Anh Sơn và con trâu chọi mang về từ Tây Nguyên
Nhất trâu... "Tây".
Tự hào về hội chọi trâu mới mở ở xứ sở cam sành nức tiếng Hàm Yên, anh cán bộ trẻ Tống Xuân Quang, Chánh Văn phòng UBND huyện Hàm Yên bảo: "Không ngờ hội mới mở mà thành công đến vậy. Dân khắp nơi kéo đến nườm nượp, trâu chọi có giá khủng hơn cả ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Địa phương lại có một nghề mới: Nghề săn trâu".
Trâu chọi ở Hàm Yên trong một "kháp đấu". |
Một trong những người săn trâu nổi tiếng ấy là Hoàng Đình Sơn ở xã Phù Lưu. Sơn người nhỏ con, da hơi ngăm đen, giọng nói giật giật nhưng được cái vui vẻ. Sơn bảo: "Nghề săn trâu chọi hay lắm, cứ đi suốt, toàn đi... Tây". Tôi thắc mắc, bên Tây làm gì có trâu chọi như ở xứ Triệu Voi? Sơn cười khì khì bảo: "Đi Tây là Tây Nguyên. Ở đấy mới có nhiều trâu chọi, vừa khoẻ - đẹp, lại hung dữ. Chứ trâu xứ Triệu Voi không ăn thua, đem về Hàm Yên chưa chọi đã chết".
Theo Sơn, trâu ở đất Tây Nguyên rất khoẻ vì được rèn luyện kéo gỗ hoặc các vật dụng nặng bên các đồi dốc. Trước đây, trâu ở Mường Nhai, Sốp Cộp vùng Sơn La là nổi tiếng khoẻ đẹp nhưng bây giờ không còn nữa. Người Hải Phòng, Vĩnh Phúc vẫn săn trâu chọi ở bên Lào nhưng trâu bên ấy đẹp mà không khoẻ, tính lại hiền nên chỉ hợp chọi trâu với tính chất thương mại.
Sơn vốn làm nghề cắt tóc, tính chịu chơi. Hết chơi chim, gà chọi lại chuyển sang trâu. Trước ngày Hàm Yên mở hội chọi trâu, Sơn đã lặn lội khắp nơi đi tìm trâu đẹp phục vụ các "kháp" đấu.
Từ các huyện miền núi ở Sơn La, Nghệ An đến các vùng nhiều trâu của nước bạn Lào như Hủa Phăn, Xa - va - na - khet, thậm chí cả ở thị trấn Thà Khẹt... Sơn cũng kinh qua. Nhưng nửa năm trời đi tìm mà thất vọng. Nghe lời người bạn, Sơn tìm về Tây Nguyên.
Ở đây, Sơn đã phải thốt lên: "Trâu Tây Nguyên mới đáng để chọi". Thế là anh thuê luôn con xe tải cỡ lớn, điện về nhà gom tiền chuyển vào mua những con trâu đẹp nhất đem về huấn luyện.
Sơn cho biết, trâu Tây Nguyên ngoài một số đặc điểm giống với các vùng miền khác thì khả năng thích nghi với điều kiện môi trường khá cao. Trâu Tây Nguyên hầu như không bị "ngã nước" hoặc bệnh dịch lại phàm ăn nên rất khoẻ. Ngoài ra, trâu vùng này mắt hơi đỏ nên hung dữ, chúng sẽ không ngần ngại lao vào húc nhau nếu gặp một con đực khác gần đó.
Một con trâu, giá nửa tỷ đồng
Theo Sơn, giá trị thực của một con trâu chọi Tây Nguyên chỉ từ 45 - 60 triệu đồng, mỗi con lại "ngốn" cước vận chuyển khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, một con trâu có giá gốc gần 100 triệu đồng kể cả công chăm sóc và tiền mua thức ăn cho đến khi chọi được.
Nhưng nếu con trâu ấy nhất trong hội chọi và được xẻ thịt thì giá bán sẽ ở mức 500 triệu đồng (1 triệu đồng/kg). Như năm vừa rồi, trâu của Sơn đạt giải nhất và cái giá 500 triệu đồng anh thu về là một dẫn chứng đáng tin tưởng.
"Trâu Tây nguyên rất to, nặng, thịt chắc chứ không giống như trâu bên Lào hoặc ở Sơn La, Nghệ An... nên lượng thịt nhiều, chất lượng thịt tốt, ngon", Sơn cho hay.
Hôm tôi gặp Sơn cũng là lúc anh vừa có chuyến săn trâu từ Tây Nguyên trở về. Trong chuyến này, Sơn hợp tác với mấy người anh em trong huyện đưa xe tải vào tìm nhưng cả tháng trời mà chỉ săn được 2 con ưng ý.
Sơn dẫn tôi ra mảnh vườn phía sau ngôi nhà sàn. Một con trâu mộng mắt đỏ gườm gườm rất dữ tợn đang hằm hè nhìn một con đực phía bên kia cánh đồng. Sơn bảo, con trâu đẹp phải trên 10 tuổi mới được gọi là tráng niên, sừng dài nhưng cong hình cánh cung và có vấn đá, lông mượt, màu đen đồng và đôi mắt he đỏ.
PV đang thử "làm quen" với chú trâu chọi. |
Theo Sơn, những dấu hiệu ấy chưa đủ mà còn phải dựa vào trực giác để xác định trâu khoẻ. Cái đấy thì dựa vào khoáy bên hông trâu, người nuôi trâu rất kỵ khoáy phản chủ nên phải tránh những con như thế. Hơn nữa, trâu to nhưng chân trâu phải ngắn, to bè thì mới có thế đứng trong một "kháp" đấu.
Huấn luyện kiểu... cá độ
Có trâu rồi nhưng cách chăm sóc huấn luyện trâu chọi mới đáng quan tâm. Trâu chọi phải được chăm sóc với chế độ đặc biệt, không chăn thả như trâu thường. Vì thế, bên cạnh một con trâu đều được đặt một cái máng bằng bê tông để đựng thức ăn.
Thức ăn cho trâu chọi chủ yếu là cỏ voi non. Một ngày cho trâu ăn ba bữa, đúng giờ. Buổi sáng cho ăn bình thường, buổi trưa cho ăn một ít cỏ và thêm một chậu nước, buổi tối thì cho ăn thật nhiều. Trâu mà có biểu hiện bệnh ngoài da thì lập tức mua rượu về tắm táp, rửa ráy sát trùng. Nhiều con trâu chọi được chăm sóc đặc biệt đến độ, khi dắt ra đồng, trâu không còn nhớ cách gặm cỏ, chỉ đứng trơ trơ nhìn mọi thứ.
Cách huấn luyện trâu chọi mà rất ít người biết mà theo Sơn đó là "cá độ". Thỉnh thoảng, Sơn dắt trâu đi chọi với những con đực to lớn khác bằng cách cá cược tiền. Trâu của chủ nào thắng, người ấy sẽ được tiền tùy theo giao kèo, nếu trâu chết thì chịu chứ không bắt đền.
Cứ thế, một con trâu chọi khi đến "kháp" đấu chính thức của hội hầu hết là những con dũng mãnh, có kinh nghiệm chọi, được chọn lọc kỹ càng. Cũng nhờ cách huấn luyện này, mà vừa rồi trâu chọi của Sơn đạt giải nhất. Nhưng Sơn đang kỳ vọng nhiều vào hội chọi sắp tới với con trâu mộng hung dữ mà anh vừa "tậu" được ở xứ sở Tây Nguyên.
(Theo Bee.net.vn)