Kinh tế thế giới suy thoái đã và đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, kéo theo nhiều khó khăn đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hà Tĩnh cũng không tránh khỏi vòng ảnh hưởng này. Đó là bức tranh chung chưa biết lúc nào sáng sủa, tươi mới hơn. Nhưng nhìn riêng về bức tranh KTĐN những năm gần đây cho thấy “màu sáng” của nó vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Thành phố Hà Tĩnh trên con đường hội nhập và phát triển |
KTĐN đã và đang trở thành nhân tố tích cực góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, làm cho toàn bộ nền kinh tế năng động hơn. Đối với Hà Tĩnh, con số 7.148 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ODA (vốn vay và viện trợ) thu hút trong 5 năm qua là một minh chứng sinh động.
Theo thẩm định của các ngành chức năng thì phần lớn ODA đã được giải ngân. Với chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hoá, đa dạng hoá, chỉ tính trong 3 năm nay, Hà Tĩnh còn vận động được hơn 171 tỷ đồng thuộc 56 chương trình, dự án từ các tổ chức NGO (phi Chính phủ). Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, cải thiện môi trường, nông nghiệp nông thôn… Trong lúc khó khăn mà “kiếm” được từng ấy tiền để “gom góp dựng cơ đồ” bằng những công trình, dự án có địa chỉ cụ thể, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội thật có ý nghĩa. Đáng chú ý là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Tĩnh đang đứng thứ 6 trong cả nước.
Tính chung đã có 307 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Tĩnh, với tổng nguồn vốn đạt trên 70.000 tỷ VNĐ và 16 tỷ USD. Các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn chủ yếu tập trung vào Khu kinh tế Vũng Áng.
Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Formosa |
Mặc dù trong điều kiện khó khăn chung nhưng chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay cũng đã có 66 dự án được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 7.900 tỷ VNĐ và 6 triệu USD. Kim ngạch xuất- nhập khẩu tiếp tục tăng. Qua đó cho thấy vai trò to lớn của KTĐN đối với toàn bộ nền kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh hợp tác, hội nhập và phát triển.
Xu hướng quan hệ hợp tác về nông nghiệp- nông thôn, giao thông-vận tải, giáo dục- đào tạo và xuất khẩu lao động được mở rộng. Đây là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đang mở ra nhiều triển vọng mới, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn.
Do có nhiều tiềm năng, lợi thế cơ bản nên quan hệ hợp tác về kinh tế với nước bạn Lào và Vương quốc Thái Lan đã và đang trở thành “những đối tác chiến lược” của Hà Tĩnh.
Trên cơ sở các cuộc làm việc, hội đàm cấp cao, nhiều văn bản hợp tác giữa Hà Tĩnh với các đối tác của Lào và Thái Lan đã được tổ chức ký kết. Từ đó đã tạo một hành lang pháp lý cho các đối tác khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của nhau để mạnh dạn đầu tư, mở rộng SX-KD, thúc đẩy kinh tế, thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Lợi thế và điểm nhấn của Hà Tĩnh trong chiến lược mở rộng hành lang kinh tế đông- tây là quốc lộ 8A và tuyến đường 12 nối cảng Vũng Áng. Những năm qua, hai tuyến đường này đã được khai thác có hiệu quả. Trong tương lai không xa, khi được nâng cấp, mở rộng thì đường 8A và đường 12 tiếp tục sẽ là những xa lộ nhộn nhịp bởi hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch và xuất- nhập khẩu.
Khi các mối quan hệ về kinh tế được mở rộng không chỉ thu hút các đối tác vào làm ăn tại Hà Tĩnh mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh bằng nhiều hình thức liên doanh liên kết đầu tư ra nước ngoài. Qua đó có thêm nhiều bài học kinh nghiệm về thành công và cả thất bại trên thương trường để có chiến lược làm ăn lâu dài. Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnhlà doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Diện mạo, tầm quan trọng và kết quả thì đã rõ. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh hợp tác và phát triển KTĐN vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cả về điều kiện tự nhiên và chính sách, cơ chế cũng như các nguồn lực khác của Hà Tĩnh.
Điều dễ nhận thấy trước hết là hạ tầng giao thông và các dịch vụ đi kèm còn yếu kém. Đội ngũ những người làm công tác đối ngoại và năng lực quản lý của một số ban quản lý dự án ( liên quan trực tiếp đến hoạt động KTĐN) còn có những hạn chế nhất định. Thủ tục hành chính đã được cải thiện nhưng vẫn còn rườm rà, bất cập. Tính khả thi của công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển KTĐN lâu dài chưa cao.
Những hạn chế, tồn tại này cùng với các nguyên nhân khác đã tích tụ thành “lực cản” lớn trong quá trình hội nhập và phát triển nói chung, hoạt động KTĐN nói riêng.
Từ thực tế này, Đề án “Tăng cường hợp tác và phát triển kinh tế đối ngoại giai đoạn 2012- 2015 và những năm tiếp theo” đã được thông qua tại kỳ họp thường kỳ của UBND tỉnh mới đây có ý nghĩa rất cần thiết.
Chủ tịch UBND Tỉnh Võ Kim Cự cho rằng, đây là Đề án có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Theo đó, Đề án đã đưa ra 5 nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp và các chỉ tiêu cụ thể. Mục tiêu là nhằm tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, tranh thủ thu hút nguồn vốn đầu tư và các nguồn lực khác bằng nhiều hình thức để thúc đẩy KT- XH Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Đề án coi trọng tăng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm… Yêu cầu thực tế đặt ra thì đã rõ. Vấn đề quan trọng là có giải pháp đồng bộ và chủ động hơn trong thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế.
Sông cụt - một trong những công trình trọng điểm của Thành phố HT được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn dự án ADB về cải thiện đô thị miền trung |
Muốn vậy, môi trường đầu tư phải được cải thiện, hạ tầng kinh tế xã hội phải được tăng cường. Cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính phải được đổi mới. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác đối ngoại nói chung, trong lĩnh vực KTĐN nói riêng phải năng động, sáng tạo, linh hoạt và nhịp nhàng hơn.
Hay nói cách khác là nguồn nhân lực phục vụ công tác đối ngoại (bao gồm cả KTĐN) phải thích ứng nhanh với điều kiện cụ thể trong từng lĩnh vực, giai đoạn theo chính sách chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư hợp lý cho việc nghiên cứu thị trường, giải pháp thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời hướng các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh thắt chặt, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, hoạt động KTĐN cần mở rộng đối tác, nhất là các lĩnh vực mà Hà Tĩnh có thế mạnh.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ( PCI) của Hà Tĩnh từ thứ 37 ( 2010) đã nhảy vọt lên vị trí thứ 7 (2011) thuộc tốp đầu của cả nước. Thực tế này là một trong những minh chứng khẳng định tầm nhìn chiến lược, bước đi và vị thế của Hà Tĩnh trong xu thế hội nhập, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để cùng nhau phát triển. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy KTĐN của Hà Tĩnh hoà nhịp trong sân chơi đầy khó khăn, thử thách những cũng không kém phần hấp dẫn.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn