Từ bỏ giấc mơ tiến sĩ về quê trồng rau sạch

Thứ tư - 02/05/2018 17:42
Có một gia đình nhỏ ấm cúng cùng một công việc ổn định với nhiều cơ hội thăng tiến ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ là mơ ước của rất nhiều người. Thế nhưng, anh Lê Đình Quả và vợ là chị Lê Thị Thanh Thủy lại quyết định từ bỏ tất cả để trở về quê ở xã Hoà Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hiện thực hóa đam mê trồng rau sạch. Giờ đây, vườn rau sạch của anh đã có nhiều khách hàng biết đến, mô hình trồng rau của anh trở nên được ưa chuộng.

Đôi vợ chồng thạc sỹ, kỹ sư về quê trồng rau sạch

Đam mê rau sạch

Về xã Hòa Trạch hỏi thăm gia đình anh Quả, chị Thủy dường như ai cũng biết. Bởi với nhiều người dân nơi đây họ nổi tiếng là cặp vợ chồng “điên”. Họ vốn có một cuộc sống tốt đẹp, một công việc ổn định cùng căn nhà nhỏ ngay tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) và 2 đứa con ngoan hiền, học giỏi. Không những vậy, anh Quả còn được Dự án ACIAR Việt Nam cấp học bổng học tiến sĩ tại Australia khi bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tại Học viện Nông nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, họ đã bỏ lại sau lưng cuộc sống mà bao nhiêu người mơ ước để thực hiện ước mơ sở hữu một trang trại rau sạch ngay tại quê nhà.

Anh Quả kể, trong một lần ghé thăm quê nhận thấy phần lớn người dân trồng rau trên địa bàn vẫn phun thuốc, bón phân theo kiểu truyền thống. Điều đó sẽ khiến sản phẩm của người dân làm ra khó thâm nhập với thị trường ngày càng khó tính, yêu cầu cao về rau sạch, không những vậy còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguồn rau sạch, đảm bảo chất lượng tại các vùng quê rất khan hiếm, vẫn chưa có người đi đầu trong lĩnh vực này.

“Khi thấy tiềm năng nhu cầu thị trường rau sạch đang ngày càng tăng cao và tình trạng thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, tôi đã nảy ra ý định về quê xây dựng nông trại rau sạch cung cấp cho người dân. Dự định đó cứ ấp ủ, lảng vảng trong đầu tôi mãi suốt từ chuyến về quê cho đến lúc quay trở về Quy Nhơn” – anh Quả chia sẻ.

“Khi vợ chồng tôi có quyết định bỏ việc về quê để trồng rau sạch thì gia đình và bạn bè ra sức can ngăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết đến cùng để thực hiện niềm đam mê trồng rau sạch được ấp ủ từ lâu nay” – anh Quả cho hay.

Ngồi bên cạnh chồng, chị Thủy tâm sự: “Lúc anh ấy tâm sự sẽ bỏ việc về quê trồng rau, tôi thực sự rất sốc và bất ngờ. Bởi công việc lúc đó của hai vợ chồng đã ổn định và khá thuận lợi, cũng có nhà cửa đàng hoàng, ấy vậy mà anh lại có quyết định táo bạo đến như vậy. Nhưng phận là người phụ nữ, chồng đã quyết thì mình theo thôi. Sau đó, tôi cũng thu xếp công việc của mình, cùng anh tìm tài liệu để trở về quê, thực hiện giấc mơ vườn rau sạch nơi miền gió Lào, cát trắng này”.

Mô hình rau sạch trong nhà kính của đôi vợ chồng trẻ

Bất chấp khó khăn

Nói là làm, khoảng đầu năm 2016, vợ chồng anh Quả đã viết đơn xin nghỉ việc, bán nhà ở Quy Nhơn, về quê mua 2,5 ha đất ở xã Hòa Trạch để tiến hành xây dựng mô hình trồng rau sạch trong mơ. Tuy nhiên, khó khăn cũng bắt đầu từ đây. Bao năm qua, hai vợ chồng vốn quen với những công việc nhẹ nhàng ở thành thị, nay phải lao động chân tay như một người nông dân thực thụ. Những ngày đầu, họ phải dùng tay nhổ hết cỏ và cây dại ở khu đất mới để khai hoang khiến đôi tay bị chai sần, thậm chí đôi khi còn rướm máu. Anh thương vợ, anh tự trách bản thân đã khiến chị phải chịu nhiều khổ cực. Chị biết điều đó nên luôn động viên chồng, làm hậu phương vững chắc để anh hiện thực hóa ước mơ, cùng nhau bước tiếp trên con đường đã chọn nhiều lắm chông gai ấy.

Khi công việc vẫn chưa đâu vào đâu, vốn liếng của hai vợ chồng đã cạn dần. Anh nghĩ, đã đâm lao phải theo lao nên quyết định vay mượn ngân hàng 1 tỷ đồng để đầu tư vườn cây, cải tạo đất, sắm trang thiết bị máy móc, mua vật tư phân bón….

 “Những ngày đầu, chúng tôi vừa phải thuê máy làm đất giải phóng mặt bằng, vừa phải dựng một căn nhà nhỏ để ở khiến vốn liếng cạn dần. Suốt thời gian đó, hai vợ chồng làm việc cả ngày lẫn đêm, nhiều khi mệt quá cầm bát cơm ăn mà rưng rưng nước mắt” – chị Thủy chia sẻ.

Dù bản thân đã có nhiều kiến thức về trồng nông sản cùng nhiều năm làm việc tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, thế nhưng ban đầu khi mới bắt tay vào làm, vợ chồng anh Quả vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thử nghiệm trồng các loại rau. Một phần do chưa quen với khí hậu, phần khác vì anh chị chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, thu nhập từ lứa rau đầu tiên cũng chỉ đủ để trả tiền giống và nuôi gia đình qua ngày.

Không nản chí, anh lên mạng tìm đọc về kỹ thuật trồng rau và khí hậu vùng quê cát trắng Quảng Bình, từ đó từng bước đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng dần diện tích trại rau sạch. Sau hơn 1 năm, cuối cùng ông trời cũng không phụ lòng người, anh đã biến ước mơ của mình thành hiện thực khi phủ xanh vùng đất sỏi đá với hơn 3ha rau sạch.

Sạch “từ A đến Z”

Bắt đầu thực hiện kế hoạch, anh chị đã tốn nhiều thời gian trong việc chọn mua đất để trồng rau. Bởi lẽ, để trồng được rau sạch cần phải có mảnh đất đã lâu năm không sử dụng đến phân hóa học. Không những vậy, anh còn bỏ ra 20 triệu đồng đào một ao nước lớn nhằm tận dụng nguồn nước ngầm cho hệ thống tưới tiêu, đảm bảo được nguồn nước sạch, an toàn. Trong quá trình trồng, anh chị tuyệt đối không dùng phân bón hóa học, chỉ sử dụng nguồn phân chuồng có ngay tại địa phương và đặt mua bánh dầu đậu phộng để làm đạm thực vật. Ngoài ra, anh cũng tìm hiểu nhiều phương pháp sinh học nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại cho rau như: ớt và tỏi ngâm rượu; trồng cây dẫn dụ sâu bệnh hay nghiên cứu độ che phủ như thế nào có hiệu quả nhất…để vừa tăng năng suất vừa đảm bảo an toàn.

Không những vậy, đôi vợ chồng trẻ còn đi khắp nơi thu thập những giống rau tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Quảng Bình để trồng thử nghiệm. Đến nay, vườn rau của vợ chồng anh đã trồng đầy đủ các loại rau, củ như: rau muống, rau đay, rau mồng tơi, mướp đắng, dưa chuột, rau cải… đáp ứng một phần nhu cầu rau sạch trên địa bàn.

Tất cả sản phẩm đều được bảo đảm sạch từ khâu làm đất, chọn giống cho đến khâu chăm bón, đưa đi tiêu thụ nên rất được người dùng tin tưởng và ưa chuộng. Ngoài việc cung cấp rau sạch cho các trường học, người dân trên địa bàn thì trang trại của anh chị còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nói về dự định trong tương lai, anh Quả cho biết: “Tôi dự định sẽ mở thêm nhiều cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Bên cạnh đó, khi có được nguồn vốn ổn định, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng thị trường rau sạch ra các tỉnh lân cận như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa – Thiên Huế… Mong ước của tôi là sẽ tạo ra một nguồn cung cấp thực phẩm sạch, phong phú, dồi dào, đem lại sự an toàn cho người tiêu dùng”.

Sản phẩm rau sạch mang thương hiệu An Nông của đôi vợ chồng trẻ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VIETGAP. Ước mơ tưởng chừng như “điên rồ”, “ngu ngốc” ngày nào giờ đây đã được hưởng thành quả. Hi vọng trong thời gian tới, mô hình trồng rau sạch như anh Quả, chị Thủy sẽ được nhân rộng ra nhiều nơi hơn để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng nguồn rau an toàn, đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình.


Theo Moitruong.net.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây