Làng chài Cửa Nhượng

Chủ nhật - 28/10/2018 07:18
Mặt trời dần lên. Làng chài Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhộn nhịp người bán, mua hải sản đánh bắt được sau những chuyến lênh đênh trên biển của ngư dân. Với ngư dân nơi đây, những câu chuyện về nghề, về biển, về những niềm vui, nỗi buồn cùng biển cả mênh mông tưởng chừng như bất tận.
Làng chài Cửa Nhượng

Ngư dân chuẩn bị ra khơi. Ảnh: VĂN KHÊ

Lặng sóng, biển tâm tình

Tầm gần 5 giờ sáng, mặt trời lửng lơ phía xa vời, bình minh nhuộm rực mặt biển. Sóng lặng. Biển dịu dàng. Ðây là khoảnh khắc báo hiệu bắt đầu cho một ngày làm việc ở làng chài Cửa Nhượng. Thương lái đổ về, huyên náo, tấp nập trên bãi cát mà người dân vẫn gọi là bến cá Cồn Gò. Xe ô-tô, xe kéo, xe máy nhan nhản. Khắp bờ cát tràn ngập nào thúng, nào mẹt. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía khơi xa, nơi từng đoàn thuyền nối nhau trờ vào đất liền sau những đêm dài buông lưới. Từ trên bờ đã có thể cảm nhận trong làn gió mát rượi, mặn mòi từ biển phảng phất mùi nồng tanh của tôm cá. Thuyền cập bến, ngư dân sau những đêm dài trên biển vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn đến lạ. Họ xuống bờ, nhanh tay kéo thừng đưa thuyền vào bãi. Những tiếng hò của đám bạn thuyền vang lên cùng tiếng người mua kẻ bán râm ran náo động một vùng. Chợ ở đây không có ki-ốt. Những cuộc trao đổi, mua bán đều diễn ra ngay trên Cồn Gò. Từng gánh hải sản lấp lánh trong ánh nắng mai được trao cho thương lái sau những cuộc ngã giá chóng vánh. Phiên chợ cứ thế, kéo dài đến khi mặt trời lên cao, thương lái lục tục kéo về, trả lại cho Cồn Gò sự yên bình vốn có.

Lúc này, ngư dân mới bắt đầu nghỉ ngơi. Sự mệt mỏi trong những ánh mắt đỏ quạch vì thiếu ngủ vẫn không giấu được sự hân hoan cùng nụ cười mãn nguyện nhờ lộc biển. Trong khoang thuyền, tiếng hát về nghề biển, về cuộc sống lao động nhọc nhằn vẫn cất lên từ những chiếc cát-sét cũ kỹ. Trên mạn thuyền, một nhóm ngư dân năm người ngồi quây bên chai rượu trong vắt đợi đồ nhắm. Thấy khách đến, bằng chất giọng địa phương đầy nắng gió, họ mời tôi lên khoang nhập hội. Ðĩa mực luộc nóng hôi hổi được mang đến, cùng những chén rượu quê. Nhóm ngư dân cười mãn nguyện, đi biển vất vả với sóng nước, nhưng những khoảnh khắc lai rai sau những giờ lao động vất lại là niềm thú vị ít ai có được.

Tò mò hỏi về nguồn gốc của làng chài Cửa Nhượng, ông Hùng - một ngư dân đứng tuổi nhấp chén rượu sóng sánh nói: "Chú chắc ở nơi khác đến, chưa biết làng chài ni có sự tích rất đặc biệt". Rồi ông Hùng kể, trước đây, làng chài có tên là Nhượng Bạn, sau đổi thành Cửa Nhượng, nghe đâu cũng đã xuất hiện từ 500 đến 600 năm nay. Tên gọi Nhượng Bạn xuất phát từ việc bà Hoàng Càn, là cung phi thời nhà Trần đến đây thương lượng với dân làng lân cận nhượng (nhường) lại cho dân làng chài vùng Cẩm Nhượng một rẻo đất để ở và lập kế sinh nhai. Tưởng nhớ công ơn bà, người dân lập đền thờ tại làng chài. Ban đầu, làng chài chỉ lơ thơ mấy con thuyền độc mộc. Sau dần, thấy nguồn hải sản ở đây phong phú, người ở các vùng miền khác, trong tỉnh có, ngoài tỉnh có, đến đây sinh cơ lập nghiệp hoặc ghé thuyền đánh bắt. Làng chài trở nên tấp nập thuyền bè. Ðời sống ngư dân cũng khá dần. Nhiều nhà sắm thêm thuyền. Thuyền bè cũng được cơ giới hóa, phục vụ những chuyến đánh bắt dài ngày.

Kể về câu chuyện lập làng, những ngư dân lại nói về cái nghề đánh cá khơi xa mà họ đã một đời gắn bó. Họ bảo, hôm nay công sức bỏ ra được biển bù đắp xứng đáng. Biển quê họ vốn "giàu có" do nguồn hải sản luôn dồi dào, lại tươi ngon, với mực ống, cua, ghẹ… đủ cả. "Chú coi, lúc lặng sóng, biển như là bạn, như tâm tình. Cũng vì cầu mong trời yên biển lặng, để những con thuyền trở về bình yên với những mẻ lưới đầy cho nên cứ mồng 8 tháng tư âm lịch hằng năm, làng chài lại nô nức tổ chức lễ hội cầu ngư", một ngư dân chia sẻ.

Theo nhiều ngư dân, có lẽ, khoảnh khắc vui nhất của nghề là khi dong thuyền thả lưới vào những đêm hè trăng thanh, gió mát. Giữa biển cả mênh mông, chỉ có anh em thợ thuyền. Sau khi thả lưới, họ lại ngồi lại, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, cả những câu chuyện mang đậm mầu thần thoại của biển. Thi thoảng, những câu hò được hòa nhịp cất lên hòa trộn cùng ánh đèn đánh cá sáng rực mặt biển khiến không gian càng thêm đẹp và lãng mạn. Mỗi khi có được mẻ cá đầy, ngư dân lại chọn những con ngon nhất làm mồi nhắm cùng gió, cùng trăng. Có lẽ được trời "thương" cho nên trai tráng ở Cẩm Nhượng ai cũng có sức khỏe hơn người, ăn khỏe, uống rượu cũng tốt. Cũng phải. Với nghề đi biển, sức khỏe luôn là yếu tố quan trọng nhất vì công việc không chỉ dừng lại ở việc dong thuyền, thả lưới, thức đêm mà nhiều khi ngư dân còn phải xuống thuyền lặn xuống biển mỗi khi lưới bị mắc phải chướng ngại vật trên biển.

Ðắng mặn cùng nghề

Hơn 8 giờ sáng, bữa nhậu kết thúc để ngư dân về nhà nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chuyến đi biển mới sẽ được bắt đầu vào buổi chiều. Trên con đường cát trắng, những bước chân chậm dần. Tầm hơn 14 giờ, cũng tại Cồn Gò, tôi gặp lại những ngư dân. Nhưng lần này là lúc họ chuẩn bị ra khơi. Trên tay họ, mỗi người đều mang theo một chiếc làn chứa mì tôm, cơm nắm, nước ngọt và một chiếc áo mưa để mặc cho khỏi ướt mỗi khi kéo lưới. "Nghề này vui thì ít mà cực cũng nhiều. Khi kéo lưới, mang áo mưa mà nước vẫn thấm vào người, rát da, rát thịt. Mặt mũi lúc nào cũng ướt, khó chịu lắm!", ngư dân Hoàng Văn Phước tâm sự.

Ông Phước là một trong những ngư dân nhiều tuổi nhất ở làng chài Cửa Nhượng. Ðã ngoài 70 tuổi, ngày ngày ông vẫn đều đặn ra biển. Nghề đánh cá đã gắn bó với ông từ thuở lên 9, lên 10. Hơn 60 năm ra biển, sức vóc của ông đã yếu đi nhiều, nhưng ông vẫn quăng chài, kéo lưới cùng đám thanh niên trẻ. Ông bảo, ở làng, từ bé, đám trẻ đã ra biển tập quen dần với nghề đánh cá. Ðến tuổi dậy thì, vỡ giọng, biết nhìn mầu nước, đoán thời tiết, biết chỗ nước rộng, nước sâu, tìm được luồng cá thì trở thành lao động chính, là ngư dân thực thụ, từ đó cả đời bám biển, cuộc sống phó mặc cho những cơn bão biển, đầy trắc trở và biến động. "Sống cùng biển, dựa vào biển cho nên tính mạng cũng đặt hết vào biển. Mỗi lần ra khơi gặp hôm thời tiết thay đổi là một lần đánh cược với số phận. Bản thân tui, sau hàng chục năm đi biển cũng đã nhiều lần đến gần "cửa tử" khi sóng to đánh lật thuyền. Mỗi lần cánh đàn ông đi biển là những người vợ, người mẹ ở nhà lại thấp thỏm mong chờ". Vậy nhưng cứ như nghiệp vận vào thân, chỉ xa biển vài ngày đã thấy nhớ. Giờ cuộc sống đã tạm ổn, vợ con cứ khuyên nhủ nghỉ ngơi, mà tui cũng đã thử rồi, không đi biển là như người nóng ruột, ông Phước chia sẻ.

Nói về những vất vả trên biển, ngư dân Hoàng Anh Nuôi cho biết, bây giờ, thuyền đông, cá ít đi, nhiều khi phải nhiều ngày lênh đênh trên biển mới tìm được luồng cá. Sinh hoạt ở trên biển không chỉ thiếu thốn về lương thực, nước uống mà anh em luôn phải chuẩn bị tinh thần để đón những cơn bão biển có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vất vả là thế, nhưng thu nhập của đám bạn thuyền cũng chỉ được trên dưới ba triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình rất chật vật. Với chủ tàu, thuyền thì phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để sắm tàu, chưa kể chi phí xăng dầu, thợ thuyền, có khi tàu lênh đênh trên biển cả tuần lễ nhưng lượng cá đánh bắt được không đủ để bù chi phí. Nhất là vào mùa đông, thời tiết miền trung lạnh giá, việc khai thác cá cũng vì thế khó khăn hơn rất nhiều.

Nghề biển quá vất vả cho nên ba đứa con của ông Phước không ai theo nghiệp bố. Ông bảo, do không có điều kiện học hành, đời ông, đời bố phải ra biển. Vì thế, khi các con đến tuổi ăn, tuổi học, ông định hướng cho chúng tìm đến những công việc khác, những công việc không đắng chát mùi nước, mùi gió biển. Ở làng chài Cửa Nhượng, nhiều người có cùng suy nghĩ như ông Phước. Ðó cũng là lý do bây giờ ngư dân chủ yếu là cánh trung niên và người già. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng, xã có hơn 2.700 hộ dân, 248 tàu thuyền và khoảng 1.200 lao động làm nghề đánh cá. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác từ nghề cá bây giờ không cao, với ít tàu lớn, khó đánh bắt xa bờ. Chưa kể, bây giờ thanh niên ở làng bám biển rất ít, không mặn mà với nghề của quê hương và thường chọn con đường lập nghiệp ở vùng khác, hoặc đi xuất khẩu lao động. Ðó cũng là lý do khiến việc trẻ hóa lực lượng ngư dân ở địa phương rất khó.

Chia sẻ về định hướng phát triển làng chài Cửa Nhượng, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Thiên Cầm Hoàng Văn Hướng cho biết, thời gian tới, tỉnh và huyện sẽ triển khai dự án cảng cá tại xã Cẩm Nhượng để khai thác thế mạnh du lịch. Khi dự án được hoàn thành, đến với Thiên Cầm, ngoài tắm biển, du khách có thể trải nghiệm nghề biển, thưởng thức hải sản địa phương tại làng chài Cửa Nhượng cách đó chỉ hơn 1 km. Và quan trọng hơn, việc phát triển về du lịch sẽ giúp người dân làng chài Cửa Nhượng có thêm sinh kế, không còn quá phụ thuộc vào những chuyến đánh bắt xa bờ đầy nhọc nhằn, khó khăn.

 

Tác giả bài viết: HOÀNG ĐỨC NHÃ

Nguồn tin: Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây