Giải đáp những băn khoăn này, Chính phủ cho biết, trước khi tăng gia điện, từ năm 2011, Tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, cơ quan trong đó có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đã kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức họp báo, công bố, đăng tải công khai về giá thành sản xuất kinh doanh điện, chi phí phát điện, truyền tải, bán lẻ điện,...
Theo Chính phủ, việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16/3 vừa qua là cần thiết và căn cứ vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra của Tổ công tác liên ngành.
Phương án điều chỉnh giá cũng được các bộ thống nhất. "Đây cũng là phương án tăng thấp và ít tác động đến kinh tế - xã hội", Người phát ngôn của Chính phủ đánh giá.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh đồng thời giá điện và giá xăng dầu cùng một lúc là chưa hợp lý, tạo sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Nhưng theo Người phát ngôn Chính phủ, hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu đã cơ bản theo cơ chế thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh trên cơ sở biến động giá xăng dầu thế giới, kết hợp với các công cụ điều tiết thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên (Chủ nhiệm VPCP) cho biết, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cùng trong tháng 3 vừa qua đã được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thận trọng. Ngoài các yếu tố chi phí đầu vào (có tăng, có giảm), các cơ quan còn đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan thống nhất lựa chọn phương án có tác động bất lợi thấp nhất và hỗ trợ người tiêu dùng điện ở mức phù hợp.
Chính phủ cũng khẳng định, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 ở mức thấp, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu này không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn