Xác định sản phẩm chủ lực cho các xã vùng biển ngang trong xây dựng NTM

Thứ ba - 06/06/2017 15:27
(Hatinhnews) - Trong tiến trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và nhân dân 10 xã vùng biển ngang của huyện Thạch Hà gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xây dựng đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Vì vậy, việc xác định sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu cũng như tập quán canh tác của người dân là điều trăn trở đối với cấp ủy, chính quyền.

Mô hình chăn nuôi lợn tập trung của HTX chăn nuôi Đồng Tiến tại xã Thạch thắng quy mô 1.000 con/lứa cho hiệu quả kinh tế cao

Ngoài Tượng Sơn là xã điểm của huyện đã đạt 8 tiêu chí, các xã còn lại trong vùng này đều là những xã thuộc diện khó khăn, đặc biệt là các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Nhiều xã cho đến nay chỉ đạt một vài tiêu chí, thậm chí có xã chưa đạt tiêu chí nào. Cùng với những khó khăn trong việc thực hiện hoàn thành các tiêu chí, thì việc tập trung sản xuất, ổn định đời sống cho người dân là điều trăn trở đối với cấp ủy, chính quyền.

Ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Do xuất phát điểm và nhiều điều kiện khách quan nên việc xây dựng NTM tại 10 xã vùng bãi ngang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện đã đặc biệt quan tâm, bằng nhiều biện pháp, phân công cụ thể cho các đoàn thể, thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra, chỉ đạo tình hình thực hiện ở các xã. Xác định triển khai tốt Đề án sản xuất là việc trọng tâm trong xây dựng NTM nên tại các buổi làm việc, BCĐ huyện, xã và người dân đã phân tích, đánh giá kỹ tiềm năng, trên cơ sở Đề án của các xã, huyện đã rà soát lại toàn bộ những khó khăn, lợi thế, các sản phẩm truyền thống của các xã trong vùng. Từ đó tìm hướng tập trung ưu tiên chỉ đạo, cùng với các xã khác trong toàn huyện xác định những sản phẩm chủ đạo, định hướng phát triển qui mô và là những hàng hóa chính cho phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho nhân dân”

Hiện nay, tại các xã biển ngang của huyện một số sản phẩm trồng trọt được xác định rất cụ thể cho phát triển ổn định, bền vững đó là: Cây lạc (trồng tại các xã Thạch Hải, Thạch Lạc, Thạch Khê, Thạch Văn), Rau màu (trồng tại các xã Thạch Hải, Thạch Khê, Tượng Sơn; phát triển chăn nuôi lợn tại Thạch Thắng, Thạch Hội; nuôi trồng thủy sản (tôm trên cát, cá nước lợ, nhuyễn thể) ở các xã: Thạch Bàn, Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Hội, sản xuất muối tại xã Thạch Bàn.v.v. Mặc dù chưa có nhiều nguồn lực nhưng huyện và các xã đã huy động từ nội lực và một số nguồn khác bước đầu xây dựng một số mô hình mới theo hướng sản xuất hàng hóa qui mô như: nuôi lợn tập trung, gia cầm, một số mô hình mới như nuôi kỳ nhông, trồng nấm, rau sạch, nuôi giun đất, cá trong bể xi măng, nấm, mô hình mây tre đan.v.v.

Song song với phát triển sản xuất, UBND huyện và các xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội chợ việc làm cho người lao động tại các xã vùng ảnh hưởng dự án mỏ sắt Thạch Khê

Xác định các xã khu vực biển ngang phải thu hồi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp để phục vụ mỏ sắt và các dự án khác nên công tác đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm đặc biệt được quan tâm, coi là khâu đột phá. Vì vậy, song song với phát triển sản xuất, UBND huyện và các xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các cuộc hội thảo về công tác đào tạo nghề, tổ chức hội chợ việc làm cho các xã vùng mỏ sắt. Lập kế hoạch chi tiết đào tạo cho lao động của từng xã, phân loại đối tượng đào tạo theo độ tuổi, theo trình độ để có kế hoạch đào tạo phù hợp, bảo đảm hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng hộ dân nằm trong diện đã phải di dời nhà ở hoặc thu hồi phần lớn đất sản xuất. Cho đến nay đã lồng ghép từ nhiều nguồn vốn như 1956, nguồn vốn IMPP, nguồn từ Công ty cổ phần sắt Thạch Khê và đã tổ chức được 54 lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: chăn nuôi, trồng trọt, thú y, sửa máy nông cụ, trống nấm, làm đậu phụ.v.v. . Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn hẹp, việc lồng ghép các nguồn vốn khác khó khăn nên công tác đào tạo nghề và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nhân dân chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện, việc xác định được sản phẩm chủ lực cho các xã vùng bãi ngang chỉ mới gỡ được nút thắt về tư duy, định hướng để người dân tập trung sản xuất. Điều quan trọng nhất hiện nay đó là việc hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất; cung cấp các loại cây, con giống tốt, năng suất cao và đào tạo, tư vấn về khoa học, kỹ thuật, về khởi sự doanh nghiệp.v.v. để đạt mục tiêu tăng sản lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích.

 Theo Hà Tĩnh online

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây