Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 13.4, các chị Nguyễn Thị Năm (Thái Nguyên) - Nguyễn Thị Loan - Nguyễn Thị Sửu - Nguyễn Thị Hoa (Hà Tĩnh) - đều cho rằng mình bị đánh hoặc bị đối xử tệ trong trại tạm giam. Ảnh: Việt Thắng - Vinh Hải |
Khi Báo Lao Động vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì đại diện Cục QLLĐNN có ý ngăn cản khi cho rằng đây là “việc nhạy cảm”. Liệu có sự thật nào đang được cơ quan này che giấu?
Nhạy cảm đến mức nào?
Như Lao Động từng thông tin đến bạn đọc là vào ngày 23.3, khi Báo Lao Động vào cuộc lên tiếng bảo vệ quyền lợi NLĐ tại Malaysia thì đại diện Cục QLLĐNN gồm Cục phó Đào Công Hải và trưởng phòng thông tin - truyền thông (TTTT) đã đến Báo Lao Động làm việc. Tại đây, những đại diện này đã đề nghị Báo Lao Động nên dừng lại và chờ đợi vì những lý do “nhạy cảm”. Vậy sự nhạy cảm ở đây là gì? Đại diện này cho rằng việc Báo Lao Động vào cuộc bảo vệ quyền lợi NLĐ bằng cách đưa thông tin trên báo đã gây bất lợi cho đàm phán với cơ quan quản lý tại Malaysia. Tuy nhiên với những diễn biến cho đến nay thì có thể thấy rằng đã không có sự “nhạy cảm” trong quan hệ. Có chăng sự nhạy cảm ở đây là sự cố tình ngụy tạo các tình tiết, bưng bít thông tin về số phận long đong của những nữ LĐ bị giam giữ.
Có thể nói, Báo Lao Động tại cuộc làm việc đã khá bất ngờ trước thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của đại diện Cục QLLĐNN trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ do mình có trách nhiệm quản lý. Ông cục phó Đào Công Hải kết luận: “Vụ việc 42 LĐ là việc rất nhỏ”. Vậy hãy nhìn hệ lụy và tác động của “việc rất nhỏ” như ông cục phó đánh giá. Đó là việc những nữ LĐ này bị tước đoạt tự do, lợi ích hợp pháp để rồi bị giam giữ, đánh đập, bỏ đói rồi bị đưa về nước trước thời hạn. Thiệt hại vật chất đã là không ít, nhưng thiệt hại về tinh thần cũng quá nhiều. Vậy mà ông cục phó coi đó chỉ là “việc rất nhỏ”.
Ông này khẳng định không hề có chuyện NLĐ bị bỏ đói: “Hiện nay điều kiện ăn ở rất tốt. Nếu bảo là tạm giữ là không đúng”. Ông này còn cho rằng: “Tập trung (bị tạm giữ) rất sướng”. Không biết ông cục phó thấy “rất sướng” là như thế nào? Nhưng khi những LĐ từ Malaysia về thì họ cho rằng họ đã được “thoát khỏi chốn lao tù” mà ở đó có sự thóa mạ, bị bỏ đói, đánh đập...
Che giấu sự thật
Ngày 11.4, thông tin từ Cục QLLĐNN viết: 40 LĐ đã về tới sân bay Nội Bài... Các lao động an toàn, khỏe mạnh và tâm lý ổn định. Cục QLLĐNN khẳng định không có việc số LĐ này bị bỏ đói, đối xử bạo lực như nội dung một số báo, đài nước ngoài. Số LĐ này làm việc hợp pháp tại Malaysia từ tháng 8.2010 với mức lương từ 1.200 - 1.500RM/tháng tương đương với 8 - 10 triệu đồng/tháng... Trước khi mất việc làm vào cuối tháng 2.2012, số LĐ này đã gửi tiền lương về nhà trung bình 90 triệu đồng/người.
Các nữ lao động Việt Nam bị bắt giam ở Penang (ảnh đăng trên báo chí ở Malaysia). |
Như vậy là cho đến ngày 11.4, ngay cả khi những NLĐ đã về nước và trần tình với Báo Lao Động về những khổ ải đã phải chịu đựng thì Cục QLLĐNN vẫn cố tình thông tin sai lệch. Chưa hết, anh Hoàng Ngọc Hà - một LĐ tại Malaysia vừa trở về - nói: “Tôi đi từ tháng 10.2010 mà mới gửi về được 35 triệu đồng, trong lúc đó khi ra đi đã phải vay đến 30 triệu... Thế là mình đi làm công không, lại bị tủi nhục nữa”. Hay như chị Khanh cho biết: “20 tháng ra đi, làm việc quần quật, có ngày làm mười mấy tiếng nhưng cũng chỉ tích lũy được 80 triệu đồng”. Tất cả số LĐ này đều buộc phải về nước trước thời hạn. Quyền lợi của số NLĐ này đã và đang tiếp tục bị xâm phạm nghiêm trọng. Câu hỏi lớn đặt ra là: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm và đền bù?
Vì sao bưng bít thông tin?
Đến lúc này, đã quá rõ việc các cơ quan quản lý lao động VN và Cty Việt Hà cố tình bưng bít thông tin về số phận những lao động bị mắc kẹt tại Malaysia thời gian qua. Trong thời gian tác nghiệp ở Kuala Lumpur và Penang, PV Lao Động chưa lần nào được sứ quán VN cũng như BQL lao động hỗ trợ. Họ đã có nhiều lý do để giải thích. Thậm chí ông Trưởng BQL lao động VN tại Malaysia Nguyễn Tiến San còn từ chối thẳng thừng.
Họ bưng bít thông tin với PV Báo Lao Động bởi PV Báo Lao Động đã không chấp nhận một nửa sự thật được nói ra từ các cơ quan này. Bởi bên trong, còn nhiều sự thật bị che giấu, hoặc bị nói sai lệch. Chỉ đến khi PV gặp được người lao động mới lần ra thêm được những sự thật đau lòng và quá nhức nhối. Họ bưng bít thông tin chỉ vì e sợ sự thật càng bị phơi bày thì họ càng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn khi để cho những nữ lao động VN từ là nạn nhân bị xem là những kẻ phạm pháp và bị giam giữ.
Có hay không việc giam giữ? Ông Đào Công Hải - Cục phó Cục QLLĐNN: “Điều kiện ăn ở rất tốt. Nếu bảo là tạm giữ là không đúng”. Tuy nhiên ông Nguyễn Tiến San - Trưởng BQLLĐ và chuyên gia VN tại Malaysia lại nói: “Nếu phía bạn mà đưa vụ việc ra tòa xử về tội buôn người thì LĐ người Việt mình (bấy giờ đang bị tạm giữ) phải ở lại trong tình trạng khổ sở nơi giam giữ vài năm nữa". NLĐ có bị đánh đập? Trong khi ông Lê Văn Thanh - Cục phó Cục QLLĐNN khẳng định: “Không có việc LĐ bị đối xử bạo lực” thì ông Nguyễn Hồng Thao - Đại sứ Việt Nam tại Malaysia lại cho rằng: “Chuyện chị em ở trong trại bị đánh đập là chuyện bình thường” đúng như phản ánh của người lao động. NLĐ gửi về bao nhiêu tiền? Cục QLLĐNN: “Trước khi mất việc làm vào cuối tháng 2.2012, số LĐ này đã gửi tiền lương về nhà trung bình 90 triệu đồng/người”. LĐ Hoàng Ngọc Hà: “Tôi đi từ tháng 10.2010 mà mới gửi về được 35 triệu đồng, trong lúc đó khi ra đi đã phải vay đến 30 triệu”. LĐ Nguyễn Thị Khanh: “20 tháng ra đi, làm việc quần quật, có ngày làm mười mấy tiếng nhưng cũng chỉ tích lũy được 80 triệu đồng”.Theo Báo lao động |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn