Tăng gấp đôi số lượng Kỳ thi năng lực tiếng Hàn
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết số lượng Kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK) ở nước ngoài sẽ tăng gấp đôi vào năm 2024.
TOPIK là kỳ thi năng lực tiếng Hàn, do Viện Giáo dục Quốc tế Quốc gia Hàn Quốc, tổ chức dành cho đối tượng là những người nói tiếng Hàn Quốc không phải là tiếng mẹ đẻ. TOPIK là căn cứ để đánh giá trình độ tiếng Hàn khi đi xin việc, học tập hay xin học bổng du học tại Hàn Quốc.
Thông báo của MOE cho biết hiện các kỳ thi TOPIK ở nước ngoài được tổ chức với tần suất 4 lần/năm, nhưng trong năm 2024 sẽ tăng lên 8 lần. Đây là một phần trong chiến lược thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cho các ngành công nghệ cao và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hàn Quốc.
Tăng kỷ lục thị thực E-9
Tháng 9 vừa qua, Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch cho phép các công ty logistics, công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng tài trợ thị thực E-9 cho lao động nước ngoài trong bối cảnh nước này đang thiếu hụt lao động.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ở ngoài vùng thủ đô Seoul có từ 300 nhân viên trở lên cũng có thể được thuê công nhân mang thị thực E-9.
Trước đây, chỉ những doanh nghiệp dưới 300 nhân viên và vốn 8 tỉ won (6 triệu USD) mới đủ điều kiện. Chính phủ Hàn Quốc cũng phê duyệt kế hoạch tăng hạn ngạch cấp thị thực E-9 từ 10.000 lao động lên 120.000 lao động vào cuối năm nay, cao hơn gấp đôi so với năm 2020 và 2021.
Lao động Việt Nam chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Tăng hạn ngạch cho lao động nước ngoài lành nghề
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng đã công bố Chính phủ nước này sẽ mở rộng hạn ngạch hằng năm cấp thị thực E-7-4 cho lao động lành nghề lên thành 30.000 người vào cuối năm nay, tăng gấp 15 lần so với năm 2022.
Người lao động nước ngoài đã làm việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng hoặc nông nghiệp tại Hàn Quốc ít nhất 5 năm có thể nộp đơn xin thị thực E-7-4.
Tăng thời gian làm việc cho lao động thời vụ
Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành lệnh “Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh”. Theo đó, cho phép người lao động thời vụ E8 được gia hạn thời gian cư trú, tổng thời gian cư trú lên đến 8 tháng tính từ ngày nhập cảnh (trước đây là 3 tháng hoặc 5 tháng). Nội dung sửa đổi này được áp dụng ngay từ ngày 30-6-2023 đối với cả lao động thời vụ đang làm việc tại Hàn Quốc.
Làm việc theo visa riêng
Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cũng đã phối hợp với Cơ quan dịch vụ phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc để bàn về Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS).
Trong đó đáng chú ý, EPS sẽ cho phép người lao động đến từ 16 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo loại visa riêng. Hàn Quốc sẽ làm việc cụ thể với 16 quốc gia châu Á để sớm triển khai loại visa riêng này.
Miễn xử phạt lao động bất hợp pháp
Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã thực hiện chính sách ân hạn đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước năm 2023.
Theo đó, chính sách ân hạn được áp dụng cho tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 11-9-2023 đến hết ngày 31-12-2023. Các trường hợp không được áp dụng chính sách ân hạn gồm: Người cư trú bất hợp pháp kể từ sau ngày 11-9-2023, người nhập cư bất hợp pháp, người sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành giả, người phạm tội hình sự, người không thể thực hiện mệnh lệnh xuất cảnh...
Theo chính sách của Hàn Quốc, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ được miễn phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh. Điều này có nghĩa là sau khi về nước, họ vẫn có thể nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Hàn Quốc, được cơ quan Lãnh sự quán Hàn Quốc tại nước sở tại tiếp nhận hồ sơ xin cấp thị thực và có thể được cấp thị thực nhập cảnh Hàn Quốc sau khi trải qua thẩm tra, xem xét hồ sơ của phía Hàn Quốc.
Sang Hàn Quốc làm việc thời vụ đang được 14 tỉnh đẩy mạnh hợp tác
Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động tại 8 địa phương
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 8 địa phương thuộc một số tỉnh, thành buộc tạm dừng tuyển chọn theo chương trình EPS theo đề xuất từ phía Hàn Quốc.
Đó là các địa bàn: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thành phố Chí Linh (Hải Dương), Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên (Nghệ An) và Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Nguyên nhân là các địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên hoặc tỉ lệ lao động hết hạn không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký ứng tuyển ngành ngư nghiệp; lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt.