Để giúp người tiêu dùng tránh mua nhầm khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức công bố các tiêu chí nhận diện đâu là khoai tây Đà Lạt và đâu là khoai tây Trung Quốc.
Nhận diện khoai tây Trung Quốc
Nông dân Đà Lạt “chết” vì khoai tây Trung Quốc Trong khi khoai tây Trung Quốc tràn vào Đà Lạt, nhiều người dân có thâm niên trồng khoai tây tại hai xã Xuân Trường và Xuân Thọ, những địa bàn trồng khoai tây lớn nhất Đà Lạt - đã tính chuyện chuyển sang cây trồng khác. Bà Phạm Thị Thu Ba - người có hơn 1ha khoai tây tại Xuân Thọ - bức xúc cho biết từ ngày khoai tây Trung Quốc được các tiểu thương đưa về Đà Lạt “mông má”, vườn khoai của bà không còn là thu nhập chính. “Giá bấp bênh quá, lúc Nhà nước làm căng, khoai tây Trung Quốc vào ít thì được giá, thả lỏng là nông dân chết đứng. Chắc tôi phải giảm diện tích trồng khoai tây để chuyển sang trồng hoa” - bà Ba cho biết. Ông Lê Thìn, chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, cũng cho biết nhiều người dân ở xã đã bỏ trồng khoai tây do giá khoai rớt thảm hại, thua lỗ nặng kể từ khi khoai tây Trung Quốc tràn vào. Còn theo ông Nguyễn Đức Bình - chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, diện tích khoai tây trồng trái vụ tại xã năm nay chỉ còn 15ha thay vì 40-50ha như trước, do nhiều nông dân lo ngại rủi ro về sâu bệnh, thời tiết và đặc biệt là sự xuất hiện của khoai tây Trung Quốc. “Khoai tây Đà Lạt càng ít thì khoai tây Trung Quốc càng nhiều cơ hội tràn vào Đà Lạt rồi mượn tiếng khoai tây Đà Lạt đánh lừa người tiêu dùng” - ông Bình lo lắng. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận có tình trạng nông sản Đà Lạt, đặc biệt là khoai tây, đang bị giả mạo ngay trên đất Đà Lạt. “Chúng tôi thừa biết mánh của tiểu thương tại Đà Lạt khi đưa khoai thẳng từ Trung Quốc đến Đà Lạt chủ yếu để thay đổi xuất xứ và phủ đất đỏ trước khi chuyển đi các tỉnh khác” - ông Sơn nói. Tuy nhiên, dù tận mắt chứng kiến hành vi bôi đất đỏ lên khoai tây Trung Quốc, nhưng đoàn kiểm tra không thể xử phạt do các giấy tờ buôn bán họ đều thể hiện là khoai Trung Quốc.
“Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong khoai để xử phạt hoặc tiêu hủy, do khoai tây Trung Quốc đa số có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, sắp vượt mức an toàn hoặc vượt mức” - ông Sơn nói. Ông Lại Thế Hưng, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết từng lấy các mẫu khoai tây Trung Quốc đã nhuộm đất đỏ để kiểm tra, đều phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hoặc vượt mức an toàn. Theo ông Hưng, nếu kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cửa khẩu phía Bắc thì lượng nông sản Trung Quốc vào Đà Lạt sẽ ít hơn.
Tuy nhiên, trong khi chờ các biện pháp kiểm soát ngay từ gốc, theo ông Hưng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng tiêu chí nhận dạng hai loại khoai tây Đà Lạt và Trung Quốc để giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Cụ thể, theo đặc điểm nhận dạng vừa được Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng chính thức công bố, giữa hai loại khoai tây da vàng, da hồng Đà Lạt và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt có thể phân biệt bằng mắt thường. Theo đó, với khoai tây loại da hồng, củ khoai Trung Quốc to, dài, kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to, ruột khoai có màu vàng đậm. Trong khi đó khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy, mắt củ ít và nhỏ, ruột có màu vàng nhạt.
Cách nhận diện tương tự đối với khoai tây da vàng, nhưng ruột khoai tây da vàng Trung Quốc có màu trắng hơi ngả vàng, còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng, ươm. “Nếu dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai thì thấy khoai tây Trung Quốc nhiều nước, còn khoai Đà Lạt khô” - ông Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, trong quá trình so sánh, phân tích từ hình dáng bên ngoài đến hàm lượng tinh bột, nhóm phân tích nhận thấy ngoài hình dáng nhỏ, khoai tây Đà Lạt có chất lượng vượt khoai tây Trung Quốc. “Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột, không bị nát khi chế biến món ăn. Khoai Trung Quốc ngoài ngoại hình đẹp thì chất lượng kém hẳn, đặc biệt là nặng cân do ngậm nước nhiều” - ông Hưng khẳng định.
Một vốn, bốn lời
Khoảng 13g ngày 19-6 tại chợ nông sản Đà Lạt - điểm tập kết nông sản lớn nhất của Đà Lạt trước khi chuyển đi các tỉnh thành khác, chúng tôi tận mắt chứng kiến tiểu thương chợ thực hiện các quy trình làm giả khoai tây Đà Lạt một cách công khai. Cụ thể, tiểu thương đổ đất đỏ ra những tấm bạt phơi dọc đường đi nội bộ của chợ hoặc đổ những bao đất đỏ vón cục ra lối đi của xe tải để xe qua lại cán cho mịn. Đây là giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu để “hô biến” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại chợ nông sản này hiện có bốn cơ sở lớn trang bị máy chà tự động chuyên chà rửa khoai tây, trong đó chủ yếu tẩy bỏ lớp đất đen nhão dính trên khoai tây Trung Quốc. Chỉ vào đống khoai tây đã được tẩy bỏ lớp đất màu đen, đang được nhân công lấy đất đỏ rải đều lên số khoai tây này, bà Đoàn Thị Chè - một tiểu thương tại chợ này - “khoe” 3 tấn khoai tây Trung Quốc này vừa về sáng 19-6. Sau khi xong công đoạn thay hình đổi dạng, số khoai tây này được nhân viên của bà Chè đóng vào những bao nhỏ đưa thẳng lên những chiếc xe tải đang đợi sẵn.
“Khoai Trung Quốc tôi mua có hóa đơn, có giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn. Đất đỏ tôi bỏ lên cho đẹp khoai” - bà Chè nói. Tuy nhiên, bà Chè thừa nhận trong thời điểm khoai tây Đà Lạt đang khan hàng thì bán khoai Trung Quốc (giả khoai tây Đà Lạt) lời nhiều hơn, bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, khoai tây Trung Quốc nhập về chợ này có giá 3.380 đồng/kg, sau khi “mông má” xong bán cho các đại lý nhỏ với giá 12.000 đồng/kg, và giá bán đến tay người tiêu dùng từ 25.000-30.000 đồng/kg. Ngoài vựa bà Chè, tại chợ này còn có vựa của bà Nguyễn Thị Vân và bà Lê Thị Nhung cũng nhập khoai Trung Quốc với số lượng lớn.
Ông Dương Minh Sơn, trưởng ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, thừa nhận dù các tiểu thương đã cam kết không phủ đất lên khoai tây, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên. Theo ông Sơn, khoai tây Trung Quốc sẽ đổ về Đà Lạt ngày càng nhiều hơn, nhất là từ tháng 7 đến cuối tháng 11, bình quân chợ này tiếp nhận 5-12 tấn/ngày. Riêng từ ngày 16-6 đến nay, hơn 40 tấn khoai Trung Quốc đã nhập về chợ và chia cho các tiểu thương khác thực hiện những thủ thuật trước khi bán đi.
theo MAI VINH (TTO)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn