Đơn xin lãi suất
Việc niêm yết công khai lãi suất cho vay có tại Ngân hàng Quốc tế (VIB). Mức trần đối với khách hàng cá nhân vay ở lĩnh vực bất động sản được ấn định chung là 15,79%/năm, đồng nghĩa với những khoản vay còn có thể được thấp hơn nữa.
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm từ 15/7/2012, đến nay dư nợ còn kẹt lãi suất cao chỉ còn khoảng gần 20% tổng dư nợ. |
Không chỉ tại VIB, thời gian qua nhiều ngân hàng thương mại đưa ra các chương trình cho vay cá nhân mua nhà lãi suất khá mềm, từ 13% - 15%/năm; thậm chí trong 3 - 6 tháng hay một năm đầu ưu đãi chỉ 9% - 10%/năm.
Với một bộ phận khách hàng cũ, đó là những mức lãi suất mơ ước. Bởi ròng rã thời gian qua họ phải chịu lãi suất cao, và chưa biết đến khi nào mới có thể được tiếp cận sự dễ chịu như khách hàng mới.
Trong thư gửi về VnEconomy, một khách hàng là chủ doanh nghiệp tư nhân tại thành phố Vinh (Nghệ An) phàn nàn rằng, không hiểu sao lãi suất dư nợ cũ của mình vẫn ngất ngưởng gần 20%/năm, trong khi các khoản vay mới lại được chi phí mềm hơn nhiều. Đã ba lần chị trực tiếp hỏi cán bộ tín dụng, câu trả lời vẫn là “chờ sếp duyệt”. Mấy lần tìm cách hỏi ông “sếp” đó thì đều báo bận…
Ở một trường hợp khác, đầu tuần này nhân viên ngân hàng nhắn tin thúc nợ khi đến kỳ trả gốc. Khách hàng hỏi lại lãi suất, được biết là 18,6%/năm. Hỏi về khả năng điều chỉnh, cán bộ tín dụng tư vấn cho cách làm đơn gửi lãnh đạo ngân hàng.
Mẫu đơn ghi sẵn rằng: “Để phù hợp với xu hướng lãi suất trên thị trường hiện nay và tạo điều kiện cho việc trả gốc lãi khoản vay của tôi, nay tôi đề nghị ngân hàng cho tôi được điều chỉnh giảm lãi suất là: 17.6%/năm, như vậy sẽ phù hợp hơn so với mặt bằng lãi suất chung thời điểm hiện nay”.
Nếu có đơn trên, có lẽ ngân hàng sẽ nhân nhượng cho 1%/năm. Và đây có lẽ là lần giảm cuối cùng trong năm, khi mà mặt bằng lãi suất chung trên thị trường đã tương đối định hình và ổn định vài tháng qua.
Cưới được rồi là thôi?
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm từ 15/7/2012, đến nay dư nợ còn kẹt lãi suất cao chỉ còn khoảng gần 20% tổng dư nợ.
Khoảng 20% đó rơi với nhóm đối tượng nào? Tìm hiểu tại một số ngân hàng thương mại, đó chủ yếu là khách hàng vay vốn cá nhân, hoặc ở các lĩnh vực không khuyến khích. Nhưng vì sao họ không được những mức lãi thấp hơn hẳn như những khách hàng mới ở cùng lĩnh vực, nhóm đối tượng?
“Suốt thời gian dài khoản vay của tôi đã phải chịu lãi suất từ 22% - 24%/năm. Ngân hàng giải thích là do phải cân đối, trước đó họ cũng phải huy động lãi suất cao nên lãi suất cho vay các khoản cũ chưa thể kéo về mặt bằng chung với những khoản vay mới. Nhưng cái chính là ngân hàng vẫn cố níu kéo lãi suất cao như vậy, khách hàng cũng đành chịu, cách duy nhất là làm đơn xin giảm”, vị khách trên cho hay.
“Cũng như ở cước điện thoại ấy. Các thuê bao trả sau, khi đã ký hợp đồng kiểu như trọn đời rồi thì chẳng mấy khi được khuyến mại, được giảm cước như các nhà mạng vẫn bung ra lôi kéo thuê bao mới, hay kích thích nạp thẻ mới”, ông so sánh.
Đem câu chuyện trên trao đổi với một người trong cuộc, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), đưa ra một góc nhìn thú vị.
“Chính sách ở mỗi ngân hàng có thể khác nhau. Họ có những yêu cầu trong cân đối để xác định các mức lãi suất ở các nhóm khách hàng, ở các thời kỳ. Còn quan điểm mà chúng tôi đưa vào hoạt động của LienVietPostBank là xem các quan hệ tín dụng giống như tình yêu nam nữ vậy”, ông Hưởng nói.
Ông nhìn nhận, trong đời thường, tình cảm trước và sau hôn nhân có thể sẽ thay đổi. Người đàn ông khi chinh phục người phụ nữ, họ tìm mọi cách để ưu chiều. Nhưng có những trường hợp, cưới được rồi là coi như xong, không còn ưu chiều như trước, coi như người phụ nữ đó đã là của mình.
“Có thể đâu đó có ngân hàng coi trọng việc bằng mọi cách tìm kiếm khách hàng mới, áp lãi suất thật thấp để lôi kéo; còn với khách hàng cũ đã tìm được, đã cho vay rồi thì xem nhẹ sự chăm sóc, ưu đãi. Còn chúng tôi thì quan niệm, chính những khách hàng cũ càng cần phải chăm sóc và tìm cách tạo ưu đãi cho họ, vì họ đã và đang đồng hành với mình, đã và đang nuôi mình. Chính vì thế mà tôi tự tin nói rằng, trong bối cảnh khó khăn chung và cạnh tranh quyết liệt hiện nay, khách hàng tại LienVietPostBank vẫn đông và sự ra đi rất ít, tín dụng vẫn tăng trưởng cao so với mặt bằng chung”, ông Hưởng cho biết.
Còn ở thực tế trên, ông khách nọ lo lắng rằng, kỳ cuối năm đã đến, như nhiều năm trước lãi suất sẽ lại tăng lên, theo đó lãi suất khoản vay của ông chưa kịp giảm xuống cho dễ chịu như các khoản vay mới thì đã có thể tăng trở lại.
Rộng hơn, với những khách hàng cũ như vậy, so sánh lợi ích lãi suất với các khoản vay mới, động cơ tìm cách đảo nợ là rõ ràng. Nếu vậy, ngoài sự xáo trộn nguồn vốn, ngân hàng níu kéo lãi suất cao sẽ phải chứng kiến những sự ra đi…
Theo VnEconomy.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn