Tại hội thảo chuyên đề về ngành công nghiệp ô tô trong thời đại 4.0, diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Việt Nam 2018, các chuyên gia đều cho rằng công nghiệp ô tô 4.0 sẽ phát triển theo 4 xu hướng chính gồm: Tự động hóa, kết nối, chia sẻ và sử dụng năng lượng điện.
Ô tô 4.0 sắp ra đường
Đại diện Mercedes Benz Việt Nam, ông Nguyễn Nam Khang cho biết, Tập đoàn Daimler (sở hữu thương hiệu Mercedes Benz) đang phát triển ô tô theo 4 định hướng trên. Chiếc xe sẽ sử dụng năng lượng điện, được kết nối với điện thoại di động và con người có thể điều khiển xe thông qua thiết bị này. Xe sẽ tự động hoàn toàn từ đón trả khách và tìm chỗ đỗ, tự nạp năng lượng. Nhiều người có thể dùng chung một chiếc xe (chia sẻ) dựa trên nhu cầu của mình.
Một chiếc xe thông minh |
Theo ông Khang, Daimler đang nghiên cứu phát triển hầu hết các dòng sản phẩm ô tô thông minh, từ xe con, xe chở khách đến xe tải, tất cả đều áp dụng công nghệ tân tiến. Đồng thời, Daimler cũng đang hoàn thiện các nghiên cứu, về những yếu tố kết nối vận hành, giữa xe với các trạm sạc, các thiết bị thông minh, hệ thống tín hiệu giao thông,...
Trên thực tế, tại Việt Nam, Mercedes Benz cũng đã phân phối những chiếc xe có nhiều tính năng thông minh. Chẳng hạn, một số mẫu xe có thể tự lùi vào và ra khỏi chỗ đỗ. Người lái không cần phải làm gì cả, chỉ ngồi ở vị trí ghế lái và bấm nút. Xe sẽ tự động đánh lái, sang số, ga và phanh cho đến khi kết thúc.
Sắp tới những chiếc xe còn thông minh hơn, sẽ được phân phối tại Việt Nam. Khi đó, người lái có thể ra khỏi xe, rồi bấm nút, mọi việc lùi vào và ra khỏi chỗ đỗ, xe sẽ tự lo hoàn toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu,... thì ngày nay, ô tô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người. Điều đó khiến cho ô tô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ, giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.
Xe có thể hiểu được cảm xúc của con người |
Tại Việt Nam có một số DN đã đầu tư nghiên cứu về ô tô 4.0 và đạt những kết quả nhất định. Từ năm 2016, Công ty FPT đã thành lập một công ty con chuyên hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người. Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning),... đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ô tô mô hình. Tháng 10/2017, xe ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ tự hành của FPT chạy thử nghiệm trong khuôn viên của công ty.
VINFAST cũng đầu tư mạnh mẽ cho ô tô công nghệ 4.0 với định hướng xe chạy điện và tự lái trong tương lai. Công ty hợp tác với các tập đoàn công nghệ sản xuất ô tô lớn trên thế giới để tiến hành sản xuất ô tô chạy điện có trí thông minh, dự kiến cung cấp ra thị trường vào thời điểm 2025.
Các chuyên gia khẳng định, không còn là chuyện viễn tưởng nữa, thời của những chiếc xe có trí thông minh, sắp thịnh hành. “Vượt qua những giới hạn của ô tô” là định nghĩa mới về cách thức di chuyển của con người trong tương lai.
Những chiếc xe này có thể giao tiếp với con người và hiểu con người. Nó không chỉ là chiếc xe đơn thuần, mà còn là người bạn đồng hành đúng nghĩa. Những chiếc xe này sẽ đọc được cảm xúc của con người. Công nghệ nhận diện cảm xúc được phát triển nhằm đo các biểu cảm. Công nghệ này được áp dụng cho ô tô, nơi con người thường phải đối mặt với sự mệt mỏi, nhất là khi di chuyển trên quãng đường dài.
Xe 4.0 có thể xác định một loạt các cảm xúc từ hạnh phúc đến phấn khích, hay mệt mỏi. Sau đó, có thể sẽ chia sẽ với con người bằng các cách tạo mùi hương, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ và chuyển động ghế ngồi, để mang đến cảm giác thích thú hơn.
Việt Namm sẽ có xe 4.0? (ảnh minh họa) |
Theo các chuyên gia, chỉ riêng về xu hướng chia sẻ, đến nay đã có hãng ô tô thiết kế ra chiếc xe thông minh, biết kiếm tiền cho chủ nhân lúc rảnh rỗi. Khai thác ý tưởng tạo thêm giá trị, nhà thiết kế đã biến chiếc xe thành phương tiện vận chuyển tự động. Thông qua kết nối với Internet và các thiết bị thông minh, nó có thể nhận diện được nhu cầu di chuyển của những người trong khu vực. Sẽ tự đón và trả khách tại các địa điểm xung quanh, khi chủ xe không sử dụng. Qua đó, mang tiền về cho chủ từ dịch vụ này.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Chủ tịch iBosses Việt Nam, hình dung ra chiếc xe thông minh tại Việt Nam như sau: “Người lái có thể chọn điểm đến, xe sẽ chạy theo con đường thông minh nhất do trí tuệ nhân tạo điều khiển, kết nối với GPS, tốc độ 40km/h, mũi xe không chạm nhau quá 3 giây, kết cấu gọn nhẹ, có thể chui vào các toà nhà, xe chở tối đa 6 người chỉ nặng dưới 500kg, trạm dừng xe gọn khoảng 5m2, chạy điện không tiếng ồn và ô nhiễm,... ”.
Theo ông Hòa, chiếc xe thông minh này, sẽ giải quyết vấn nạn mất cân bằng giao thông tại Việt Nam hiện nay, với thực trạng 70% sử dụng xe 2 bánh, tốc độ giao thông rất chậm, thiếu bãi đỗ xe, không thể mở rộng đường, để đáp ứng nhu cầu giao thông tăng nhanh, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn.
Việt Nam hiện có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 46,64%. Với cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tương đối phát triển đã tạo điều kiện cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô có khả năng tiếp cận nhanh chóng với các thành quả của kỷ nguyên công nghiệp 4.0
Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của công nghiệp 4.0 có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, muốn vậy, cần nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý cũng như những chính sách cởi mở để thúc đẩy phát triển sản xuất và đầu tư hạ tầng dành cho ô tô 4.0, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau và tiếp tục đánh mất cơ hội.
Tác giả bài viết: Trần Thủy
Nguồn tin: Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn