Đây cũng là câu chuyện được bàn đi bàn lại nhiều năm gần đây, với quan điểm chung: muốn mua được nhà ở, chung cư, công nhân với mức thu nhập mỗi tháng mấy triệu đồng, cần có khoảng 20 - 30 năm tích lũy.
Khảo sát riêng ở Hà Nội, nơi đây có khoảng 2,7 triệu lao động làm việc tại 270.000 DN, với 80% là người ngoại tỉnh. Người lao động ở Hà Nội có thu nhập bình quân 7 triệu đồng mỗi tháng không mua nổi nhà xã hội giá 1,5 - 2 tỷ đồng mỗi căn.
Chia sẻ với báo giới mới đây, một lãnh đạo thuộc Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết, làn sóng cắt giảm việc làm một năm gần đây vẫn tiếp diễn, công nhân vốn đã khó khăn còn khó khăn hơn…
Trong khi đó, giá nhà ở xã hội đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm. Như vậy, việc mua nhà của công nhân lại càng như giấc mơ xa xôi…
Một người lao động tâm sự: “Trên thực tế, nếu gia đình chúng tôi cả hai vợ chồng có công việc đều, thu nhập hằng tháng khoảng 15 triệu đồng. Với mức như vậy, chúng tôi ngoài chi phí thuê phòng trọ 2 - 3 triệu đồng/ tháng, tiền điện nước, ăn uống, cho con học hành…, số tiền còn lại không bao nhiêu. Còn phải đề phòng khi ốm đau… nữa”.
Trong khi chờ đợi giải pháp về nhà ở, chủ yếu là xây các khu chung cư xã hội, chúng tôi nghĩ rằng, Nhà nước nên khuyến khích các DN tăng cường xây nhà cho công nhân thuê.
Hiện ở Hà Nội, một số DN đã chú ý xây nhà ở cho công nhân, nhưng sự đáp ứng nhu cầu với tỷ lệ rất thấp; điều kiện ăn ở kém, có mới khoảng 20 người dùng chung 1 nhà vệ sinh.Như vậy, cần có quy định tiêu chuẩn về nhà ở công nhân, về phòng ở, nhà vệ sinh, các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn…
Đặc biệt là, cần có cơ chế nhằm giúp DN hạ giá thuê nhà cho công nhân, thậm chí miễn phí. Có như vậy, công nhân mới gắn bó lâu dài với công ty.
Mới đây, nhiều công ty tại TP Hồ Chí Minh cho biết, dù cuối năm có nhiều đơn hàng, nhiều ngàn công nhân đồng loạt nghỉ việc chỉ để rút tiền bảo hiểm xã hội một lần, nhằm đi trước thời điểm có thể có quy định mới về bảo hiểm. Điều này về khía cạnh nào đó cho thấy, công nhân không gắn bó với công ty.
Bởi có lẽ, họ chưa nhận được sự quan tâm đến người lao động về mọi mặt trong cuộc sống, nhất là ở chỗ ở.
Chúng tôi gặp một công nhân trẻ quê Hà Tĩnh. Anh vừa trả lại nhà trọ anh thuê ở Bình Dương với giá 2 triệu đồng tháng.
Anh nói: “Nhà cho thuê rộng hơn 70m2, có phòng ngủ, gác lửng, phòng khách, bếp và nhà vệ sinh sạch đẹp. Tôi tiếc khi phải trả lại nhà vì vợ về quê chăm bố, con cái đi theo mẹ nó, một mình tôi thì kiêm phòng trọ chừng 1 triệu đồng/ tháng thôi là hợp lý”.
Vậy đó, người lao động trước khi mơ đến căn nhà tiền tỷ, họ cần có chỗ ở với mức giá hợp lý. Chính sách giảm và miễn phí nhà ở (mà nhà cần đủ các điều kiện để ở, không nhếc nhác) là điều Nhà nước, DN cần nghĩ tới. Bởi người lao động ở bất cứ quốc gia nào đều là vốn quý nhất của quốc gia; chăm sóc họ là điều cần làm.
Theo Thành Thực Kinhtedothi.vn
Link gốc:
Làm gì để công nhân có chỗ ở? (kinhtedothi.vn)