Bánh Trung thu đại hạ giá
Hai ngày sau rằm trung thu, thị trường bánh trung thu giảm giá khá mạnh. Nhiều người tiêu dùng lo ngại rằng: liệu vòng quay của những chiếc bánh ế kia có dài đến tận… năm sau?
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 20/9, sau tết trung thu 1 ngày, trên các tuyến đường Trần Duy Hưng, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Đại Cồ Việt, Bà Triệu,… các cửa hàng, đại lí bán bánh trung thu các hãng hầu hết đều treo biền giảm giá như: đại hạ giá, mua hai tặng một, giảm giá 50%… Còn các cửa hàng bày bán sản phẩm của công ty đều đóng cửa sau ngày rằm.
Cảnh mua bán bánh Trung thu diễn ra vẫn rất sôi động, có lẽ vì sức hút của tấm biển “Đại hạ giá”. Nếu trước rằn, hầu hết người tiêu dùng mua bánh về để biếu, thì sau rằm người đến mua bánh đều với mục đích để gia đình thưởng thức.
Theo chủ một bách hóa tổng hợp trên đường Hoàng Như Tiếp (Long Biên, HN), dịp Trung thu chị nhập khá nhiều loại bánh trung thu của các hãng nổi tiếng. Nhưng sức tiêu thụ rất chậm, dẫn đến việc qua ngày trung thu, cửa hàng chị vẫn tồn đọng khá nhiều bánh nên phải giảm giá để thu hút người mua.
Dạo quanh các tuyến đường Cổ Nhuế, Láng, Trường Chinh… một số cửa hàng bán bánh trung thu không treo biển giảm giá, tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, nếu có khách vào hỏi mua chủ cửa hàng sẽ giảm giá từ 25%-50%/chiếc, có cửa hàng thì đưa ra khuyến mãi: mua 1 tặng 1
Chọn mua gần 20 chiếc bánh, anh Phùng (Cầu Giấy, HN) cho biết: “Nhà tôi bọn trẻ đứa nào cũng thích ăn bánh dẻo, bánh nướng. Trước rằm, vì gái khá cao nên tôi chỉ mua một cặp về để cúng. Hôm nay đi qua các cửa hàng, thấy loại bánh này giảm giá nhiều nên mua nhiều một chút về cho bọn trẻ ăn cho đã…”.
Đứng cạnh anh Phùng, chị Ngân (Cầu Diễn, HN) cho biết: “Nhà tôi cả hai vợ chồng đều làm công nhân, làm ca kíp, rồi thay nhau làm đêm, lương lại thấp nên trước rằm trung thu cũng không dám mua sắm gì. Sau rằm, các loại bánh trung thu đại hạ giá nên mới dám mua, mà bánh vẫn còn hạn sử dụng nên cũng không có gì phải lo lắng. Nhà nghèo, coi như đón rằm muộn một chút vậy…”.
Người tiêu dùng lo ngại: liệu có hiện tượng bánh "ế" sau khi được thu hồi sẽ được tẩm ướp hóa chất để năm sau làm nguyên liệu sử dụng?
Gom hàng chờ mùa sau?
Khảo sát tại một số tuyến phố cho thấy, những mặt hàng bánh trung thu giám giá mạnh (50-70%) hầu hết thuộc phân khúc bánh bình dân của các hãng bánh không có thương hiệu.
Nhiều người tiêu dùng lo lắng đặt ra câu hỏi: lượng bánh tồn lại lớn như vậy không biết các hãng sản xuất bánh sau khi thu gom về sẽ “giải quyết” số bánh này ra sao, liệu có xảy ra trường hợp “tái chế” lại bánh để mùa trung thu năm sau?.
Chị Thanh (Thanh Xuân, HN) lo lắng: “Đọc báo thấy rộ lên thông tin Trung Quốc sử dụng lại nhân bánh của năm trước đã mốc xanh mốc đỏ, không biết các chủ bánh nước mình có làm như thế không? Nhưng tôi thấy sau trung thu, bánh ế khá nhiều. Các hãng có thương hiệu thì chắc họ thu hồi bánh về rồi tiêu hủy, nhưng còn các hãng bánh nghe tên thấy lạ hoắc lạ hươ thì thực sự tôi thấy nghi ngờ lắm…”.
Đồng quan điểm như chị Thanh, anh Khải (Thụy Khuê, HN) cho biết: “Người Hà Nội năm nay chuộng loại bánh handmade phải chăng cũng vì lí do này. Sau rằm, tôi cũng tranh thủ đến các cửa hàng chuyên làm bánh handmade mua vài cái về ăn, tuy họ giảm giá ít hơn các hãng khác, nhưng dù sao cũng thấy yên tâm hơn, đỡ lăn tăn về việc họ sử dụng nguyên liệu không đảm bảo…”.
Hành trình của hàng trăm tấn bánh “ế” đi đâu về đâu? Thật khó có câu trả lời chính xác. Những chiếc bánh trung thu sau khi thu hồi, được cho, bán, tặng, hoặc được nhào nặn thành nhiều sản phẩm khác, hay tẩm ướp hóa chất để bảo quản đến tận năm sau? Điều này có lẽ chỉ có “người trong cuộc” mới biết. Người tiêu dùng chỉ có thể đoán định và hi vọng và lương tâm của những nhà sản xuất, để vòng quay của những chiếc bánh ế kia, không trở lại thị trường.
Theo Ngọc Phạm (Người đưa tin)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn