Phòng cháy "4 tại chỗ"
Những ngày nắng nóng, cây cối khu vực xứ núi Hương Khê trở nên khô cằn, cháy sém. Nếu ai đó lỡ tay để vương vãi một tí lửa hay tàn thuốc thôi sẽ có nguy cơ bùng phát thành đám cháy lớn, khó có thế dập tắt. Trong khi đó, những cánh rừng Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh được trải rộng trên diện tích hơn hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn được ví như là “miếng mồi” của "thần lửa". Để chủ động phòng chống hỏa hoạn, bảo vệ an toàn cho rừng cây cao su và các khu rừng trồng nguyên liệu “thoát hiểm” tromg mùa nắng nóng, Công ty đã chủ động triển khai phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ". Theo đó, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác truyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia PCCCR và tổ chức diễn tập, tập huấn cho lực lượng dân phòng, các tổ đội xung kích PCCCR tại các địa phương có rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hà – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cho biết: Xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ cấp bách, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp và người lao động, ngay từ đầu năm, Công ty đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR - PCCCR và triển khai chỉ đạo các tiểu ban xây dựng kế hoạch chung BVR-PCCCR cho toàn Công ty trên cơ sở phương án chung của toàn cụm đã được các huyện phê duyệt. Theo đó, đơn vị đã thành lập các tổ đội xung kích BVR-PCCCR, chủ yếu là lực lượng BVR và công nhân của chủ rừng. Cùng với công tác tuyên truyền, Công ty chủ động phối hợp với các xã trong cụm tổ chức thành lập các tổ đội xung kích, mỗi đội từ 25-30 người.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn những năm qua, Công ty chủ động xây dựng kế hoạch PCCCR; tích cực làm tốt công tác truyên truyền và chủ động phối hợp với các chính quyền địa phương có diện tích rừng trồng cao su, thông và keo lá tràm, triển khai đồng bộ các giải pháp PCCR một cách quyết liệt. Để động viên nhân dân tích cực tham gia công tác BVR- PCCCR, đơn vị phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức nói chuyện chuyên đề trong nhà trường, các địa phương và tiến hành ký cám kết đến tận các hộ dân về các chương trình hành động BVR-PCCCR; thông báo qua hệ thống loa truyền thanh xã, xóm về quy chế cấp dự báo cháy rừng trong những ngày nắng nóng.
Trồng 7.000-8.000 cây cao su vào năm 2015
Được thành lập từ tháng 7/2007 với sự quan tâm của tỉnh Hà Tĩnh, Cty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh đã có trong tay 15.000 ha diện tích đất lâm nghiệp để phát triển cao su và một số chương trình lâm nghiệp đề ra. Mục tiêu Cty đặt ra là phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 7.000-8.000 ha cao su đứng và sẽ đưa vào khai thác mủ từ 1.500-2.000 ha.
Ông Trần Thanh Hà, cho biết: Công ty được Tập đoàn CNCS Việt Nam đánh giá là một trong những vườn cây ở khu vực miền Trung phát triển đều, đạt tiêu chuẩn đề ra. Ngoài phát triển cao su đại điền, Cty còn bắt tay với nông dân ở các huyện Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn để phát triển cao su tiểu điền bằng hình thức bao tiêu trọn gói, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Nếu suôn sẻ thì từ nay đến 2020, Cty sẽ phấn đấu cùng với nông dân đưa tổng diện tích cao su tiểu điền đạt 10.000 ha.
Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng, Đào Anh Thân cho hay: “Chúng tôi xem Cty Cao su là "cứu tinh" xoá đói giảm nghèo của cả làng cả xã, bởi khi dự án cao su về đầu tư trên đất Sơn Hồng, đã có hơn 300 lao động là con em nông thôn được nhận vào làm công nhân cho Cty với mức lương bình quân đạt từ 3 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, mở ra một hướng đi mới cho người dân có công ăn việc làm, không còn vào chặt gỗ phá rừng như trước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nơi vùng rừng biên giới. Bên cạnh việc trồng cao su, Cty đã đầu tư tiền của xây dựng cầu cống, đường sá giao thông đi lại, làm hội quán, trường học cho các thôn nằm trong vùng dự án, góp phần quan trọng cho xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”.
Được biết, ngoài việc đầu tư phát triển cây cao su, Cty còn chú trọng đẩy mạnh đầu tư sản xuất qua các dự án như: lâm nghiệp, chế biến gỗ rừng trồng, trồng tre lấy măng...góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và nông dân nhận khoán có thu nhập ổn định; đồng thời, mang lại lợi nhuận thiết thực cho Cty.
Có thể nói, tuy mới gia nhập Tập đoàn CNCS Việt Nam, nhưng nhờ sự tích lũy dày dạn qua nghề rừng của lãnh đạo Cty, đặc biệt là người đứng đầu - GĐ Trần Thanh Hà đã chèo lái con thuyền đi đúng hướng, tạo nên kỳ tích gần 4.000 ha cao su trên vùng đất này. Đây cũng là tiền đề để việc phát triển cao su đi đúng định hướng, tạo bước đột phá kinh tế trên địa bàn như kỳ vọng
Phong Nguyên - Báo Bảo vệ pháp luật
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn