Bộ Tài chính: "Chúng ta sẵn sàng xóa sổ các thương hiệu gian dối như Khải Silk"

Thứ tư - 02/05/2018 17:39
Theo bộ Tài chính, thương hiệu doanh nghiệp sau thoái vốn sống được hay không đã có tính toán cụ thể, với những thương hiệu gian dối như Khải Silk sẽ mạnh tay xử lý.

Theo đại diện bộ Tài chính, bước sang năm 2018 sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn ở những doanh nghiệp lớn như Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng công ty điện lực dầu khí (PVoil), các công ty của Tập đoàn Cao su…

“Trong danh mục thoái vốn năm vừa rồi, chúng ta mới thực hiện được với Sabeco, còn Habeco và các doanh nghiệp nằm trong danh mục của SCIC sẽ thực hiện thoái vốn nốt. Sabeco còn 36% cổ phần, nếu thuận lợi chúng ta sẽ thoái vốn tiếp.

Trong năm 2018, để có thể tạo ra những dấu ấn đặc biệt, chúng ta sẽ thực hiện phân bổ đều trong cả năm chứ không phải một thời điểm tập trung như năm vừa qua, dẫn đến tình trạng no dồn đói góp, thị trường nóng bất thường”, đại diện bộ Tài chính cho biết.

Trước những lo ngại về sự tồn tại của thương hiệu Việt sau khi thoái vốn cho doanh nghiệp nước ngoài, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp chia sẻ: “Khi một nền kinh tế hội nhập, quan trọng nhất là luật pháp đưa ra cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước được hài hòa, tạo sự phát triển bền vững, sản phẩm chất lượng cao. Chúng ta sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư đem lại lợi ích cho người dân Việt Nam, tạo nên những giá trị phát triển bền vững. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẵn sàng xử lý, xóa sổ những thương hiệu gian dối, ô uế như Khải Silk”.

Bộ Tài chính: Sẵn sàng mạnh tay loại bỏ các thương hiệu gian dối, ô uế như Khải Silk.

Theo đại diện bộ Tài chính, thương hiệu có mất hay không quan trọng nhất là khi ký kết hợp đồng chúng ta phải có những điều kiện cam kết. Nếu thương hiệu của chúng ta tốt thì có sức ảnh hưởng lớn, còn không tốt thì việc giữ lại cũng không có ý nghĩa.

Cũng tại cuộc họp báo chuyên đề bộ Tài chính cuối cùng của năm 2017, vấn đề thương hiệu các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, trong đó có thương hiệu của xưởng phim truyện Việt Nam lại một lần nữa được đặt ra. Theo đại diện bộ Tài chính, ngay từ đầu năm 2017, Bộ cũng đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về vấn đề này.

Đã có rất nhiều quan điểm được đưa ra. Theo đó, tên thương hiệu phải gắn liền với sản xuất kinh doanh, muốn định giá phải có cơ sở pháp lý. Tên thương hiệu phải được công nhận bởi cục Sở hữu trí tuệ và phải có phương pháp định giá cụ thể, tối thiểu là 2 phương pháp. Nếu thực hiện định giá sai, có thể rút giấy phép của những cán bộ tư vấn và xử lý các cá nhân, đơn vị có liên quan.

“Qua các đợt thoái vốn vừa rồi chúng ta cũng thấy được sự quan tâm của người dân đến việc bán một thương hiệu lớn cho đại gia nước ngoài liệu có giữ được thương hiệu Việt Nam không. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thương hiệu đó phải sống.

Còn nếu thương hiệu không đem lại giá trị gì thì cũng khó. Khi thoái vốn Sabeco, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ngành để có những biện pháp làm sao đảm bảo thương hiệu bia Sài Gòn vẫn còn tồn tại”, ông Tiến cho biết thêm.


Theo Người đưa tin


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây