Ai cho phép FCC chặn Quốc lộ 1 để thu phí… đường tránh Phủ Lý?

Thứ tư - 02/05/2018 18:34
Đầu tư xây dựng một đằng, thu phí một nẻo, việc Bộ GT-VT cho phép Cty CP Đầu tư Hạ tầng FCC chặn Quốc lộ 1 để thu phí Nam Cầu Giẽ để hoàn vốn cho Dự án ĐTXD tránh TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đang tiếp tục đẩy người tham gia giao thông lún sâu vào ma trận BOT quanh Thủ đô Hà Nội.
Chính phủ chỉ đạo dỡ bỏ, Bộ và tỉnh xin tái lập

Với tổng mức đầu tư 2.047 tỷ đồng, năm 2013 Bộ GT-VT đã ký hợp đồng BOT với liên danh Cty CP Đầu tư Hạ tầng FCC thực hiện dự án tuyến đường tránh thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Sau gần 2 năm thi công, đến tháng 11/2016 nhà đầu tư đã đưa dự án vào hoạt động và dựng trạm thu phí. Và vấn đề đang khiến người dân thường xuyên tham gia giao thông ở đây băn khoăn, bức xúc là làm đường tránh Phủ Lý nhưng tại sao nhà đầu tư lại đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 - đúng vị trí trạm phía Nam Cầu Giẽ đã được nhà nước dỡ bỏ trước đó. Ai cho phép FCC đặt trạm thu phí đường tránh Phủ Lý trên Quốc lộ 1?

Trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ

Theo tìm hiểu của NNVN, ngày 24/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3591 cho phép Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (Km216+600), Quốc lộ 1, tỉnh Hà Nam để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km215+775 - Km235+885, tỉnh Hà Nam theo hợp đồng BOT.

Theo Quyết định này, các mức thu phí đường bộ đối với các phương tiện khi đi qua Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ như sau: Đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 25 nghìn đồng/vé/lượt, 750 nghìn đồng/vé/tháng và 2,025 triệu đồng/vé/quý; xe 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 40 nghìn đồng/vé/lượt, 1,2 triệu đồng/vé/tháng và 3,24 triệu đồng/vé/quý…

Tuy nhiên, theo phản ánh, đây thực chất là dự án làm đường tránh TP Phủ Lý, khi xây dựng xong tuyến đường này, lẽ ra, chủ đầu tư phải đặt trạm thu phí ở đoạn đường tránh thì họ lại “vác” trạm đặt ngay trên quốc lộ. 1A.

Xin được nhắc lại, vào tháng 4/2013, với mục đích tránh việc phí chồng phí, quá nhiều trạm thu phí trên các nẻo đường đổ về Thủ đô Hà Nội bị người dân phản ứng dữ dội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GT-VT dỡ bỏ trạm thu phí Nam Cầu Giẽ đóng trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Duy Tiên, Hà Nam. Việc dỡ bỏ trạm thu phí Nam Cầu Giẽ cũng trở nên phù hợp hơn khi tuyến cao tốc BOT Cầu Giẽ - Ninh Bình được thông tuyến vào năm 2013. Từ đó, giúp người dân từ các tỉnh phía Nam về Hà Nội có quyền lựa chọn đi đường BOT (mất phí) hoặc Quốc lộ 1 (miễn phí). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngay sau thời điểm Chính phủ yêu cầu dỡ bỏ, UBND tỉnh Hà Nam và Bộ GTVT lại tiếp tục trình xin các cơ quan chức năng liên quan Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ.

Cụ thể, vào ngày 6/8/2014, UBND tỉnh Hà Nam đã có văn bản thống nhất, khôi phục, sử dụng lại vị trí đặt trạm thu phí Nam Cầu Giẽ trước đây. Sau đó, Bộ GTVT cũng trình văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành và Chính phủ đồng thuận với dự án. Trong nhiều văn bản của Bộ GTVT do ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng ký ghi rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Sớm triển khai dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Và với dự án của FCC, khi nhà đầu tư này tổ chức thu phí, con đường miễn phí cuối cùng của người dân từ Hà Nam đi lên Hà Nội trở thành "tuyệt lộ". Người dân thường xuyên tham gia giao thông ở đây băn khoăn, bức xúc là làm đường tránh Phủ Lý nhưng tại sao nhà đầu tư lại đặt trạm thu phí trên QL1 - đúng vị trí trạm phía Nam Cầu Giẽ vừa được nhà nước dỡ bỏ?

Cũng theo tài liệu của NNVN, để “hợp thức hóa” cho việc đặt trạm thu phí này, chủ đầu tư đã xin chủ trương đầu tư rải cấp phối cho phần mặt Quốc lộ 1 với chiều dài 20,1km từ đoạn Km215+775 - Km235+885. Theo một số ý kiến người dân, về bản chất trạm thu phí BOT này cũng không khác gì trạm thu phí BOT ở Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai) và nhiều BOT vô lý khác đang làm nóng dư luận trong thời gian vừa qua.  

Ma trận quanh BOT Nam Cầu Giẽ

Ngoài việc chặn Quốc lộ 1 để thu phí đường tránh, BOT Nam Cầu Giẽ cũng vẽ ra những ma trận xung quanh trạm thu phí khiến người tham gia giao thông “sập bẫy”. Bởi dù được dựng lên với mục đích chính nhằm thu phí tuyến đường tránh TP Phủ Lý, nhưng nếu không phải người thông thuộc địa bàn, khó ai có thể biết tuyến tránh ấy nằm ở đâu, đi như thế nào.

FCC chặn Quốc lộ 1 để thu phí đường tránh TP Phủ Lý

Để làm rõ những thông tin phản ánh, PV NNVN đã thực tế tuyến đường tránh TP Phủ Lý trong hành trình ngang qua địa phương này. Từ đầu cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, đi khoảng 30km, đến nút giao Đại Xuyên rồi rẽ phải, đầu ra sẽ là Quốc lộ 1 cũ, đoạn thuộc địa phận huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Đi tiếp chừng 5km nữa, Trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ được dựng lên ngay trên chính trạm thu phí Bộ GTVT từng dỡ bỏ. Không một phương tiện nào có thể “thoát” nếu muốn qua đây. Mức phí thấp nhất từ 25.000 đồng/lượt dành cho xe ô tô con dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn và cao nhất lên tới 120.000 đồng/lượt cho xe tải trên 18 tấn, xe container 40 feet… 

Dường như, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã nghiên cứu đủ mọi cách để dồn các phương tiện tham gia giao thông vào ma trận bắt buộc qua trạm thu phí của mình.

Phía sau trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ chỉ vài chục mét là một ngã 3 rất lớn. Tuy nhiên, thông tin trên biển chỉ dẫn đặt trước ngã 3 này không cho biết đi thẳng hay rẽ phải sẽ gặp đường tránh. Cụ thể, mũi tên chỉ thẳng thể hiện Phủ Lý còn cách 14km, còn hướng rẽ phải cho biết, còn cách Nhật Tựu 8km.

Tiếp đó, đi chừng 3km nữa là một giao lộ khổng lồ với cách bố trí bùng binh cùng dải phân cách như ma trận. Biển chỉ dẫn trước mặt cho người đi đường 3 lựa chọn: rẽ trái đi Hưng Yên, thẳng đi TT.Đồng Văn và rẽ phải đi Tế Tiêu. Đi tiếp nữa lại là một giao lộ “khủng” với 4, 5 ngã rẽ đan xen chằng chịt. Lúc này, những người vừa phải trả phí cho tuyến tránh tiếp tục có 3 lựa chọn khó như nhau: trái đi Khả Phong, thẳng đi Chùa Hương và phải đi Chợ Dầu. Đi tiếp theo tỉnh lộ 711, ngang qua khu dân cư thuộc địa phận xã Nhật Tân (huyện Kim Bảng).

Ở chiều ngược lại, nếu theo QL1 từ Ninh Bình về Hà Nội, trước ngã 4 chỗ rẽ trái để vào đường tránh (thôn Quang Trung, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm) cũng chỉ có một biển chỉ dẫn kiểu đánh đố: rẽ trái đi Kiện Khê, thẳng đi Hà Nội và rẽ phải đi Nam Định. 

Khảo sát từ thực tế cho thấy, với nhiều hành khách đi đường, đặc biệt là người đi từ hướng Ninh Bình về, hoàn toàn không biết sự tồn tại của tuyến tránh TP Phủ Lý. Do không tồn tại bất cứ chỉ dẫn nào cụ thể, tất nhiên, để xuyên qua Phủ Lý, họ sẽ chọn cách đi thẳng. Chỉ đến khi bị đón lõng bởi trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ, họ mới tặc lưỡi trả phí cho xong chuyện.

Theo thông tin, mỗi ngày Trạm BOT Nam Cầu Giẽ thu phí khoảng chừng 200 triệu đồng. Việc FCC “xây dựng một đàng, thu phí một nẻo” thiết nghĩ cần có sự làm rõ tính bức thiết, minh bạch để giảm bớt gánh nặng BOT đang gây “ngộp thở” cho người dân như hiện nay.

Theo Hoàng Anh Nongnghiep.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây