Chìa khóa tạo nên bước nhảy vọt ấy là nhờ trồng cây ăn quả (chủ yếu là cam) và nuôi con đặc sản với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
“Triệu phú” từ vốn vay chính sách
Theo ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, nhiều năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Can Lộc đồng hành cùng dân nghèo, hộ chính sách trong xã thực hiện công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu hiệu quả. Toàn xã hiện có 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến hết quý I/2018, tổng dư nợ 7 chương trình tín dụng đạt trên 24 tỷ đồng với 383 hộ vay. Đa số bà con vay vốn đầu tư vào trồng cam, bưởi và chăn nuôi. Hiện tại, xã có hàng trăm mô hình trồng cam kiểu mẫu, mang lại nguồn thu nhập lớn.
Năm 2010, anh Nguyễn Gia Phố sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về thôn Thanh Mỹ, trong tay không vốn, không nghề, đang loay hoay tìm kiếm việc làm để kiếm sống, thì được một người bạn chia sẻ kinh nghiệm trồng cam. “Được lời như cởi tấm lòng”, được Hội Nông dân giúp đỡ, anh mạnh dạn vay NHCSXH 50 triệu đồng. Phá bỏ vườn tạp trên 1ha đất cha mẹ để lại, anh đầu tư trồng 500 gốc cam. Mặc dù mới “kết duyên” với cây cam được 7 năm, nhưng 3 năm qua, anh đã thu về trên 400 triệu đồng/năm. Có vốn, trả hết nợ gốc và lãi của ngân hàng, anh mua thêm 1ha đất, trồng thêm 200 gốc cam, mở rộng trang trại theo mô hình vườn đồi, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ làm ăn khá trong làng.
Ông Trần Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Những triệu phú chân đất xuất thân từ hộ nghèo như anh Phú, vịn vào cây cam, đàn gia súc đứng dậy từ vốn vay tín dụng chính sách ngày một nhiều. Hơn thế, Thượng Lộc ngày nay còn có không ít những “đại gia cam” như chị Phan Thị Hiền, anh Đặng Văn Việt…, mỗi hộ có trên dưới 1.000 gốc cam, thu lãi 400-500 triệu đồng/năm. Từ vùng đất hoang sơ, cam trở thành cây trồng chính ở 8 xã vùng Trà Sơn, bởi thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng. Riêng xã Thượng Lộc, hiện có 147ha cam, 73ha bưởi Phúc Trạch, phần lớn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cao, chất lượng tốt. Xã đang thực hiện chủ trương mở rộng diện tích cam, phấn đấu trồng mới 30 - 40ha/năm”.
Khơi nguồn khát vọng làm giàu
Thượng Lộc không chỉ có cam, nơi đây còn là địa chỉ nuôi các con đặc sản. Năm 2012, qua Hội Nông dân, anh Trần Văn Nhân được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Tiền vay ngân hàng, cộng với số tiền tích cóp được, anh mua 15 con hươu về nuôi. Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, kỹ thuật chăm sóc tốt, hiện đàn hươu nhà anh tăng lên 20 con. Từ bán hươu giống, bán nhung, anh thu về hàng chục triệu đồng/năm. Trả hết nợ ngân hàng, thoát nghèo bền vững, anh còn tư vấn cho bà con trong xã muốn khởi nghiệp bằng nghề nuôi hươu.
Năm 2007, ông Bùi Quế được Hội Nông dân huyện cho đi tham quan mô hình nuôi lợn rừng ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và Tây Ninh. Về nhà, ông bàn với vợ nuôi lợn rừng và trồng cây ăn quả. Nói là làm. Sau gần một năm khai hoang, xây dựng trang trại, cuối năm 2008 trở lại Củ Chi, ông mua một cặp giống lợn rừng giá 50 triệu đồng về nuôi. Thiếu vốn, ông làm hồ sơ, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, cùng với 100 triệu đồng vay mượn anh em, ông làm chuồng trại, hàng rào bảo vệ. Thích nghi với môi trường và được chăm đúng cách, lợn không bị dịch bệnh, lớn nhanh. Đến nay, trang trại của ông thường có trên 40 con lợn rừng, trong đó có 8 con lợn nái chuyên cung cấp giống cho thị trường Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
Ông Quế cho biết: “Bình quân 1 con lợn giống đẻ 2 lứa/năm (6 - 7 con/lứa), nuôi 2 tháng thì xuất chuồng. Giá lợn giống khoảng 300.000-350.000 đồng/kg. Tôi còn cung cấp lợn rừng thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn”.
Với trang trại rộng 4ha, ngoài chăn nuôi lợn rừng, ông Quế còn trồng trên 700 gốc cam, nuôi 10 con bò, đào ao thả cá. Sau 10 năm lên rừng lập nghiệp, giờ đây ông Quế có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ trang trại. Ông là điển hình của khát vọng nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ những nông dân thoát nghèo, làm giàu ở trên, xã Thượng Lộc đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20,8% (năm 2011) xuống còn 4,9% (năm 2017). Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm sau cao hơn năm trước, năm 2017 đạt 30,8 triệu đồng/người. Năm 2017, Thượng Lộc đạt chuẩn xã nông thôn mới, về đích trước kế hoạch một năm.
Nguồn tin: KTNT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn