Tuy nhiên vẫn có một vài nhà cung cấp rao bán giá “thịt bò” nhập khẩu với giá rẻ trên dưới 70.000 đồng chỉ bằng 1/3 , ¼ giá thịt bò tươi được bày bán trên thị trường.
Rẻ không ngờ
Một nhà cung cấp thịt nhập khẩu có địa chỉ tại đường Nguyễn Thị Tú, Q. Bình Tân, TP.HCM rao bán công khai trên trang mạng của mình giá thịt nhập khẩu giá rẻ chuyên phục vụ nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp, đóng hàng đi tỉnh.
Thông tin về sản phẩm cũng được nhà cung cấp này đưa ra khá lập lờ “Giá thịt Ấn Độ, Bò Úc với giá rẻ bất ngờ. Như thịt nạm (làm bò kho, phở nạm ,bún bò huế...) chỉ 86.500 đồng/kg; thịt nạm gầu, sườn, cổ được giới thiệu sử dụng làm phở nạm, bún bò Huế với giá chỉ từ 90.000-95.000 đồng/kg.
Rẻ nhất là thịt nạm vụn làm bò kho, bò viên chỉ 68.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt nạm bò Úc được bán tại các siêu thị có giá lên tới 170-175 ngàn đồng/kg.
Một đơn vị cung cấp khác có địa chỉ tận H.Bình Chánh, TP.HCM cũng rao bán thịt bò Ấn Độ với giá các sản phẩm rẻ bằng 1/3 giá thịt bò trên thị trường. Như sản phẩm nạc đùi của đơn vị này chỉ bán 110.000 đồng/kg, nạc vai chỉ 107.000 đồng/kg trong khi giá loại thịt nạc bò tươi bán trên thị trường có giá rất cao như nạc đùi là 302.000 đồng/kg, nạc vai cũng lên tới 292.000 đồng/kg.
Thịt thăn cũng được nhà cung cấp này chào bán với giá chỉ 117.000-130.000 đồng/kg, trong khi giá thịt thăn tại các siêu thị có giá cao nhất từ 370.000 – 390.000 đồng/kg.
Khảo sát ở các chợ lẻ, các cửa hàng và quán ăn trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy thịt trâu đông lạnh Ấn Độ vắng bóng mà chỉ thấy thịt bò Úc, Mỹ... Ảnh: Quang Huy
Khi chúng tôi đặt mua thì được nhân viên các nhà cung cấp này cho biết sẽ có giá rẻ hơn nữa nếu đặt mua số lượng lớn, giao hàng tận nơi, miễn phí vận chuyển, hàng xem không đạt chất lượng có thể trả lại.
“Các anh cứ yên tâm, thịt được kiểm dịch đàng hoàng, thịt mềm, chất lượng. Chúng em nhập số lượng lớn nên mới có giá rẻ vậy”, nhân viên đơn vị này nói.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi có phải thịt trâu không thì nhân viên nhà cung cấp này lấp liếm cam đoan là thịt bò nhập từ Ấn Độ, nước này không ăn thịt bò nên mới bán giá rẻ.
Thịt trâu Ấn Độ “khoác áo” thịt bò
Thế nhưng anh B. đại diện công ty chuyên nhập khẩu các loại thịt tại Q. Tân Bình, TP.HCM thừa nhận thịt bò Ấn Độ thực chất là thịt trâu do Ấn Độ là nước hồi giáo nên không sử dụng thịt bò. Họ coi trọng con bò, xem bò Ấn Độ là con vật linh thiêng. Thịt trâu nhập khẩu khi đưa về Việt Nam người ta thường gọi là thịt bò Ấn Độ, nhưng 100% là thịt trâu. Về đặc điểm thịt thì không khác nhiều so với thịt bò Việt Nam.
“Công ty chúng tôi bán đúng hàng theo yêu cầu của quý khách. Sở dĩ thịt Trâu mà chúng tôi gọi là thịt bò, vì người Việt quen với tên gọi là thịt bò Ấn. Chúng tôi cung cấp sản phẩm ra thị trường đầy đủ giấy tờ chứng nhận thịt trâu đông lạnh nhập khẩu. Mặt hàng đa dạng về chủng loại”, đại diện công ty này giới thiệu.
Theo anh T., thịt trâu về Việt Nam chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Nếu bán thịt trâu thì nhu cầu tiêu thụ không nhiều, người Việt thường chê thịt trâu, và quan niệm ăn thịt trâu không có lợi cho sức khỏe như thịt bò.
Vì vậy, một số nhà cung cấp bán thịt trâu nhưng “hô biến” giới thiệu là thịt bò Ấn Độ, hoặc thậm chí thịt bò Úc, bò Mỹ để dễ tiêu thụ.
Đến tay tiểu thương, nhà hàng, quán ăn sẽ được bày bán, chế biến với giá thịt bò kiếm lợi nhuận lớn.
Năm 2017, Việt Nam chi gần nửa tỉ USD (gần 10.000 tỉ đồng) nhập khẩu thịt trâu - bò (cả nguyên con về giết mổ và thịt đông lạnh), trong đó có hơn 262.000 con trâu - bò sống cùng 41.400 tấn thịt các loại- Ảnh: Quang Huy
Coi chừng chất lượng “thịt bò giả”
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thanh Bình, cho rằng thịt bò giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg là không thể có vì giá bò hơi đã 75.000-80.000 đồng/kg. Sau khi giết mổ, tỉ lệ thịt chỉ còn 50-55%, vì vậy giá thịt bán ra thị trường sau khi pha lóc cũng phải gấp hai, gấp ba lần.
Theo ông Bình, thịt bò giá rẻ là “thịt bò giả” đó chính là thịt trâu chủ yếu nhập từ Ấn Độ, còn tệ hơn là thịt heo nái được “hô biến” thành thịt bò, các tiểu thương mua thịt trâu, bán giá thịt bò ăn lời chênh lệch rất lớn. Nếu khách hàng không kiểm tra kĩ thì rất dễ nhầm lẫn.
Năm 2017, Việt Nam chi gần nửa tỉ USD (gần 10.000 tỉ đồng) nhập khẩu thịt trâu - bò (cả nguyên con về giết mổ và thịt đông lạnh), trong đó có hơn 262.000 con trâu - bò sống cùng 41.400 tấn thịt các loại. Thế nhưng, khảo sát ở các chợ lẻ, các cửa hàng và quán ăn trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy thịt trâu đông lạnh Ấn Độ vắng bóng.
Ông Bình cho rằng một lượng lớn thịt trâu đông lạnh nhập khẩu, nhất là trâu Ấn Độ đã bị biến thành thịt bò và tung ra thị trường đánh lừa người tiêu dùng khiến NTD mất tiền oan.
Lý do là thịt trâu đông lạnh sau khi chế biến thì màu sắc, mùi vị không khác mấy so với thịt bò nên có thể thay thế thịt bò. “Thậm chí thịt heo nái với màu sắc đỏ đậm cũng được “biến hóa” thành thịt bò với giá rẻ. Nhưng số lượng này cũng không nhiều. Các nhà cung cấp này thường âm thầm bán cho các quán phở, nhà hàng “thịt bò giả” giá rẻ nên sẽ rất khó phát hiện trên thị trường”, ông Bình chia sẻ.
Là đơn vị nhập khẩu nuôi vỗ béo bò Úc, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết không thể có chuyện giá thịt bò tươi bán ra chỉ 70.000-80.000 đồng/kg, vì giá bò Úc nguyên con nhập về đến Việt Nam hiện nay đã có giá trên 70.000 đồng/kg hơi.
Thời gian qua, những đơn vị nuôi vỗ béo bò Úc gặp nhiều khó khăn về đầu ra cũng chính do giá thịt bò đông lạnh ở Việt Nam rẻ bất thường.
Không thể có chuyện giá thịt bò tươi bán ra chỉ 70.000-80.000 đồng/kg, vì giá bò Úc nguyên con nhập về đến Việt Nam hiện nay đã có giá trên 70.000 đồng/kg hơi. Ảnh: Quang Huy
Có thể bị thiêu hủy
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, thịt bò Úc, Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ. Các lô hàng thịt các loại, kể cả thịt bò Mỹ, Úc,... khi nhập khẩu vào Việt Nam, đi đến cửa khẩu phải lưu trữ, lấy mẫu kiểm tra 100%, chứ không kiểm tra theo kiểu hậu kiểm theo quy định về nhãn mã, tên hàng, ngày sản xuất, hạn sử dụng đều phải được thể hiện. Nếu không đạt sẽ bị xử phạt tiền, thứ 2 bắt tái xuất, nếu không tái xuất được phải tiêu hủy.
Với thịt bò Mỹ, hiện Cục Thú y chưa phát hiện có lô hàng nào cận date (hạn sử dụng), hay hết date được nhập vào Việt Nam, vì những lô hàng cận date sẽ bị xử phạt.
Ẩn số tạm nhập tái xuất
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cần kiểm soát chặt các mặt hàng thịt tạm nhập tái xuất vì thực tế vẫn xảy ra tình trạng nhiều mặt hàng tạm nhập vào Việt Nam nhưng có tái xuất hay không hay để lại tiêu thụ trong nước thì không có số liệu rõ ràng. Ngoài ra, trâu bò được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch cũng rất nhiều.
“Chưa bàn đến chuyện thịt trâu được hóa kiếp thành thịt bò nhưng việc những sản phẩm thịt tạm nhập tái xuất, tiểu ngạch không được kiểm dịch, kiểm soát thì chất lượng khó bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Đoán lo ngại.
Cách phân biệt thịt trâu, thịt bò
Bằng mắt thường rất khó nhưng vẫn có những dấu hiệu nhận biết để phân biệt được thịt trâu và thịt bò. Thịt trâu có thớ thịt to hơn bò, mỡ trâu màu trắng trong khi mỡ bò vàng, thịt trâu màu đỏ sậm còn thịt bò đỏ tươi và sáng hơn... Tốt nhất người tiêu dùng nên mua thịt bò ở hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm của các đơn vị uy tín thì mới yên tâm đó là thịt bò, còn ở các chợ lẻ, quán ăn, nhà hàng thì hên, xui.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn