8 dự án BOT cao tốc Bắc-Nam: Người dân có lựa chọn?

Thứ tư - 02/05/2018 17:41
Nếu không đi đường cao tốc, người dân có thể chọn lựa đi con đường hiện nay đã có và vẫn phải trả phí cho các BOT trên tuyến đường này.

Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố danh mục 8 dự án xây dựng tuyến cao tốc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Các dự án gồm: 4 dự án nối từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) - Nghi Sơn (Thanh Hóa); Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An); Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh). 

Bốn dự án nối từ Khánh Hòa đến Đồng Nai gồm: Nha Trang (Khánh Hòa) - Cam Lâm (Khánh Hòa); Cam Lâm (Khánh Hòa) - Vĩnh Hảo (Bình Thuận); Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận) - Đồng Nai.

Tổng mức đầu tư cho 8 dự án trên dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước 40.362 tỷ đồng).

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia khẳng định, cao tốc Bắc-Nam không trùng với tuyến quốc lộ 1 cũ. Nếu người dân không muốn đi đường cao tốc thì có thể đi tuyến Quốc lộ 1.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trên tuyến Quốc lộ 1 hiện nay, nếu vẫn hiện hữu các trạm thu phí BOT thì người dân vẫn phải trả khi đi.

Trạm thu phí Sông Phan của dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai. Ảnh: Báo Đầu tư

"Quốc lộ 1 dài hơn 1.000km, tập trung khoảng 40 trạm BOT. Những đoạn ngắn không có trạm nhưng phần lớn là có trạm. Khi đường cao tốc Bắc-Nam vận hành, nếu người dân không đi mà chọn Quốc lộ 1 cũ thì vẫn phải trả phí nếu có dự án BOT còn hiệu lực, thường là còn mươi mười lăm năm nữa. Những dự án đó họ vẫn thu bình thường chứ Nhà nước không có tiền để mua lại", ông Thanh cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: người dân vẫn có lựa chọn, dods là chọn giữa việc mất phí thấp hơn, đi đường xấu hơn với việc mất phí cao hơn và đi đường nhanh hơn.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cũng khẳng định, sau những bài học đau xót của các dự án BOT trước đây, cao tốc Bắc-Nam chắc chắn là đường riêng, không trùng với Quốc lộ 1 cũ. Người dân có thể lưu thông bằng Quốc lộ 1 cũ hoặc muốn vào đường cao tốc thì sẽ có đường nối vào đường cao tốc. Do đó, không cần phải lo ngại cao tốc Bắc-Nam sẽ biến thành con đường độc đạo khiến người dân không còn lựa chọn nào khác. Nhà nước vẫn đảm bảo sự lựa chọn cho người dân: lựa chọn đi đường cao tốc với đường thường, đi cao tốc thì trả phí cao hơn.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên cũng khẳng định, trên tuyến Quốc lộ 1 cũ hiện nay vẫn còn hàng chục trạm BOT theo hợp đồng kinh tế giữa nhà đầu tư với Bộ GTVT với thời gian thu phí mấy chục năm để nhà đầu tư hoàn vốn và chúng sẽ vẫn được duy trì.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội dẫn tuyến Phan Thiết (Bình Thuận)-Đồng Nai làm ví dụ. Dù làm BOT đoạn cao tốc này nhưng trên Quốc lộ 1 cũ, tuyến này vẫn có trạm BOT .

"Kiểu gì người dân cũng phải nộp phí, chẳng có cách nào cả vì đó là lịch sử để lại. Không trả phí bên này thì trả phí bên kia, nhưng trả phí bên cao tốc thì tốc độ cao hơn, đường tốt hơn. Nếu không chấp nhận thì đi máy bay hay loại hình khác".

Trở lại với 8 dự án BOT cao tốc Bắc-Nam, cả hai vị chuyên gia đều nhấn mạnh, để tránh lặp lại những sai lầm của các dự án BOT trước đây, điều quan trọng nhất là phải đấu thầu công khai, minh bạch, mọi cơ quan và người dân đều được tham gia giám sát.

Giải trình trước Quốc hội ngày 14/11 về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, 8 dự án BOT đã được Bộ rút kinh nghiệm bằng cách đấu thầu toàn bộ các dự án BOT, nếu đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần 2, lần 3 để phát huy ưu thế của việc đấu thầu đó là có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc thực hiện dự án BOT.

''Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân; tìm kiếm và chọn lựa được nhà đầu tư BOT có năng lực, uy tín, đảm bảo khả năng về vốn để đảm bảo tiến trình và chất lượng của dự án'', Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng cam kết, các dự án sau khi đưa vào khai thác sẽ không tạo ra các điểm bức xúc cho người dân thông qua việc chỉ làm đường mới và tổ chức thu phí. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường cao tốc, còn không có thể đi đường cũ hiện nay.

Thành Luân


Theo Báo Đất Việt

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây