Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 52 xã đạt chuẩn NTM; 2 xã cơ bản đạt chuẩn; 14 xã từ 13 - 18 tiêu chí; 138 xã đạt 9 - 12 tiêu chí và 25 xã dưới 9 tiêu chí.
Quan điểm chỉ đạo của Hà Tĩnh từ những ngày đầu thực hiện Chương trình đến nay vẫn luôn xác định, NTM phải trở thành cuộc cách mạng rộng khắp, đi vào chiều sâu, không chạy theo thành tích nhằm đảm bảo tính bền vững, thiết thực.
Trong nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh vẫn thường nhấn mạnh Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung cao cho xây dựng NTM, từ nhân lực đến vật lực.
Tuy xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố trọng tâm nhưng không vì thế mà bỏ qua các tiêu chí văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường. Đây đều là những tiêu chí không đòi hỏi nhiều nguồn lực do đó, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đảm bảo đạt chuẩn ở mức cao nhất.
Đối với các tiêu chí liên quan đến hạ tầng, xây dựng cơ bản, phải lựa chọn sát sao những công trình thiết yếu để làm, những hạng mục chưa thực sự cần thiết hoặc đòi hỏi quá nhiều nguồn lực thì dành tiền để thực hiện các tiêu chí khác trước.
“Trong số 52 xã đạt chuẩn NTM rất nhiều xã không còn nợ đồng nào, có những xã nợ một ít nhưng qua khảo sát, đánh giá của chúng tôi cơ bản trên địa bàn không có nợ đọng. Tất nhiên, huy động hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thực hiện 19 tiêu chí các xã cũng rất vất vả.
Nhưng có một điều chắc chắn địa phương nào cũng phải nhất nhất triển khai theo tinh thần quán triệt của Ban chỉ đạo tỉnh là không để nợ đọng, nợ mất khả năng thanh toán hay nói đúng hơn là nợ trái quy định”, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh nhấn mạnh.
Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, ngoài việc đầu tư cho phát triển hạ tầng, xây dựng NTM phải thực hiện song song các tiêu chí về sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường. |
Cũng phải hiểu rằng, cụm từ nợ đọng, nợ mất khả năng thanh toán hay nợ trái quy định là không giống nhau. Trong quy định của Chính phủ, Ban chỉ đạo tỉnh không được công nhận đạt chuẩn đối với những xã để xảy ra nợ trái quy định, nợ những khoản không chính đáng.
Chính vì vậy, để tránh huy động quá sức dân hoặc để mất cân đối nguồn lực, sử dụng nguồn lực tùy tiện, nợ mất khả năng thanh toán, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền theo chuyên đề chuyên sâu, nhất là tuyên truyền nâng cao hơn ý thức tự giác, tự chủ của người dân, để người dân là chủ thể, chủ động trong việc thực hiện các tiêu chí.
Đặc biệt, quá trình huy động nguồn lực tuyệt đối không thu của hộ nghèo, gia đình chính sách. Tất nhiên, ở những địa phương chính quyền và người dân có sự đồng thuận cao, bà con tự giác tham gia đóng góp ngày công, nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thì tỉnh khuyến khích bằng chính sách kích cầu hỗ trợ xi măng.
Đối với các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ người dân thông qua các chính sách cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, tránh tình trạng nhà nhà vay tiền, người người vay tiền để phát triển sản xuất, sau không biết cách hạch toán lại để mất cả vốn lẫn lời.
Ông Trần Huy Oánh cho hay, từ trước đến nay Hà Tĩnh không đặt nặng chỉ tiêu xã đạt chuẩn. Như năm 2016 này, tỉnh đặt mục tiêu có 20 xã đạt chuẩn NTM nhưng trên thực tế số xã đăng ký và có khả năng về đích lớn hơn con số trên rất nhiều.
Yếu tố then chốt và đáng quan tâm nhất là tiêu chí đạt chuẩn phải đảm bảo tính bền vững. Dù đã được công nhận đạt chuẩn nhưng đảng bộ, nhân dân xã đó vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí thông qua phần mềm chấm điểm đánh giá thực hiện 19 tiêu chí.
Đạt chuẩn rồi nhưng nếu các tiêu chí tiếp tục được nâng cao thì vẫn có tiền thưởng, đây chính là điểm khác biệt của Hà Tĩnh so với các địa phương khácNguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn