Những tỷ phú USD của Việt Nam đã và sẽ làm gì cho nông dân?

Thứ tư - 02/05/2018 07:31
Cả 4 tỷ phú USD của Việt Nam vừa được Forbes xướng tên đều có điểm chung là đang đầu tư một cách khá bài bản vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc hướng đến đối tượng nông dân một cách rất rõ ràng, có chủ đích.

 

Những tỷ phú USD làm được gì cho nông dân? (Ảnh: IT)

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách các tỷ phú USD. Trong danh sách đã có thêm 2 đại diện mới của Việt Nam. Việc lọt vào danh sách này thì tài sản của các tỷ phú đã có thể ăn tới đời con cháu chưa hết nhưng có người đặt câu hỏi họ làm được gì cho nông dân, cho đất nước?

Tỷ phú được Tạp chí Forbes nhắc tên đầu tiên phải kể tới ông Phạm Nhật Vượng và cũng chính ông là người được Forbes đưa ra công bố có số tài sản lớn nhất, tăng mạnh nhất lên hơn 5 tỷ USD, lọt vào tốp 500 tỷ phú giàu nhất hành tinh.

Tính đến hiện tại, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã có gần chục thương hiệu ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, bất động sản nghỉ dưỡng, thương mại và mới nhất là sản xuất ô tô.

Chia sẻ với báo chí về cảm xúc khi lọt vào tốp 500 tỷ phú giàu nhất thế giới, ông Phạm Nhật Vượng cho biết: “Tôi không quan tâm đến chuyện đó. Cứ cái gì tốt cho xã hội, tốt cho nhiều người và chúng tôi thấy mình có đủ năng lực thì chúng tôi sẽ làm”.

 

4 tỷ phú USD của Việt Nam được Forbes xướng danh đầu năm 2018.

Theo ông Phạm Nhật Vượng, quan tâm của ông là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình.

“Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”, ông Vượng chia sẻ.

Thực tế, tới thời điểm hiện tại hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực kinh doanh của ông Vượng như y tế, giáo dục, bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng… không chỉ đem lại cho ông lợi nhuận mà chất lượng và uy tín của nó đều được người tiêu dùng, người dân đánh giá cao.

Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện tại cũng đang tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, trong đó có cả những nông dân đã tham gia vào chuỗi sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã góp phần làm tăng năng suất lao động, tạo công ăn việc làm và trả công cao cho gần 5 vạn lao động. Điều này có ý nghĩa xã hội rất lớn. Với hệ sinh thái và chuỗi giá trị lớn của mình, Tập đoàn này chắc chắn là sẽ gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục ngàn người khác.

Thực tế cho thấy, chỉ riêng lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã và đang làm thay đổi hoàn toàn mô hình làm nông nghiệp cho nông dân. Tham gia vào chuỗi sản xuất này, hàng nghìn hộ nông dân có cơ hội được hỗ trợ đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định. Ông Vượng cũng giúp cho người tiêu dùng yên tâm hơn khi trực tiếp sản xuất và liên kết với nông dân sản xuất nông sản sạch để tiêu thụ trong chính hệ thống siêu thị của mình. 

Và nói đi đôi với làm, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cho chuyển Vinschool từ mô hình Phi lợi nhuận sang Không lợi nhuận. Theo đó, mức học phí chuẩn (áp dụng cho học sinh mới) từ năm 2018-2019 được xây dựng trên cơ sở lấy tổng chi phí dự kiến chia cho tổng số học sinh dự kiến cho từng năm học, tức là không có lợi nhuận.

Còn với tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, tuy có vài lần “ồn ào” về bikini trên máy bay nhưng xét cho cùng, có Vietjet với giá rẻ nhiều người nghèo, trong đó có nông dân mới dám đi máy bay thay vì phương tiện ô tô, đi tàu như trước đây. Việc có Vietjet cũng góp phần vào sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực hàng không để các hãng bay khác nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, từ đó đem lại lợi ích cho khách hàng.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, các tỷ phú USD về cơ bản đều là những người có đóng góp cho đất nước nhưng phải là những chủ doanh nghiệp làm ăn chân chính mới bền vững (Ảnh: IT)

Ngoài 2 gương mặt cũ trên danh sách của Forbes, vừa có thêm 2 tỷ phú là ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco.  

Với gương mặt mới của Forbes, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, máy móc nông nghiệp là lĩnh vực mà ông đang  lựa chọn để tiếp cận đối tượng nông dân, nông nghiệp. Cụ thể, sáng 21.2 vừa qua, tại Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai - Trường Hải - tỉnh Quảng Nam, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức Lễ khánh thành nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco.

Theo Thaco, nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp được đầu tư xây dựng từ tháng 1.2017, trên diện tích 12.500m2, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sản phẩm là các loại máy kéo nông nghiệp có công suất từ 18HP – 120HP, máy gặt đập và các thiết bị canh tác phục vụ ngành nông nghiệp được kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng ISO - TS16949. 

Trong giai đoạn đầu, nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp. Nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp THACO được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn LS Mtron – là hãng sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, có thị phần 40% ở Hàn Quốc, đã có nhà máy ở Brasil, Trung Quốc,… và cung cấp máy kéo cho trên 40 quốc gia. 

Thaco cam kết, việc xây dựng nhà máy sản xuất máy nông nghiệp sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam và ngành cơ khí chế tạo; nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang thể hiện vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Vệc xây dựng nhà máy cũng cho phép Thaco làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ sản xuất và nội địa hóa máy nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam.

 

Một mẫu máy nông nghiệp do Thaco chế tạo thành công. (Ảnh: Thaco)

Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát của ông chủ Trần Đình Long từ lâu cũng đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với việc đầu tư vào thị trường thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi cũng như các sản phẩm từ gia cầm, gia súc.

Theo báo cáo từ Hòa Phát, trong năm 2018, tập đoàn sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, gia tăng sản lượng bò Úc. Quý 1.2018, lứa heo 3 máu thương phẩm đầu tiên sẽ ra mắt thị trường, đồng thời sẽ chính thức cung cấp heo giống cho thị trường Việt Nam. Mục tiêu của Hòa Phát trong 5 năm tới là bán 300 triệu quả trứng gà mỗi năm, 75 nghìn con bò thịt, 650 nghìn lợn thương phẩm và 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đã lọt vào tốp những tỷ phú USD của thế giới thì chắc chắn các tỷ phú của Việt Nam là những người tài giỏi. “Tôi hoan nghênh và ghi nhận những nỗ lực của các tỷ phú trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nỗ lực của họ đang đóng góp cho xã hội và cống hiến cho đất nước”, ông Doanh nhấn mạnh.

Nếu như trước đây người ta thường hay đố kỵ với người giàu thì bây giờ cũng cần phải có cách nhìn khác. Người giàu mà làm ăn chân chính và tiếp tục làm giàu để cống hiến cho xã hội, giúp đỡ được thêm nhiều người nghèo thì cần được tôn vinh.

Chuyên gia kinh tế TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, tỷ phú cũng phải là người làm ăn chân chính, không kinh doanh kiểu “bất chấp thủ đoạn”, thì mới thực sự là những tấm gương cho các thế hệ trẻ học tập theo.

Theo Dân Việt

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây