Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đường vào “siêu dự án” chăn nuôi bò Bình Hà tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Trên đường đi vắng bóng người, hai bên đường còn lại những mảnh rừng khô cằn, lác đác vài chục con bò gầy guộc đang “gặm đá”. Những ngôi nhà, công xưởng, vườn tược bỏ hoang, cổng sắt níu bằng vài ba sợi thép buộc sơ sài. Diện tích trồng chuối không được chăm sóc, cỏ dại mọc um tùm. Một số nhà xưởng không người quản lý, nhếch nhác. Nhìn quang cảnh khiến ai cũng choáng ở “siêu dự án” 4.500 tỷ đồng này.
Chủ tịch xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên), ông Trần Quang Trung cho biết, xã đã làm thủ tục giao hơn 200ha đất rừng cho doanh nghiệp. “Từ năm 2017 doanh nghiệp giảm lượng bò và chặt bỏ đồng cỏ. Một dự án quá nhiều bất cập và bê bối. Dự án ban đầu đưa ra mục tiêu doanh số lợi nhuận cao nhưng sau hai năm đi vào hoạt động không mang lại hiệu quả gì”, ông Trung nói.
Hàng trăm hecta rừng sản xuất của hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh bị đốn hạ dù chưa tới thời kỳ thu hoạch. Theo phản ánh của một số người dân chịu ảnh hưởng từ việc bị thu hồi đất thì dự án khiến họ gặp nhiều khó khăn. Dự án chăn nuôi bò Bình Hà từng hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, tuy nhiên điều đó đã không thành khi dự án này lâm vào cảnh “chết yểu”. Không đất sản xuất, không việc làm, nhiều người dân xung quanh dự án phải ly hương tìm việc.
Bà Lê Thị Lan (SN 1955, trú tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) kể: “Công ty chăn nuôi bò Bình Hà vào thi công đã thu hồi hơn 9ha đất rừng sản xuất của gia đình tôi, vậy mà tôi không được một đồng đền bù nào. Dân thì không có đất sản xuất còn đất bị thu hồi hiện nay bỏ hoang. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị để được tận dụng sản xuất, trồng cây mà không được chấp thuận”. Anh Lê Tư Thanh (SN 1974, trú tại thôn Tân Tiến, xã Cẩm Quan) cho biết thêm, hiện diện tích đất trồng cỏ đã chuyển đổi sang trồng chuối, hàng chục chuồng trại bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm không mang lại hiệu quả kinh tế. “Dân chúng tôi chỉ mong nếu như Cty Bình Hà không có lợi nhuận từ chăn nuôi thì trả lại đất cho dân để yên ổn làm ăn”, anh Thanh đề xuất.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư (Dự án chăn nuôi bò Bình Hà), quy mô 254.200 con bò/năm, đi vào hoạt động tháng 10/2015. Tổng mức đầu tư là 4.500 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 2.163,5 ha thuộc hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, kỳ vọng sẽ thay đổi toàn diện, tạo cú hích phát triển cho nền nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh và khu vực miền Trung. Với sự hứa hẹn đó, tỉnh Hà Tĩnh ồ ạt giải phóng mặt bằng, toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên chuyển sang phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã thống nhất và thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên diện tích đất do Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quản lý tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với hơn 1.848 ha (Kỳ Anh 705,08 ha, Cẩm Xuyên 1.143,6 ha).“Từ năm 2017 doanh nghiệp giảm lượng bò và chặt bỏ đồng cỏ. Một dự án quá nhiều bất cập và bê bối. Dự án ban đầu đưa ra mục tiêu doanh số lợi nhuận cao nhưng sau hai năm đi vào hoạt động không mang lại hiệu quả gì”.
Ông Trần Quang Trung
Ô nhiễm môi trường
Ngày 15/1/2016, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng với Công ty Bình Hà khánh thành giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Trong đó, BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng. Dự kiến, quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dành cho dự án là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng. Đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỷ đồng, trong đó vốn dài hạn 492 tỷ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỷ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn...
Theo báo cáo của HĐND tỉnh Hà Tĩnh tại kỳ họp thứ 7, khóa XVII diễn ra vào ngày 17/7/2018, sau ba năm triển khai dự án chỉ mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Cty Bình Hà chưa thực hiện được việc nhập ngoại bò giống để nuôi sinh sản, chưa liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân.Từ khi dự án chăn nuôi bò của Cty Bình Hà đi vào hoạt động đến nay lộ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Theo đó, đầu năm 2016, hàng chục tấn phân bò được Cty Bình Hà phơi trực tiếp trên nền đất ngoài trời mà không có lót chống thấm; hố chôn bò chết sơ sài, không rắc vôi bột khử trùng hay hiện tượng giếng nước của người dân khu vực rào Vang Vang, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) đổi màu và có mùi tanh khiến người dân bức xúc.
Sau khi kiểm tra, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng tại Cty Bình Hà như chưa xây dựng các hạng mục công trình xử lý rác thải, chất thải rắn, khu chôn lấp xác động vật tiêu hủy không đúng với quy hoạch được phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Hiện đàn bò còn lại rất ít (1.140 con) nên hệ thống chuồng trại đã xây dựng tại xã Kỳ Tây (Kỳ Anh) và một phần tại Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) để trống, không sản xuất chăn nuôi. Do năng suất cỏ trồng tại vùng dự án đạt thấp (chỉ 40% so với lý lịch giống), chưa đạt hiệu quả nên Cty Bình Hà đã phá bỏ toàn bộ diện tích cỏ đã trồng (767,52 ha) chuyển sang trồng chuối (212,04 ha). Điều này là chưa đúng với mục tiêu của dự án theo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.
Giải thích về việc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn cho biết, do Cty Bình Hà gặp nhiều khó khăn nên mới quyết định trồng chuối. “Nếu xử lý đúng mục tiêu của dự án đưa ra thì Cty Bình Hà sẽ đổ hoàn toàn. Hiện việc trồng chuối đang được lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát. Tỉnh chấp nhận số diện tích trồng chuối này để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu công ty”, ông Sơn nói.
Theo xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), khi dự án triển khai nhiều người dân ra sức phản đối. “Họ lo sợ ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái. Mục đích là nuôi bò giống và bò thịt nhưng lấy nhiều đất như vậy làm gì. Dự án lớn hàng nghìn tỷ đồng nhưng không lên phương án chặt chẽ, không thử nghiệm trước mà làm ồ ạt”, lãnh đạo xã Cẩm Quan cho biết.
Tác giả bài viết: CẢNH HUỆ- QUANG LONG- MINH THÙY
Nguồn tin: Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn