Các trang mạng xã hội, đặc biệt là cộng đồng facebook thời gian gần đây đang rộ lên trào lưu bán hàng online. Không chỉ dừng lại ở những mặt hàng gia dụng, hàng tiêu dùng thông thường, gần đây các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền… được thổi phồng công dụng rao bán với giá rẻ bất ngờ.
Trong Hội nghị triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức diễn ra tại TPHCM (ngày 9/10) đại diện cục nhận định: “Tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, chat… đang diễn ra rầm rộ. Người mua, người bán lên đơn hàng với nhau qua những liên lạc trên và giao hàng qua đặt hàng online, bưu điện hoặc thuê người vận chuyển”.
Với hình thức này, cá nhân hoặc tổ chức bán hàng không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, họ thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước lại trở nên rất khó khăn.
Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng thực phẩm chức năng đang khá phổ biến. Tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng “xách tay” chưa được kiểm soát đang là kẽ hở cho nhưng đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Cục An toàn Thực phẩm nhận định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, tâm lý ham rẻ lại “sính” hàng thương hiệu nên dễ “sập bẫy” trước những chiêu quảng cáo thổi phồng sự thật. Vì lợi nhuận nên những người bán hàng bất chấp mọi thủ đoạn để lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng còn yếu và thiếu, nghiệp vụ hạn chế hoặc xử lý không triệt để co chế tài xử phạt liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa hoàn thiện.
Cục An toàn Thực phẩm cho biết sẽ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nghiêm Chỉ thị (17/CT-TTg ngày 19/6/2018) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lân thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng thuộc nhóm dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc y học cổ truyền…
Để tránh nguy cơ “tiền mất, tật mang” Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo mỗi người trong cộng đồng hãy là một người tiêu dùng thông minh. Việc mua bán, sử dụng các mặt hàng liên quan đến thực phẩm cần phải rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận của cơ quan chức năng, còn trong thời hạn sử dụng. Tuyệt đối không mua bán, sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Ngày 9/10, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua tổng kết công tác thanh kiểm tra 9 tháng đầu năm 2018 về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cơ quan chức năng tại 63 tỉnh thành trên cả nước và Cục An toàn Thực phẩm đã phát hiện hơn 77.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hàng loạt sản phẩm sai phạm về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện cơ sở không đảm bảo vệ sinh, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định… đã bị đình chỉ lưu hành. Tổng số tiền phạt các cơ sở sai phạm lên tới hơn 46,5 tỷ đồng. Ngoài ra Cục An toàn Thực phẩm đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tác giả bài viết: Vân Sơn
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn