõ nguồn gốc, xì gà trôi nổi, kém chất lượng thậm chí là xì gà giả vẫn có đất sống.
Trước vấn đề hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng tại các thành phố lớn và các tỉnh trọng điểm. Đáng chú ý, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xì gà với số lượng hơn 42.000 điếu các loại.
Ngày 15/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có văn bản chỉ đạo về việc quản lý hoạt động kinh doanh trái phép xì gà. Tại văn bản này, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến, khu vực biên giới đường bộ và trên biển để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép xì gà.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an chủ động nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà.
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà trong nội địa và các giao dịch mua bán xì gà trái phép qua mạng Internet.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp, nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Công điện này; tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà; tham mưu, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích; kiến nghị biện pháp xử lý các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà tại các địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.
“Hàng xách tay” là hàng trốn thuế Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghịđịnh 185/2013/NĐ-CP thì hàng hóa nhập lậu bao gồm: - Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; - Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường; - Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; - Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; - Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng. Đối chiếu với các quy định trên cho thấy, “hàng xách tay” chính là hàng hóa trốn thuế, nhập lậu. |
Tác giả bài viết: Quốc Huy – Hà Đương
Nguồn tin: Đời sống & Tiêu dùng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn